Việt Nam Thời Báo

Quyền im lặng: từ nhân quyền tới dân quyền

Hiện nay, trên diễn đàn Quốc hội và trên các trang mạng xã hội đang tranh luận sôi nổi về quyền im lặng.
Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) là tướng tá công an đã kịch liệt phản đối quyền này và viện dẫn ra trình độ dân trí Việt Nam thấp.
Đại biểu Quốc hội Việt Nam Đỗ Văn Đương

Có đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng Việt Nam chưa nên ra luật về quyền im lặng.

Nhưng gây nhiều sóng gió nhất phải nói là ông Đỗ Văn Đương thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh khi ông cho rằng áp dụng quyền im lặng “có vẻ như dung túng” hoặc “có lợi” cho tội phạm.
Ông Đương nói:
“Trong dự luật này gần như quy định quyền im lặng của người phạm tội.
“Luật không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội, như vậy ngầm hiểu là im mồm rồi.
“Tội phạm không khai báo gì cả thì sao xử lý? Cái này phải làm rõ là bị can, bị cáo được phép trình bày ý kiến và quan trọng nhất là chống lại bức cung nhục hình.
“Chứ không phải cứ khăng khăng im mồm như thế, nếu cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân… Quan điểm của tôi là không để oan sai nhưng cũng không để bỏ lọt tội phạm”.
Quan điểm của ông Đương tất nhiên là đã vấp phải sự phản đối từ các ĐBQH khác, cũng như từ rất nhiều người dân trên các trang mạng xã hội.
Trong khi Quốc hội Việt Nam đang cố gắng cải tiến hệ thống luật pháp cho theo kịp với chuẩn mực luật pháp quốc tế, giảm các vụ án oan sai bằng việc đưa quyền im lặng vào dự luật tố tụng hình sự thì ông Đương lại phát biểu rất lạc lõng, thể hiện một tư duy cũ kỹ, lạc hậu.

Ở Mỹ và nơi khác

Một vài tội phạm thật sự có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật sau khi áp dụng giả định vô tội và quyền im lặng, nhưng đó là cái giá mà hệ thống tư pháp phải trả để bảo vệ những người vô tội

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung

Khi một nghi can hay một người bị tình nghi bị bắt rồi bị khởi tố ở Hoa Kỳ hay các nước dân chủ khác, người cảnh sát phải nói với nghi can đại ý rằng:
“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi.
“Bất cứ điều gì anh nói cũng có thể được dùng để chống lại anh trước tòa.
“Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh.
“Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi.
“Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”.
Đó là quyền im lặng Miranda có từ năm 1966 theo Tu chính Án thứ năm của Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ nói chung, dù đã ra đời năm 1791, nghĩa là cách đây 224 năm, vẫn là chuẩn mực để nhân loại hướng vào.
Vậy thì không lẽ trình độ dân trí, điều kiện Việt Nam hiện tại không thể bằng Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm?
Như thế thì bao giờ Việt Nam mới trở thành một đất nước “dân chủ, công bằng, văn minh” hay “sánh vai với các cường quốc năm châu”?
Đảng Cộng sản đã lãnh đạo cả quốc gia ‘thống nhất’ được 40 năm rồi mà vẫn để “dân trí thấp” thì liệu rằng nhà cầm quyền còn xứng đáng ở vị trí lãnh đạo nữa không?
Trung Quốc, một quốc gia xã hội chủ nghĩa khác, đã chính thức áp dụng giả định vô tội và quyền im lặng từ năm 2000 mà chưa hề bị “diễn biến hòa bình”.
Vậy thì hà cớ gì nhà cầm quyền ở Việt Nam lại còn tiếp tục từ chối quyền này của người dân?

Quyền của con người

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung cho rằng quyền im lặng sẽ giúp bảo vệ những người vô tội và nâng cấp nhân quyền ở Việt Nam.

Thực ra quyền im lặng là quyền căn bản, quyền đương nhiên của con người. Nếu nghi can không khai báo, im lặng thì với việc điều tra như hiện nay, điều tra viên bằng nhiều nghiệp vụ điều tra sẽ đưa sự việc điều tra theo hướng mà điều tra viên này muốn nếu không có sự hiện diện của luật sư. Điều này có xác suất rất cao sẽ dẫn đến oan và sai.
Nếu Quốc hội chấp thuận quyền im lặng, tức là đưa quyền con người vào quyền công dân thì đó là điều đáng hoan nghênh, nhất là khi Việt Nam đã ký tên vào công ước chống tra tấn và Quốc hội cũng đã thông qua điều này.
Còn việc lo xa như ông Đỗ Văn Đương rằng cho nghi can quyền im lặng là một hình thức của “diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân” là vô tình hay cố ý nhìn đâu cũng thấy “địch” và đánh giá thấp trình độ của lực lượng công an Việt Nam mà chính lực lượng này và báo chí Việt Nam cũng tự hào khi cho rằng công an Việt Nam rất giỏi nghiệp vụ phá án.
Một chế độ chính trị nếu bảo đảm quyền của công dân, cụ thể ở đây là quyền của một con người được im lặng khi đang bị bị tạm giữ, tạm giam, lại lo sợ đến mức cho rằng mình sẽ bị lật đổ bởi “diễn biến hoà bình” thì rõ ràng quyền lực của Nhà nước và quyền lợi của người dân đang mâu thuẫn nhau.
Lý do là nhà cầm quyền nắm giữ quyền lực không hề chính danh, không có sự chuẩn thuận của người dân qua bầu cử tự do và công bằng.
Suy nghĩ như ông Đỗ Văn Đương thì có lẽ những quyền khác để nhiều người dân có sức mạnh giám sát chính quyền như quyền tự do lập hội và hội họp, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do ứng cử và bầu cử… sẽ trở thành âm mưu “bạo loạn lật đổ”. Và thực tế là những quyền trên dù Hiến pháp đã công nhận nhưng chưa hề có luật và không hề đi vào thực tế ở Việt Nam.
Quyền im lặng thật ra cũng nằm trong quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp Việt Nam hiện hành công nhận.
Công dân có quyền được nói lên chính kiến của mình, nhưng cũng có quyền im lặng không nói những gì mình không muốn. Dù là nghi can trong mắt cơ quan công quyền nhưng nghi can vẫn là một công dân, vẫn được giả định là vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa.
Một vài tội phạm thật sự có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật sau khi áp dụng giả định vô tội và quyền im lặng, nhưng đó là cái giá mà hệ thống tư pháp phải trả để bảo vệ những người vô tội.

Nên theo chuẩn quốc tế

Nếu quyền im lặng được thông qua thì rõ ràng quyền con người ở Việt Nam được nâng cấp, các nghi can sẽ được bảo vệ tốt hơn, oan sai cũng vì thế mà sẽ giảm rõ rệt

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung

Điểm quan trọng nhất của quyền im lặng là nghi can có quyền không nói những gì gây thêm bất lợi cho tội danh đang bị điều tra của người đó.
Quyền im lặng không có nghĩa là không khai bất cứ điều gì.
Nó chỉ có nghĩa là nghi can có quyền không khai thêm những điểm bất lợi.
Quyền im lặng cũng không có nghĩa là một lời nhận tội.
Không thể nào có sự công bằng trong tiến trình điều tra thẩm vấn một nghi can nếu nghi can không có quyền im lặng cho đến khi có luật sư hiện diện.
Tiếp đó tiến trình thẩm vấn phải tuyệt đối được ghi âm và ghi hình.
Nếu cơ quan công an, viện kiểm sát vẫn cố tình không chấp nhận việc này, thì chứng tỏ họ muốn được tự do ép cung nghi can và dùng các biện pháp nghiệm vụ bất hợp pháp như tra tấn để khiến một nghi can phải nhận tội.
Thiết nghĩ, việc Quốc hội đưa quyền im lặng vào dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, cũng như đưa quy định “Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng” trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi cho thấy một số lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền đã có tư duy hết sức tiến bộ, và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống tư pháp theo chuẩn mực thế giới.
Nếu quyền im lặng được thông qua thì rõ ràng quyền con người ở Việt Nam được nâng cấp, các nghi can sẽ được bảo vệ tốt hơn, oan sai cũng vì thế mà sẽ giảm rõ rệt.
Luật sư tại Việt Nam sẽ được người dân và cả bộ máy điều tra tìm đến.
Tính minh bạch trong bộ máy công quyền được đề cao và sẽ có thêm tín nhiệm của người dân.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một nhà vận động nhân quyền và dân chủ hóa cho Việt Nam, một cựu tù nhân lương tâm đang sinh sống ở Sài Gòn.
Theo ThS Nguyễn Tiến Trung (BBC)

Tin bài liên quan:

Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ để làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trợ lý Ngoại trưởng Virgina Bennett gặp giới XHDS độc lập tại Sài Gòn

Phan Thanh Hung

Trò chuyện đầu xuân: “Đổi mới không thể tránh đụng lợi ích”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo