Việt Nam Thời Báo

“Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”: Nhập gia tùy tục, ông Toshiya Miura ạ!

Liên Sơn

(VNTB) – Nếu cụ Tản Đà sống dậy, hẳn cụ lại tiếp tục hành thơ: “Dân gần trăm triệu ai người lớn?/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, dù Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng 151 quốc gia có Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI).


Góc nhìn người Nhật

Chỉ thông qua một bài phỏng vấn về bóng đá trên tờ J-Sport [1], nhưng HLV trưởng bóng đá Việt Nam HLV Toshiya Miura đã cho thấy một góc nhìn chính xác về thực trạng người Việt Nam cũng như cơ quan nhà nước trong thời gian “nhập gia” vừa qua.

Đó là cái “tính ham chơi” mà người Việt vẫn muốn giữ, nó không những thể hiện trong công việc cộng đồng, mà nó còn tồn tại trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, dẫn đến xu hướng “ghét việc khó chịu” mà chỉ thích “việc vui vẻ” như ông Toshiya Miura cảm nhận. Chả thế mà, Việt Nam luôn đội sổ trong nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất thế giới, trong khi các khoản hội hè, nhậu nhẹt, bia rượu lại đứng hàng đầu.

Images intégrées 1


Nhập gia thì… tùy tục

“5 triệu con chó và 3 tỷ lít bia” phục vụ cho việc ăn nhậu của nước Việt đã khiến cho giống nòi suy, đất nước kiệt sức phát triển, và đối tượng chính tiêu thụ hai sản phẩm là người dân lao động thấp, công nhân viên chức nhà nước. Đó là lý do vì sao, trong bữa trưa (như HLV người Nhật nhận thấy), các nhân viên VFF lại thích tráng miệng bằng bia.

Việc bia rượu trong giờ trưa từng có một thời điểm, chính ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng, bởi nó ảnh hưởng mạnh đến hoạt động công chức, công vụ, trong khi bản thân các yếu tố này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.


“Chịu khó ăn cắp”

Nhưng giá như chỉ có bia bọt thì còn có chút cảm thông, vì dù sao GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cũng đã từng phản bác quy định “cấm bia rượu” ở công viên chức, lý do cho rằng, bia uống vào buổi trưa có lợi cho sức khỏe, công việc nếu “điều độ” [2]. Đằng này, một cơ quan Bộ (VFF) lại “chịu khó ăn cắp” thời gian làm việc công, khi thời gian bắt đầu làm việc từ 8h30, nhưng 9h mới đến chỗ làm, 12-14h thì nghỉ trưa, và chưa đến 17h00 thì đã nghỉ (16h30). Như thế, VFF làm việc “đầy năng suất” trong chưa đầy 6 tiếng làm việc/ ngày.

Vậy là, từ sau thời điểm ông Nguyễn Xuân Phúc ca thán về tình trạng “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về”, tình trạng này không hề có xu hướng giảm mà ngược lại còn tăng lên, không phải chỉ ở vùng sâu vùng xa, với các văn phòng cấp phòng – sở, mà xuất hiện ngay ở cơ quan cao nhất thuộc Bộ mang cái tên rất hay: Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Liệu rằng, đây có phải là trường hợp duy nhất dám trêu ngươi “Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước” hay không? Điều đó chưa thể biết, do chưa có một thống kê rõ ràng, chỉ biết rằng, lệ “chôm chỉa” thời gian có hệ thống ở các vị công bộc của dân là cái lệ thường ở huyện, chứ không phải là sự lạ đâu đây.  Cũng bởi, tư duy cố hữu “nhà nước như con bò sữa, thằng nào vắt được thì cứ vắt”.

Thế nên, theo báo cáo toàn cầu “Thế giới việc làm 2014” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Với các nước láng giềng ASEAN thì năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan, cũng là điều dễ hiểu.

Nhàn hạ công việc, vô tư ăn cắp thời gian công, dưới nhãn mác “cơ quan/ doanh nghiệp nhà nước” đã trở thành một thương hiệu rất riêng và càng ngày càng hấp dẫn, thu hút những người nói (nịnh bợ) nhiều, làm ít, thích kêu ca (quyền lợi)… tìm đến. Hiện tượng hàng ngàn người đội mưa nắng xếp hàng để nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức tại Cục Thuế Hà Nội kể cũng bình thường là vì thế.

Vì là điểm đến của những người thích “an thân, trục lợi”, nên cơ quan công vụ là nơi ì ạch nhất, quan liêu nhất, tham nhũng nhất. Việc làm hiệu quả nhất mà những con người “đầu tháng cắp ô, cuối tháng lĩnh lương” là vẽ ra các quy định có tính hiệu lực… trên trời, và họ thực sự đã làm rất tốt. Ví như: thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ; cấm để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài; cộng điểm cho bà mẹ VNAH khi đi thi Đại học…

Chưa kể, cái cách quan chức nhà nước, những người đáng ra phải là tấm gương của việc thực thi pháp luật, lại là đối tượng hàng đầu coi thường luật pháp. Hiện tượng “con cháu tướng Nhanh” tưởng như chỉ xuất hiện ở các bợm nhậu không làm chủ được mình, những nam nữ thanh niên nông nổi, những người bình dân còn thiếu suy nghĩ. Thì giờ đây, hiện tượng ấy lại đàng hoàng, đỉnh đạc, đầy tự tin lẫn tự hào nói rằng: “Ông này là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia” để cảnh sát giao thông (CSGT) dễ dàng cho qua.

Thành ra mới có chuyện tận dụng nhãn mác công bộc nhà nước mọi lúc, mọi nơi. Như vào tháng 6/2013, trong một công văn số 18/2013/HH-CV do ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội ký chuyển, đề nghị hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình gửi tới UBND TP. Hà Nội, cuối công văn không quên có thêm một nội dung được in nghiêng quan trọng: “Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để TP. Hà Nội “cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.


Đá tung quả bóng pháp luật!

Bởi ông Toshiya Miura mới bước vào căn nhà Việt Nam nên thấy “đặc biệt”, nhưng nếu ông ở một thời gian, ông sẽ thấy rằng, hiện tượng người làm trong cơ quan nhà nước có thế và lực ngầm mạnh đến nỗi, họ có thể đứng trên luật, đi trước luật (đặc quyền, đặc lợi) và thậm chí, càng ở cấp bậc nhà nước cao, họ càng có khả năng, đá tung quả bóng pháp luật đi chỗ khác – khi thấy cần thiết  là hoàn toàn bình thường. Do đó, việc CSGT bỏ qua lỗi vì ông là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam mới chỉ là bước mở đầu, sẽ có một lúc nào đó, ông còn “bắt” cả một chuyến bay với hàng trăm con người buộc phải chờ ông vì ông là… VIP (đến từ khu vực nhà nước) như câu chuyện vào tháng 6/2014 vừa qua ở hãng Vietnam Airlines.

Đơn giản và đầy ngộ nghĩnh, do đó, nếu cụ Tản Đà sống dậy, hẳn cụ lại tiếp tục hành thơ: “Dân gần trăm triệu ai người lớn?/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”

Nhưng không sao, vì tính “trẻ con” rất Việt Nam đó (làm việc vô trách nhiệm, chăm chăm lo quyền lợi tư, coi thường pháp luật) đã giúp Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng 151 quốc gia có Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI). Rõ ràng, kết quả đó, có một phần công không nhỏ ở các cán bộ, cơ quan nhà nước ta.

Và như thế, thì tội gì, ông Toshiya Miura lại không hạnh phúc nhỉ? Do đó, hãy “nhập gia và tùy tục” thôi!


Tham khảo:

Q:  Làm việc với một đội bóng nước ngoài, cách nhìn nhận của ông về bóng đá Nhật Bản thay đổi như thế nào?

A: Tôi có thay đổi chứ. Nếu so với Nhật, người Việt Nam có những tính cách mà người Nhật đã mai một ít nhiều, như tính ham chơi nhỉ. Họ trẻ con hơn người Nhật một chút, ghét việc khó chịu, còn việc gì vui vẻ thì thật sự làm tốt. Có thể họ còn sót lại những điểm đơn giản như vậy.

Q:  Đâu là những thời khắc thảnh thơi nhất của ông khi đảm nhiệm công việc hiện tại?

A: Lúc thảnh thơi là những lúc xem bóng đá mà tự nhiên hiểu được thêm điều gì đó. Người Việt Nam nói chung không thích đả kích, và giống người Nhật ở chỗ ngại va chạm. Tôi cảm thấy vui vì điểm chung đó. Bữa trưa ở Việt Nam cũng có cảm giác thư thả hơn so với cách người Nhật ăn cơm hộp, mua từ cửa hàng đồ ăn nhanh, rồi ăn trong khoảng 15-20 phút.

Trong bữa trưa, tất cả mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy. Sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa. Mọi người sẽ ngủ trưa khoảng một tiếng. Đây là thói quen từ bé. Về thói quen này, ở công ty cũng như thế. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bắt đầu làm việc lúc 8h30, nhưng từ 8h30 đến 9h mọi người mới đến chỗ làm; từ 12-14h là thời gian nghỉ trưa và 16h30 kết thúc công việc.

Q:  Sinh hoạt của ông ở Việt Nam như thế nào?

A: Có khoảng 10.000 người Nhật Bản ở Hà Nội. Vì thế, ở đó cũng có sẵn nhà hàng sẵn sàng phục vụ đồ ăn Nhật Bản. Vì tôi là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia nên chế độ đãi ngộ hoàn toàn khác (chế độ VIP). Liên đoàn bóng đá Việt Nam thông báo rằng tôi không cần phải tự lái xe, và cấp cho tài xế, xe riêng.

Lái xe của tôi bị bắt năm lần do vi phạm giao thông, nhưng lái xe nói: “Ông này là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia” nên cảnh sát giao thông cũng cho qua. Ngoài ra, khi tôi đi cùng đội tuyển đến sân thi đấu cũng có cảnh sát dẫn đường. Ở Việt Nam, xe máy lộn xộn, nên tôi cũng được khuyên là không nên đi lung tung. Tôi nghĩ làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Việt Nam đúng là đặc biệt thật!

Tin bài liên quan:

Ông Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng vào chiều 2/1?

Phan Thanh Hung

VNTB- Quay tiêu cực tại sở KH&ĐT Hà Nội: Chỉ làm khổ doanh nghiệp?

Phan Thanh Hung

Phóng sự VNTB: Đêm 6/1: Hàng trăm con người chờ… 1 người

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo