Mỗi nông dân/hộ nông dân trong quá trình hợp tác sản xuất phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm mà họ làm ra. Nếu không tuân thủ, buộc họ phải ra ngoài cuộc chơi.
Nông nghiệp gần đây được người ta xem như một “trào lưu” khi hàng loạt ông lớn không tiếc tiền của đầu tư vào. Tuy nhiên theo Ts. Đặng Kim Sơn, chuyên gia cao cấp về Nông nghiệp, đó chỉ là hiện tượng chứ không hề có làn sóng nào đầu tư vào nông nghiệp.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2016, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI chia sẻ những khó khan khi bước vào lĩnh vực đầu tư tưởng như “thời thượng” này. Ông Hưng cho biết, chưa tính đến lợi nhuận, không phải cứ có tiền là rót vào nông nghiệp được. Đầu tư được 5 triệu Đô la vào nông nghiệp đã là việc không hề dễ dàng. Ông Hưng cũng đồng thời tiết lộ đã đầu tư 100 triệu Đô la vào lĩnh vực này.
Theo số liệu được công bố tại Diễn đàn Nông nghiệp thời TPP, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 1% trong toàn nền kinh tế. Riêng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, con số cũng chỉ xoay quanh 1%.
Ông Hưng hiện đang đồng thời là Chủ tịch HĐQT PAN – công ty đang nuôi tham vọng dấn thân vào mảng nông nghiệp với chủ trương mô hình khép kín “từ nông trại đến bàn ăn”.
Ông Hưng cho biết, để đầu tư vào nông nghiệp tăng trưởng, hiệu quả, cần phải có 4 điều kiện sau:
Thứ nhất, công nghệ cao – kỹ thuật canh tác.
Thứ hai, phương pháp chế biến bảo quản. Với việc sản xuất quy mô lớn, sản lượng khổng lồ, yêu cần về việc chế biến bảo quản vì vậy ngày càng khắt khe.
Thứ ba là kênh phân phối với những yêu cầu chuyên biệt cho sản phẩm nông nghiệp.
Thứ tư là những chính sách ưu đãi. Ông Hưng nhấn mạnh, cần phân biệt “việc phải làm” với “ưu đãi” trong nông nghiệp. Ví dụ việc “cấp giấy phép trong tuần” – theo ông Hưng là việc phải làm, chứ không thể coi đó là ưu đãi.
Cơ chế không-xin-lỗi
Chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác với nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ông Hưng thẳng thắn chia sẻ: Điều quan trọng nhất là phải thiết lập được cơ chế không-xin-lỗi. Có nghĩa là mỗi nông dân/hộ nông dân trong quá trình hợp tác sản xuất phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm mà họ làm ra. Nếu không tuân thủ, buộc họ phải ra ngoài cuộc chơi.
Vậy người nông dân được gì khi hợp tác với doanh nghiệp, tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe mà doanh nghiệp đưa ra?
Có một thực tế là hiện nay trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, người trực tiếp sản xuất không được hưởng nhiều lợi nhuận. Lợi nhuận rơi vào tay các thương lái, nhà phân phối hơn là người nông dân một nắng hai sương. Với doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi họ quan tâm đến biên lợi nhuận tổng thể, do vậy có thể điều tiết lợi nhuận cho các thành phần tham gia. Người nông dân vì vậy có được nhiều lợi ích hơn khi tham gia chuỗi khép kín này.
Đối với PAN, ông Hưng cho biết mặc dù điều tiết nâng lợi nhuận của người nông dân, giúp họ có đủ động lực để làm việc tử tế. Trong trường hợp xấu nhất, nếu nông dân Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu, không ngoại trừ công ty sẽ đầu tư tại các nước lân cận như Myanmar, Thái Lan. Mặc dù việc đầu tư ra nước ngoài là điều không hề mong muốn. Khi doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, người nông dân sẽ có áp lực phải làm tốt.
Làm nông nghiệp chuyên môn hóa hay chuỗi khép kín?
Khi người ta chạy theo số lượng ngay, người ta sẽ chuyên môn hóa. Đích đến cuối cùng của PAN không phải là số lượng, mà là thực phẩm an toàn. Rất may những người đồng hành cùng PAN và SSI chia sẻ mong muốn này và hỗ trợ hết mình, ông Hưng chia sẻ.
Trong thời gian tới, khi TPP được ký kết, không ngoại trừ khả năng công ty sẽ bán hàng do các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sản xuất, miễn đó là thực phẩm an toàn. Việt Nam không thiếu sản phẩm an toàn. Cái thiếu là nơi đủ tin cậy để người ta mua được sản phẩm đó.
Kể cả có VinGroup hay Hòa Phát, đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa là làn sóng
Theo Trí thức trẻ