Trang mạng The Diplomat ngày 23/01/2016, đã đăng một bài viết nêu lên khả năng là Trung Quốc biểu dương lực lượng ở Biển Đông để tác động lên Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, vào lúc mà cuộc đấu đá giành chức tổng bí thư Đảng giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng chưa thật sự ngã ngũ.
Hôm thứ ba 19/01/2016, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến hoạt động tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và đã yêu cầu Bắc Kinh rút ra khỏi vị trí này.
The Diplomat nhắc lại rằng vụ giàn khoan Hải Dương 981 được đưa đến khu vực Hoàng Sa vào năm 2014 đã từng gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Vào lúc đó, phản ứng cứng rắn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phản ứng nhẹ nhàng hơn của ông Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh bất đồng trong nội bộ Đảng về cách đối phó với những hành động ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Vụ di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ xảy ra sau khi Trung Quốc đưa các máy bay dân dụng bay thử nghiệm đến đá Chữ Thập, một đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Trường Sa.
Hà Nội đã ra tuyên bố phản đối vụ bay thử nghiệm nói trên và sau đó tố cáo Trung Quốc đã thực hiện hàng chục chuyến bay vào vùng thông báo bay Thành phố Hồ Chí Minh mà không báo trước cho phía Việt Nam, trong đó có ba chuyến bay đến đá Chữ Thập, một hành động bị xem là gây nguy hại cho an toàn hàng không dân dụng khu vực.
Nhưng phía Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định họ đã thông báo trước cho phía Việt Nam biết về các chuyến bay đó và theo họ, vì là ngang qua lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc, nên những chuyến bay này không cần tuân thủ các quy định của hàng không dân dụng quốc tế.
Cơn sóng gió ngoại giao Việt-Trung nổ ra vào đúng dịp Đại hội Đảng, với cuộc đấu đá giữa hai phe Trọng – Dũng ngày càng quyết liệt. Trái với dự đoán ban đầu, hội nghị trung ương lần thứ 14 đã quyết định sẽ đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức tổng bí thư. Thông tin này cũng đã được một viên tướng Việt Nam xác nhận hôm nay.
Theo The Diplomat, một số nhà phân tích cho rằng chính Trung Quốc đã tác động lên Ban chấp hành Trung ương để họ ra quyết định gạt bỏ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trang mạng này cũng nhắc lại chuyến đi của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng một số uỷ viên trung ương đến Bắc Kinh ngày 23/12/2015 để gặp các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, trong đó có cả chủ tịch Tập Cận Bình.
Báo chí Nhà nước thì khẳng định chuyến đi này chỉ nhằm thắt chặt quan hệ song phương. Thế nhưng, các nhà phân tích độc lập cho rằng Bắc Kinh đã nhân chuyến đi của phái đoàn Nguyễn Sinh Hùng để bày tỏ quan ngại về khả năng ở Việt Nam sẽ có một chính phủ ngả theo Mỹ, do phe ông Dũng chiếm đa số.
Trang web nguyentandung.org vào lúc đó đã không ngần ngại đả kích thái độ này của Bắc Kinh, trong một bài viết tựa đề: ”Không để Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Việt Nam sau cái bắt tay thân mật”.
Trước đó, trong một bài phát biểu gần như mang tính chất tranh cử, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các lãnh đạo tỉnh thành chống mọi hành động và âm mưu nhằm can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam trước Đại hội Đảng. Ông Dũng cũng đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trong một hành động có vẻ là nhằm đối lại với ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 2/01 đã đi thăm nhiều đơn vị an ninh để yêu cầu bảo đảm “an ninh tuyệt đối” cho Đại hội Đảng.
Ba ngày sau đó, công an và quân đội Việt Nam đã mở cuộc thao dượt quy mô ở thủ đô Hà Nội, một dấu hiệu cho thấy là phe ông Trọng vẫn kiểm soát lực lượng vũ trang và mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc biểu tình khác nhân Đại hội Đảng sẽ bị trấn áp ngay lập tức.