Về chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng

BBC Việt Nam có cuộc tọa đàm với chủ đề “Bang giao Việt Mỹ và chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng” với sự tham gia của ba học giả Ngô Vĩnh Long, Trần Việt Thái và Jonathan London.
 
TT B. Obama và TBT NP Trọng. Ảnh: BBCVN
                                         TT B. Obama và TBT NP Trọng. Ảnh: BBCVN
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế, nói có 3 ý
 
1. Thứ nhất là tính biểu tượng. Phải nói là chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tính biểu tượng hết sức sâu sắc. Hiện nay nhận thức của rất nhiều người Mỹ, hoặc rất nhiều người ở Mỹ về Việt Nam là tương đối lạc hậu, chậm so với những thay đổi ở Việt Nam, hoặc là họ có những nhận thức không phù hợp với bối cảnh hiện nay.
 
2. Và bản thân nó khẳng định một điều, nó cho thấy là sự công nhận lẫn nhau giữa hai nhà nước, giữa hai chế độ, đây là điều hết sức quan trọng đối với Đảng cộng sản Việt Nam, đối với đất nước Việt Nam.Đấy là hai nước với chế độ chính trị khác nhau, hoàn toàn có thể hợp tác và cùng hướng tới những vấn đề có lợi ích chung. Đấy là điểm thứ hai.
 
3. Điểm thứ ba là nó sẽ giúp gỡ bỏ một số cách thức, một số khó khăn và trở ngại ở trong quan hệ Việt – Mỹ, để mở đường cho những cơ hội hợp tác.”
 
Tiến sỹ Jonathan London, đang giảng dạy ở Khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế, Đại học Thành thị Hong Kong, có ý kiến
 
1. Cũng thấy hối tiếc, dù mừng Tổng Bí thư đang (chuẩn bị) sang Mỹ, nhưng không biết hiệu quả đến mức độ nào. Và điều đó tôi nghĩ cũng không giải quyết được. Nhưng hy vọng là việc này sẽ được nhớ về một thời điểm mà quan hệ song phương giữa hai nước đã thay đổi
 
2. Hơi tiếc một chút, bởi vì sắp tới Việt Nam sẽ có những lãnh đạo mới sẽ lên cầm quyền.
 
3. Và tôi hy vọng, dù tôi không hiểu tại sao ông Nguyễn Phú Trọng được chọn để sang Mỹ, nhưng tôi hy vọng là trong tương lai thì sẽ không có chuyện là sẽ có những thiếu thống nhất trong (lãnh đạo) cấp cao của Việt Nam.
 
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói:
 
1. Tôi đồng ý với vấn đề biểu tượng. Đây là vấn đề rất quan trọng.
 
2. Tôi nghĩ rằng một ông Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Mỹ trong lúc này cho quần chúng Mỹ biết rằng là đối với Mỹ vấn đề ý thức hệ không phải là vấn đề quan trọng lắm, ngay bây giờ, mà là vấn đề lợi ích chung của hai nước và an ninh trong khu vực.
 
3. Vấn đề nữa là ông Trọng sang kỳ này là trước khi (Hiệp định) Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết. Mà đây là thời điểm rất quan trọng, nếu ông Trọng sang bên Mỹ và vận động quần chúng Mỹ, cho biết rằng Việt Nam sẽ nghiêm chỉnh thi hành những đòi hỏi của TPP, khi Việt Nam đã ký, trong đó có vấn đề nhân quyền, bảo vệ công nhân, thì tôi nghĩ đây là một vấn đề có lợi không những cho Mỹ, cho Việt Nam, cũng cho mười nước kia nữa trong vấn đề củng cố quan hệ và đẩy mạnh TPP.
 
Lời bình của Hiệu Minh
 
Là người từng làm việc 11 năm tại World Bank cách Nhà Trắng có một phố (WB trên đường 18, Nhà Trắng trên đường 17), tôi mong ngày nào đó vào đây để bắt tay vị Tổng thống của siêu cường số 1. Có lẽ cũng là giấc mơ của hàng tỷ người trên hành tinh, từ người bình thường tới chính khách cao cấp của 180 quốc gia và vùng miền.
 
Tại Nhà Trắng, hàng tuần đều có chuyến thăm lãnh đạo cấp nhà nước, dân chỉ nghe tiếng còi hụ của cảnh sát dẫn đường cho khách VIP trên đại lộ Pennsylvania hay phố 17 là biết ngay.
 
Góc đường 17 cắt Pennsylvania. Ảnh: HM
                                               Góc đường 17 cắt Pennsylvania. Ảnh: HM
 
Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới đây, mỗi chuyến thăm đều nâng quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao mới.
 
Tổng Bí thư ĐCS VN tới thăm TT Hoa Kỳ trong tuần đầu tháng 7-2015 là một tín hiệu quan trọng mang tính biểu tượng, hiệu quả đến đâu lại phụ thuộc vào tín chỉ của nhiều phía.
 
Không ở Washington DC vào thời điểm đó để đưa tin trên blog, nhưng tôi tin TBT Nguyễn Phú Trọng và đoàn sẽ hiểu thêm về nước Mỹ, về nhân quyền mà ông Hồ Chí Minh từng trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”, về hệ thống tam quyền phân lập với báo chí là quyền lực thứ 4 giúp cho quốc gia này với hơn 200 năm tồn tại đã thành một siêu cường số 1 trên thế giới.
 
Chúc cho chuyến đi thành công như mong đợi của cả hai bán cầu.
Theo Hiệu Minh (Blog Hiệu Minh)
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)