Phương Nguyên
(VNTB) – Để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14,5% trong năm nay, thì tháng cuối cùng của năm 2023 toàn hệ thống ngân hàng cần giải ngân hơn 735.000 tỷ đồng. Một nhiệm vụ gần như là bất khả thi.
Thông thường các tháng cuối năm nhu cầu vay vốn có thể sẽ gia tăng nhằm đáp ứng thị trường Giáng sinh, Tết Nguyên đán. Như vậy về lý thuyết thì cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khối sản xuất, tiêu dùng tiếp cận vốn tốt hơn.
Dĩ nhiên là ngân hàng luôn rất muốn cho vay, thế nhưng bây giờ là vấn đề ở khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế.
Theo văn bản mới đây của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1-12, ngân hàng nào dùng hết 80% chỉ tiêu sẽ được tăng hạn mức, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng trong quý 4-2023 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng tuy có cải thiện trong quý 3 nhưng vẫn thấp hơn so với quý 2, vì thế khả năng quý 4 sẽ thấp hơn với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra, nhưng kỳ vọng có thể đạt được 12 – 12,5%. Do đó, việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.
Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng năm 2023 thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Chính vì vậy, tất cả đổ dồn lên thị trường tiền tệ, tín dụng. Trong tình cảnh đó, việc điều hành chính sách như đi trên dây, một mặt làm sao có đủ vốn với lãi suất hợp lý hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản một mặt làm sao duy trì an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, do hậu quả của dịch Covid-19 trong 2 năm liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. “Dẫu cho ngành ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với các doanh nghiệp, cụ thể như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, cho vay ưu đãi … song bản thân doanh nghiệp không còn nguồn lực” – ông Hùng bày tỏ.
Không chỉ những doanh nghiệp không còn nguồn lực, mà ngay cả những doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng cũng không mạnh dạn vay vốn do vướng cơ chế. Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhìn nhận, có doanh nghiệp đủ điều kiện, sẵn sàng vay vốn nhưng do vướng quy hoạch, dự án chưa được cấp chứng nhận đầu tư nên họ cũng không vay vốn đầu tư.
Có ý kiến quyết liệt hơn với yêu cầu cơ quan quản lý cần giải lại bài toán lớn hơn, tái cơ cấu nền kinh tế: Cứu doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu, cứu để sống chứ không phải để chết. Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là tắc tín dụng, tắc vì nợ, nợ lòng vòng, trông chờ vào ngân hàng. Mấu chốt quan trọng là tìm điểm kích để tháo gỡ cho cả nền kinh tế, chứ không thì cả doanh nghiệp và ngân hàng đều chết.
Thực tế thì số doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn cao. Khó khăn của doanh nghiệp rất đa dạng, không chỉ dừng lại ở vấn đề lãi suất. Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng doanh nghiệp không vay do tồn kho cao. Còn đối với những doanh nghiệp muốn vay thì sức khỏe lại kém, do vậy, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng cho vay do tiềm ẩn nguy cơ rủi ro với nền kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) – cho biết, theo khảo sát của HUBA trong quý III/2023, hiện có tới 70% doanh nghiệp thành viên thiếu đơn hàng mới, 47% thiếu vốn kinh doanh, 33% bị tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Các số liệu trên phần nào giúp giải thích vì sao con đường Lê Lợi từng nổi tiếng với những cửa hàng sầm uất bậc nhất Sài Gòn/ TP.HCM đang… ‘lặng lẽ’ đến vậy. Ảnh ghi nhận vào Chủ nhật 3-12-2023.