Việt Nam Thời Báo

RFA – Hội nhà báo độc lập Việt Nam: Vững vàng trước mọi thử thách

Hội nhà báo độc lập Việt Nam

J.B Nguyễn Hữu Vinh

rfavietnamblog

 

Cách đây gần 6 năm, ngày 04 tháng 07 năm 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam được thành lập.

Việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một sự kiện gây chú ý trong dư luận xã hội Việt Nam trên các diễn đàn cũng như với báo chí nhà nước Cộng sản.

Báo chí tự do: Nhu cầu cấp thiết

Điểm qua tình hình báo chí Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 21, điều ai cũng nhận thấy, nếu so với ngay thời thực dân nô lệ, quyền tự do báo chí và xuất bản ở Việt Nam đã tụt hậu rất nhiều lần, chưa cần nói đến so sánh với thế giới hiện tại.

Không cần nói nhiều hoặc tìm đâu cho mất công, chỉ cần so sánh tính chất và số lượng báo chí cũng như chính sách kiểm duyệt và quyền tự do báo chí của người dân Việt Nam hiện nay với thời kỳ đó, chúng ta đã thấy rất rõ ràng.

Trên thế giới, ngay giữa lòng thủ đô Paris của nước Pháp, nơi mà chính quyền cộng sản sau này cho là sào huyệt của bọn đế quốc, thực dân nhưng nhóm những người mang tên Nguyễn Ái Quốc vẫn cứ làm báo, phát hành kêu gọi lật đổ, bạo động và xúi giục lật đổ chế đô thực dân là chuyện rất bình thường.

Tại Việt Nam, hơn 150 năm trước, khi tờ Gia Định báo ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn, được coi là tờ báo đầu tiên Lịch sử báo chí Việt Nam đến nay đó là tờ báo tự do do tư nhân kiểm soát và phát hành bởi sự cho phép của Thực dân Pháp.

Ở thời kỳ thực dân, báo chí tư nhân được tự do đăng ký và phát hành. Nhiều tờ báo đã ra đời và tồn tại những tiếng nói độc lập cho đến mấy chục năm sau.

Tiếp nối giai đoạn đó, thời kỳ của báo chí tự do còn được tồn tại ở Miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày chính quyền này sụp đổ năm 1975.

Ở Miền bắc, báo chí tự do chỉ được tồn tại cho đến ngày người cộng sản cướp được chính quyền tại Miền Bắc năm 1945 và những năm sau đó khi mà người Cộng sản chưa chiếm được quyền lãnh đạo đất nước. Sau 1954, nhà cầm quyền dựng lên vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” để trừng trị những tiếng nói “không chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” thì báo chí tự do, báo chí tư nhân chỉ còn là một khái niệm.

Ngày nay, với cả ngàn tờ báo đủ mọi hình thức từ báo giấy, báo nói, báo điện tử, báo hình… nhưng tất cả đều chung một Tổng biên tập là Ban Tuyên giáo Trung Ương. Tất cả báo chí đều dưới cây gậy điều khiển của chính quyền cộng sản.

Điều ai cũng thấy, là mọi thông tin cuộc sống, xã hội từ hiện thực cuộc sống cho đến tư tưởng nền tảng xã hội đều được tất cả báo chí nhà nước nhào nặn theo đúng ý đảng, mặc kệ lòng dân.

Do vậy điều không lạ, là dàn báo chí nhà nước khi đã là công cụ của đảng, thì chuyện đưa ra những thông tin nhiều khi trái ngược lòng dân, trái ngược sự thật là điều rất bình thường, nếu những sự thật đó, lòng dân đó không đúng với ý đảng.

Mà ý đảng, thì lại hoàn toàn không nhằm phục vụ người dân, chủ yếu là phục vụ việc chiếm giữ chiếc ghế quyền lực, chia chác lợi ích phe nhóm trong đảng và điều “cao cả” hơn, cơ bản hơn là phụng sự chủ nghĩa Quốc tế cộng sản.

Thế nên, theo đúng lý thuyết của Chủ nghĩa Mác – Lenin, khi có mâu thuẫn giữa lợi ích của Phong trào Cộng sản Quốc tế và lợi ích đất nước, dân tộc, nhân dân, thì đảng phải hy sinh lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân cho lợi ích của Quốc tế cộng sản.

Chính vì thế, dựa trên tinh thần, tư tưởng cộng sản mà những năm gần đây, khi Chủ nghĩa Cộng sản thi nhau sụp đổ trên toàn thế giới, những người cộng sản Việt Nam chỉ còn biết bấu víu vào đàn anh Cộng sản là Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng, điều oái oăm, là Đảng Cộng sản Trung Quốc lại là một tổ hợp kết hợp từ hai yếu tố: Tư tưởng bành trướng Đại Hán, chủ nghĩa Sô vanh nước lớn kết hợp với sự tàn bạo và dối trá của Chủ nghĩa Cộng sản. Vì thế, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là thực hiện tham vọng bành trướng từ ngàn đời để lại bằng nhiều phương pháp và hình thức.

Và khi đảng Cộng sản Việt Nam gắn kết, coi Đảng CS Trung Quốc là quan thầy, thì việc coi nhẹ lãnh thổ, quyền tự chủ của đất nước, quyền con người của người dân không có gì là lạ.

Ngược lại với những nhu cầu của người dân, cần sự đoàn kết, yêu thương và gắn bó, hàn gắn những vết thương lịch sử nhằm xây dựng một cơ đồ vững mạnh, báo chí nhà nước đã bằng mọi cách nêu cao chính sách bạo lực và dối trá của nhà nước độc tài.

Oái oăm thay, chính sách bạo lực và dối trá lại chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho đời sống xã hội.

Đời sống người dân được tô hồng, đánh bóng mà quên đi những thân phận nghèo khổ, những giai cấp lao động bị bỏ quên khi đảng đã nắm chắc cái ghế cai trị. Mặc dù, đó là những tầng lớp, những giai cấp đã “theo đảng đến cùng” để giành thành quả cai trị về cho đảng và đã từng được coi là Giai cấp tiên phong, là liên minh vững chắc của đảng với những lời lẽ ca tụng, hứa hẹn đến ngất trời.

Những mảnh đời bất hạnh hầu như biến mất để thay vào đó những thành công, những thắng lợi, những điển hình thực hiện đường lối và chính sách của đảng. Những điều đó có nói đến, cũng lại chỉ để kể công lao và ru ngủ những người dân đồng cảnh về “sự quan tâm của đảng” đến họ nhằm lừa bịp dân chúng.

Những luân lý, đạo đức xã hội, những nét văn hóa được xây dựng từ ngàn đời đã bị phá nát, thay thế bằng những cuộc “đấu tố”, “cách mạng” mà thực chất là những cuộc cướp tập thể để thay thế vào đó là những khát vọng về vật chất, hưởng thụ bất chấp giá trị tinh thần.

Những tôn giáo bị tận diệt hoặc bị khuynh loát trở thành tay sai của đảng, những giá trị tâm linh có tác dụng gìn giữ đạo đức con người, xây dựng đạo đức cộng đồng, xã hội… bị xóa bỏ để thay vào đó những trò mị dân, những thứ hổ lốn giữa vô thần và hữu thần vốn đã như nước với lửa chỉ có tác dụng phục vụ sự thống trị của một đảng vô thần.

Từ đó, đạo đức xã hội suy đồi, con người với con người khi đã quan niệm “đồng chí vợ, đồng chí chồng, đồng chí con và đồng chí bố” thì mọi giá trị đời sống văn hóa đã trở về con số âm.

Người dân được hướng đến những giá trị vật chất, coi nhẹ những giá trị tinh thần, học vấn. Nền giáo dục bị tha hóa đến tận cùng, sự gian dối trở thành “quốc giáo” đã tạo nên một xã hội mù lòa về nhận thức, yếu kém về khả năng.

Hơn trăm năm trước Phan Châu Trinh đã viết: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường…”. Ngày nay, những điều kêu than đó vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống xã hội Việt Nam.

Vì những lẽ trên, là những người cầm bút có lương tri, nặng lòng với đất nước và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, đau nỗi đau của người dân lao động, thấm đẫm những trăn trở, nỗi khốn khổ của người dân… không thể im lặng làm ngơ trước thực tế xã hội.

Trước những đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, của xã hội trong môi trường xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của chế độ độc tài toàn trị, thủ tiêu mọi quyền công dân cơ bản nhất là tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp là lập hội, việc có một tổ chức nhà báo độc lập có tiếng nói khách quan, không định kiến và có mục đích “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” là một việc hết sức cần thiết.

Và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Đối mặt thách thức

Ngay từ đầu, tiêu chí của Hội đã xác định rõ ràng là: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một hội “chuyên nghiệp báo chí độc lập”, một tổ chức “xã hội dân sự”, có mục đích: “phục vụ cho các nhà báo không phân biệt người trong nước và người ngoài nước, các cộng tác viên báo chí độc lập, và cả những nhà báo quốc doanh”.

Việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam trong điều kiện hoàn cảnh Việt Nam dưới chế độ độc tài, toàn trị là một thách thức lớn đối với tất cả  những người cầm bút muốn có tiếng nói trung thực, độc lập và khách quan về mọi vấn đề chính trị, và đời sống xã hội.

Thách thức đầu tiên, là từ Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức hiện đang chiếm giữ chiếc ghế cai trị đất nước nhưng vẫn là một đảng ở ngoài vòng luật pháp, tự nắm lấy một thứ siêu quyền lực vượt lên tất cả mọi định chế xã hội. Mặc dù trên Hiến pháp, văn bản, giấy tờ thì ghi rõ ràng: “Đảng hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Chính vì vậy, Đảng này đã hoàn toàn không bao giờ muốn hoặc dung thứ cho bất cứ một hội nhóm, đảng phái nào được hình thành mà không nằm dưới “sự lãnh đạo tuyệt đối” của mình.

Tổ chức Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời và phát triển đã ngay lập tức bị dàn báo đảng tập trung đánh phá và xuyên tạc, bôi nhọ đủ mọi hình thức. Thậm chí, Hội nhà báo Việt Nam còn ra văn bản gửi đến các báo chí nhà nước cấm phóng viên, nhà báo quốc doanh tham gia Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Xét về khía cạnh pháp lý, Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam là một tổ chức ngang hàng với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thậm chí nó còn chính danh, chính nghĩa hơn Đảng CSVN nhiều lần bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam được hình thành hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, tự giác bằng sự hiểu biết tường tận, bằng nhu cầu cấp thiết của xã hội và đất nước của mỗi thành viên.

Ở đó không có sự lừa đảo hứa hẹn rằng: “Chúng ta không có gì để mất mà được thì được tất cả” nhưng những chiêu bài mà Đảng CS đã đưa ra lừa bịp nhân dân từ đầu khi thành lập.

Ngược lại, những người tham gia Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đã xác định rằng: Họ chấp nhận làm những viên đá lót đường, chấp nhận hy sinh vì lợi ích xã hội, đất nước và nhân dân.

Thứ hai, Hội Nhà báo Độc lập không chủ trương bạo lực, không chủ trương lật đổ, khủng bố đối với bất cứ một cá nhân, tổ chức nào. Ngược lại với chủ trương của Đảng Cộng sản là “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” và “Đường vinh quang xây xác quân thù.

Thứ ba, Hội nhà báo Độc lập Việt Nam được thành lập tuân theo những điều khoản mà Hiến pháp Việt Nam quy định cũng như những cam kết mà chính nhà cầm quyền CSVN đã long trọng ký kết với cộng đồng quốc tế. Điều này ngược lại với Đảng CSVN khi thành lập từ nước ngoài, mang tư tưởng Cộng sản quái thai dùng bạo lực, khủng bố vô luật pháp vào Việt Nam nhằm cướp đoạt quyền lực, của cải bằng mọi cách.

Thứ tư, với tiêu chí của mình là lên tiếng cho sự thật, cho công lý trong ôn hòa, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam không dung túng cho những thông tin giả dối, lừa bịp và kích động hận thù, không “thề ăn xương uống máu quân thù” như chủ trương của Đảng CSVN.

Và chính vì vậy, Hội NBĐLVN là một trong những tổ chức mà Đảng CSVN khó chấp nhận.

Bởi chấp nhận Hội NBĐLVN, thì đó sẽ là tấm gương phản chiếu đối với trước hết là hệ thống báo chí cộng sản, và sau đó là Đảng CSVN, lực lượng đang “lãnh đạo tuyệt đối” đám báo chí này.

(Còn nữa)

29/5/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam Thời Báo đang ‘thiên’ về bên nào: ‘tả’ hay ‘hữu’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hoa Kỳ và EU lên tiếng về bản án đối với 3 nhà báo độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội Đảng toàn quốc bắt đầu trong bối cảnh đàn áp tự do Internet leo thang

Phan Thanh Hung

1 comment

Đặng Phước 12.06.2020 10:12 at 10:12

Tiếng nói của người dân phải đươc tôn trọng , vì thế mọi hành vi ngăn cấm quyền tự do biểu đạt là hành vi vi phạm pháp luật!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo