Nguyễn Tường Thụy
Của mình cứ ngỡ ai ban
(VNTB) – Hội Bầu bí tương thân lên thăm anh Vi Đức Hồi khi anh vừa được trả tự do. Tôi hỏi anh, khi đi tù thì lương hưu như thế nào? Anh bảo từ khi bị bắt, họ cắt lương, bây giờ về thì tiếp tục được nhận. Tôi nói, điều này vô lý. Có thể ở địa phương anh làm sai vì lương hưu là của anh chứ không phải ai ban phát cho cả.
Nhiều người hưu trí cũng nhầm lẫn về việc này, nhất là những người phục vụ trong lực lượng vũ trang và thế hệ công nhân viên chức trước đây. Điều này xuất phát ở chỗ, mỗi khi lĩnh lương, họ không để ý đến việc đã bị trừ đi khoản đóng bảo hiểm xã hội rồi.
Họ cho rằng lương hưu là sự đãi ngộ của Đảng và Nhà nước. Họ tỏ ra rất hài lòng, khoe với nhau cứ mỗi sáng bước chân từ trên giường xuống đất đã có ngay 100 nghìn (nếu lương là 3 triệu), hay 200 nghìn (nếu lương là 6 triệu) mà không phải làm gì. Tiền của mình nhưng cứ ngỡ ai cho. Cái tư duy xin cho đã ăn vào não của nhiều người.
Những lần đi biểu tình, có mấy cựu chiến binh gặp tôi bày tỏ sự bức xúc trước hiện thực xã hội. Nhưng họ nói, tôi chỉ dám đi xa xa về phía sau thôi vì tôi đang “hưởng chế độ”, nếu lộ diện “nó tức lên, nó cắt đi mất”. Tôi phải giải thích cho họ nhưng xem chừng họ không nghe ra.
Bản chất của lương hưu
Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) là tập hợp đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH (người lao động, người sử dụng lao động …) để dành dụm, tiết kiệm cho sau này, thông qua lương hưu hoặc trợ cấp khi rủi ro xảy ra. Như vậy, hiển nhiên, lương hưu không phải là chính sách đãi ngộ của Nhà nước mà là tiền để dành của người lao động dùng đảm bảo cuộc sống khi họ không còn khả năng kiếm tiền hoặc gặp rủi ro. Khi đi tù thì lương hưu vẫn là tiền của họ.
Mặt khác, người đi tù đã chịu đủ mọi thiệt hại về vật chất tinh thần, tổn thương về sức khỏe. Nhiều người còn là chỗ dựa cho bố mẹ già, con nhỏ. Không chỉ riêng mình mà cuộc sống gia đình họ cũng bị đảo lộn, người nhà cũng phải lao đao, chạy vạy thăm nuôi. Vì thế, cắt lương hưu của họ không chỉ vô lý mà còn là một việc làm vô nhân đạo.
Văn bản pháp luật hiện hành
Khi nói chuyện với anh Vi Đức Hồi, tôi chỉ cho là địa phương làm sai vì tôi đinh ninh, tiền của người ta, luật nào dám cắt. Sau về, tôi tìm hiểu lại mới biết việc này có trong luật bảo hiểm xã hội.
Luật BHXH 2006 (có hiệu lực từ 1/1/2007), điều 62 qui định những người chấp hành hình phạt tù (giam) bị tạm dừng hưởng lương hưu.
Theo Điều 33 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì “Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được tiếp tục thực hiện khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù”.
Chữ “tạm dừng” sử dụng ở đây không rõ ý. Tạm dừng có thể hiểu ngừng trả lương hưu cho đến khi tiếp tục trả thì người chấp hành án tù được truy nhận khoản tiền mà thời gian đi tù họ không được nhận.
Với chữ “tạm dừng” và “tiếp tục”, cả luật BHXH và Nghị định 152 đều không nói rõ trong thời gian chấp hành án tù thì lương hưu có bị cắt hay không, hay là tạm giữ lại. Vì vậy, nếu truy trả cho người đã mãn hạn tù trong thời gian ở tù thì cũng không có gì sai so với chữ dùng trong Luật BHXH và Nghị định 152. Thế nhưng, với một văn bản chữ nghĩa mơ hồ, người vận dụng bao giờ cũng giải quyết theo hướng bất lợi cho đối tượng.
Vì vậy, cách làm trên thực tế của BHXH là “cắt” chứ phông phải là “tạm dừng”. Nếu việc làm này đúng tinh thần của Luật BHXH thì Luật phải nói rõ: những người chấp hành hình phạt tù bị CẮT lương hưu trong thời gian chấp hành án tù.
Còn một điều nữa cần phải được tính đến. Nhà văn Phạm Viết Đào bị bắt ngày 13/6/2013, mãn án vào ngày 13/9/2014. Trong thời gian này, anh bị cắt lương hưu. Nhưng bản án phúc thẩm ngày 9/6/2014 mới là bản án có hiệu lực.
Theo anh, cắt lương hưu của anh trong khoảng thời gian từ khi bị bắt đến khi tuyên án phúc thẩm là vô lý vì khoảng thời gian đó (11 tháng 26 ngày), anh vẫn không phải là người có tội. Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Anh cho biết đang khiếu nại về việc này.
Sửa luật
Được biết, Luật BHXH 2014 có một số thay đổi, trong đó, điều 64 đã loại những người chấp hành án phạt tù ra khỏi đối tượng tạm dừng hưởng lương hưu (vẫn là “tạm dừng” chứ không phải là “cắt”). Nhưng không hiểu sao Luật ký ngày 20/11/2014 mà phải đợi đến 1/1/ 2016 mới có hiệu lực.
Sửa luật để khắc phục những bất cập cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Nhưng việc bỏ những người chấp hành án phạt tù ra khỏi đối tượng bị cắt lương hưu là một việc sửa sai – cái sai rành rành. Vì vậy, cần phải có một điều luật, nghị quyết nào đó khôi phục toàn bộ lương hưu đã cắt của những chấp hành án tù vì như trên đã phận tích, lương hưu là tiền của họ chứ không phải ai ban phát cho.
—————–
Khoản 1 Điều 62 Luật BHXH quy định: “Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo”.
Theo quy định trên nếu bố của bạn không được hưởng án treo thì sẽ bị tạm dừng hưởng lương hưu trong thời gian chấp hành hình phạt tù.
Tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì “Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù”.