Việt Nam Thời Báo

Thuế phí “đè” doanh nghiệp, hàng Việt làm sao để cạnh tranh?

Gánh nặng tiêu chuẩn, chi phí xuất khẩu, thuế phí, thủ tục xuất khẩu… đang là các trở ngại với chính sách phát triển ngành chế biến thực phẩm.


Thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo về tác động của các hiệp định thương mại tự do, đầu tư song phương tới mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam, do CIEM tổ chức, ngày 29/6.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) dẫn báo cáo khảo sát cho biết hiện có 4 vấn đề đang cản trở với chính sách phát triển ngành công nghệ chế biến thực phẩm.

Cụ thể, đó là các gánh nặng về tiêu chuẩn; chi phí xuất khẩu; thuế phí thủ tục xuất khẩu và năng lực của các cảng biển.

Ông Dương dẫn báo cáo khảo sát cũng cho hay, chi phí cho hoạt động xuất khẩu gia tăng trong thời gian gần đây đã tạo nên gánh nặng và áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, có hàng chục phụ phí các loại đang “đổ” lên vai nhà xuất khẩu như: Phí dịch vụ container, phí mất cân đối container, phí vệ sinh container, phí tắc nghẽn cảng (PCS)…

Theo các doanh nghiệp, năm 2014 các loại phí này tăng 20-30% so với 2013 khiến giá cước vận tải biển vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-15%, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam.Mặc dù cước vận tải biển cao hơn khu vực nhưng theo ông Dương, xuất nhập khẩu các doanh nghiệp lại thường xuyên bị ảnh hưởng do tắc nghẽn tại các cảng.

Đặc biệt, từ khi thực hiện việc siết chặt trọng tải trong khi hạ tầng chưa phát triển tương ứng khiến cho xuất – nhập hàng bị chậm đi, chậm về; bến bãi không đủ, phí lưu kho tăng cao…

Ngoài ra, báo cáo của CIEM cũng cho biết, cá doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm cũng đang gặp rắc rối liên quan tới thuế – phí và hải quan.

Cụ thể, đó là các khó khăn trong thực hiện Thông tư 128 về thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế… hay ướng mắc trong thực hiện Thông tư 219 về hướng dẫn thuế giá trị giá tăng.

“Đau đầu” với bài toán cạnh tranh

Bên cạnh các yếu tố liên quan đến thuế phí, hạ tầng, báo cáo CIEM cũng cho biết, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ gánh nặng tiêu chuẩn khi xuất khẩu.

“Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản sản xuất và khai thác bền vững ngày càng cao. Đây sẽ là những thách thức lâu dài của ngành thủy sản”, báo cáo CIEM cho biết.

Tại hội thảo, ông Dương dẫn chứng nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam đã bị trả về do không đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm. Lúa gạo, loại nông sản chủ lực của Việt Nam là một ví dụ.

“Chiêu trò trộn gạo này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm lâm vào tình cảnh bị trả về, ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông Dương cho biết.

Ông Dương dẫn thêm số liệu của Bộ Công thương về mặt hàng sữa cho hay: Hiện sữa ngoại chiếm khoảng 75% thị phần sữa bột tại thị trường Việt Nam.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang bị cản trở bởi các gánh nặng trên thì giá cả sữa ngoại còn có khả năng giảm do được ưu đãi về thuế nhập khẩu trong những năm sắp tới. Chính điều này đang tăng áp lực cạnh tranh, thậm chí gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chưa kể từ giờ cho tới năm 2018, thuế suất cam kết của Việt Nam đối với nhiều sản phẩm thịt bò, gà, lợn nhập khẩu từ Úc, Newzealand sẽ tiếp tục giảm xuống cho tới mức từ 0-5% theo cam kết AANZFTA. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi trong nước lại bị phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn, giống, thuốc thú ý và các nguyên liệu nhập khẩu khác từ nước ngoài.

Theo ông Dương, những đặc điểm này khiến nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi quy mô nhỏ nội địa đang “đau đầu” với bài toán cạnh tranh với các nhà xuất khẩu nước ngoài.


Theo Mạnh Nguyễn (Bizlive)

Tin bài liên quan:

Cải cách không đủ mạnh, doanh nghiệp tư nhân… ra rìa

Phan Thanh Hung

VNTB – 1001 kiểu cạnh tranh thị trường của các công ty Trung Quốc 

Do Van Tien

Ông Trương Đình Tuyển: Lo khu vực tư nhân bị bóp nghẹt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.