Việt Nam Thời Báo

Quyền bầu cử trong và ngoài Việt Nam

Dường như Việt kiều và công dân Việt Nam ở nước ngoài không được thực hiện các quyền công dân trong bầu cử, ứng cử, tranh cử của mình, theo các khách mời tại tọa đàm của BBC tuần này với chủ đề ” Quyền bầu cử của công dân” nhân mùa bầu cử đang diễn ra ở Anh quốc và một số quốc gia tại châu Âu.

Việt Kiều, công dân Việt Nam ở hải ngoại dường như chưa được tham gia các kỳ bầu cử trong nước.

Trao đổi tại cuộc tọa đàm hôm 07/5/2015, ông Ngô Văn Tưởng, nhà hoạt động xã hội người Việt Nam tại Ba Lan nói:

Mặc dù tại Việt Nam có nhiều cuộc bầu cử diễn ra nhưng tại Văn phòng Lãnh sự của Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan không bao giờ tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào cả
Ngô Văn Tưởng, nhà hoạt động xã hội


“Mặc dù tại Việt Nam có nhiều cuộc bầu cử diễn ra nhưng tại Văn phòng Lãnh sự của Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan không bao giờ tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào cả.”

Theo ông Tưởng, người từng ra tranh cử trong một kỳ bầu cử nghị viện ở địa phương tại Ba Lan vào cuối năm 2014, có một số nguyên nhân.

Nhà hoạt động nói: “Theo tôi biết đây là hậu quả của một số vấn đề rất rõ rệt. Thứ nhất, người tổ chức bầu cử là người đại diện chính quyền, trong trường hợp này là Cơ quan Lãnh sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

“Và người cử tri, những người Việt Nam sống tại Ba Lan và mang quốc tịch Việt Nam, được biết rằng lá phiếu của họ không có một giá trị gì cả, cho nên phía chính quyền cũng không muốn tổ chức cuộc bầu cử tại cơ quan lãnh sự và phía cử tri cũng chẳng ai muốn đi tham gia bầu cử làm gì.

“Bởi vì cũng như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đã nói nếu một thể chế mà chỉ có một độc đảng duy nhất lãnh đạo, thì tất cả những cái bầu chỉ là phù phiếm và không mang lại kết quả dân chủ và giá trị thực sự của lá phiếu bầu.

Có hàng triệu kiều dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nếu chỉ tính riêng tại Mỹ và châu Âu.

“Chính vì thế tôi nghĩ rằng chính quyền, ở đây nghĩa là cơ quan đại diện ngoại giao, đã bỏ qua trách nhiệm rất là lớn của một thể chế, đó là tổ chức bầu cử để tạo cho cử tri thực thi quyền công dân của mình.

“Và ngược lại, cử tri Việt Nam tại Ba Lan cũng biết rằng lá phiếu của mình chẳng có giá trị gì cả, cho nên cũng chẳng ai màng tới việc là tại Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam có tổ chức đi bầu cử nhân dịp trong nước có các cuộc bầu cử hay không.”

‘Từ Úc tới Pháp’

Những người Pháp mà ra sinh sống ở các nước, họ được quyền đăng ký ở tòa Đại sứ, cũng như tòa Tổng Lãnh sự Pháp.
Christine Nguyễn, blogger, nhà báo tự do


Trước câu hỏi nếu có thực tế như trên thì có thể có ai ‘ vi phạm quyền’ về bầu cử, ứng cử v.v… của kiều dân, công dân Việt Nam ở hải ngoại hay không, từ Sydney, Úc, ông Nguyễn Minh Vọng, làm việc cho các dự án hỗ trợ cộng đồng của Bộ Xã hội Úc, nêu quan điểm:

“Tôi có cháu, có người em học ở bên Úc, nhưng không có bao giờ nghe thấy họ nói là đi bầu cử… Bầu cử không được ý thức rõ ràng cho lắm.”

Khi được hỏi có bao giờ kiều dân hay công dân Việt Nam được các cơ quan ngoại giao Việt Nam như Tòa Đại sứ hay các cơ quan lãnh sự liên hệ, thông tin, mời tham gia các cuộc bầu cử của Việt Nam tại Úc hay không, ông Vọng cho hay:

“Hoàn toàn không bao giờ có… Tôi sống bên gia đình vợ tôi cũng là những người tị nạn, những người đi vượt biên, cũng có người bị mất tích, thì sự dính dáng với sứ quán hay chế độ Việt Nam, chế độ cộng sản bây giờ thì cũng hiếm lắm, không có…

“Nói như vậy các vị thính giả có thể biết rằng sự liên lạc không được như ở Ba Lan hay ở các nước Đông Âu.”

Công dân ở Việt Nam có các quyền bầu cử, ứng cử, còn các công dân VN ra nước ngoài có vẻ chưa được hưởng các quyền này, theo ý kiến tại tọa đàm.

Từ Paris, Pháp, nhà báo tự do, blogger Christine Nguyễn chia sẻ với bàn tròn và đưa ra một góc nhìn so sánh giữa Pháp và Việt Nam, qua việc kiều dân Pháp ra nước ngoài liên hệ ra sao với bầu cử, hay trưng cầu dân ý ở quốc nội.

Christine Nguyễn nói: “Người Pháp ra sinh sống ở các nước, thì những đợt bầu cử thì người Pháp họ sẽ làm gì? Theo quy định của Bộ nội vụ Pháp, những người Pháp mà ra sinh sống ở các nước, họ được quyền đăng ký ở tòa Đại sứ, cũng như tòa Tổng Lãnh sự Pháp.

“Ở đó, họ mở ra những thùng phiếu và những ngày bầu cử cho những người Pháp đang sống ở nước ngoài để cho người ta tới đó để bỏ phiếu.

Theo tôi thấy cũng có một số người mà đầu óc suy nghĩ vẫn còn như kiểu ở VN bây giờ, tôi nghĩ là hiếm, nhưng cũng không dám loại trừ là không có ai
Kỹ sư Đoàn Xuân Tuấn


“Và đó là những cuộc bầu cử gì? Cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc bầu cử Quốc hội, những cuộc trưng cầu dân ý, thì người Pháp khi sống ở nước ngoài, nếu có quan tâm muốn bỏ phiếu, sẽ Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán của mình, dĩ nhiên trước đó có đăng ký, có danh sách và được làm phiếu, thì họ sẽ thực hiện quyền công dân của mình.

“Theo con số thống kê, cách đây 10 năm có tới 700.000 công dân Pháp sinh sống ở các nước đã đi bỏ phiếu như thế, đã đăng ký bỏ phiếu như vậy,” blogger Christine Nguyễn nói.

Từ Anh, khách mời Đoàn Xuân Tuấn nói với bàn tròn về việc có thể có các công dân Việt Nam ở Anh còn giữ quan hệ với trong nước và Tòa đại sứ có thể có nhu cầu tham gia bỏ phiếu cho các kỳ bầu cử ở Việt Nam.

Kỹ sư Tuấn nói:

“Ở London, số người từ miền Bắc, từ Hải Phòng qua cũng rất nhiều, theo tôi thấy cũng có một số người mà đầu óc suy nghĩ vẫn còn như kiểu ở Việt Nam bây giờ, tôi nghĩ là hiếm (người có nhu cầu bỏ phiếu), nhưng cũng không dám loại trừ là không có ai.”

‘Hành vi vi hiến’

Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, khách mời tham gia tọa đàm từ Đại học George Washington, Hoa Kỳ, nơi ông đang là học giả thỉnh giảng, nói:

Nhiều Việt kiều xuống đường ở hải ngoại ủng hộ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam gần đây.

“Tôi khẳng định rằng không bao giờ có một quy chế nào, hay một kế hoạch nào để tổ chức cho những người mang quốc tịch Việt Nam, hay nói cách khác, công dân Việt Nam, ở nước ngoài mà thực hiện quyền bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử ở trong nước…

“Tức là việc các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài như là Đại sứ quán, Lãnh sự quán, không tổ chức cho công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu để bầu ra những vị đại diện ở trong nước, ví dụ như là ở Quốc hội, hay là ở Hội đồng Nhân dân các cấp, thì đó là một hành vi vi hiến.

“Bởi vì Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay đều quy định rằng công dân Việt Nam từ 18 tuổi có quyền tham gia bầu cử, và từ 21 tuổi thì có quyền tham gia ứng cử vào Quốc hội và cũng như vào các Hội đồng nhân dân các cấp.

Việc các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài như là Đại sứ quán, Lãnh sự quán, không tổ chức cho công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu… thì đó là một hành vi vi hiến
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ


“Cho nên kết luận của tôi là với một thể chế độc đảng, hay dưới một chế độ độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, thì không bao giờ và vĩnh viễn không bao giờ có chuyện mà các quyền của người dân ở Việt Nam được bảo đảm.

“Mà trong trường hợp này, những công dân Việt Nam ở nước ngoài sẽ không bao giờ có quyền bỏ phiếu để bầu đại diện của mình trong các cuộc bầu cử ở trong nước.

“Cho nên kết luận lại là cần phải thay thế chế độ độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng một chế độ thực sự dân chủ, do dân, của dân, vì dân và để có được thể chế đó, thì chúng ta cần phải buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay chấm dứt đàn áp nhân quyền.

“Để moi người thực hiện những quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp, biểu tình v.v… trước. Và khi làm những việc đó rồi, thì mới có thể dẫn đến một xu thế là bầu cử tự do, có sự tham gia của các đảng phái.

“Và đến khi cuộc bầu cử tự do có sự tham gia của các đảng phái được thực hiện rồi, thì lúc đó mới có một chính quyền của dân và chính quyền của dân lúc đó mới có nghĩa vụ, chứ không phải là ban phát, tổ chức cho các công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia các cuộc bầu cử trong nước,” ông Hà Vũ nói với tọa đàm của BBC.

Theo BBC

Tin bài liên quan:

Hé lộ chi tiêu VP Trung ương Đảng

Phan Thanh Hung

‘Hoa Kỳ nên bán vũ khí phòng thủ cho Việt Nam’

Phan Thanh Hung

VNTB – Hóa ra tất cả là kịch bản soạn trước à?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo