VNTB – Hồng vệ binh văn hóa

VNTB – Hồng vệ binh văn hóa

Đông Đô

 

(VNTB) – Có 3 tượng chân dung gò đồng đã không được báo chí nhắc đến: nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, nhà giáo Vũ Văn Hùng và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

 

Tóm tắt vầy: Cuộc triển lãm tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khai mạc chiều 2-12-2023 được tác giả mang từ Hải Phòng lên 184 bức để làm thủ tục hành chính ‘xin phép’ bày triển lãm.

Kết quả theo văn bản mà ông Phạm Xuân Trường đã cung cấp cho thân hữu thì Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội xét duyệt đã chỉ cấp phép cho treo 154 bức, trong danh sách ‘bị từ chối’ đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lỵ Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập, Thái Kế Toại, Phạm Viết Đào, Thái Bá Tân, Bùi Chí Vinh…

Thật ra thì số tranh mà ông Phạm Xuân Trường mang lên Hà Nội còn có 3 bức không kê khai với Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội: Nguyễn Tường Thụy (nhà báo độc lập), Vũ Văn Hùng (nhà giáo) và Nguyễn Xuân Nghĩa (nhà văn).

Ông Phạm Xuân Trường sinh năm 1947, là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã in 7 tập thơ riêng. Hai tập thơ gần đây cùng được xuất bản năm 2019 là “Dị thảo” và “Kỳ hồ”.

Phạm Xuân Trường vốn là thợ nguội bậc 7/7 của Nhà máy đóng tàu Tam Bạc- nơi trước kia vốn là xưởng đóng tàu của hãng S.A.C.R.I.C (Pháp) có từ năm 1882.

Giới cơ khí Hải Phòng vẫn còn truyền nhau câu chuyện hồi thời bao cấp, trong vòng quay khó khăn chung của toàn xã hội, ông Phạm Xuân Trường đã cùng với một đồng nghiệp là thợ tiện của nhà máy bí mật làm “chui” được 2 máy tiện trục chính của đồng hồ đeo tay và trục lên dây cót của đồng hồ. Trị giá mỗi máy được trả 300 đồng, trong khi đó, lượng bậc 7/7 như ông được 64 đồng một tháng. Năm 1985, ông chuyển công tác sang đội tàu của Công ty Vận tải xăng dầu đường thủy I cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

Cách đây hơn chục năm, Phạm Xuân Trường cùng nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh đi xem triển lãm tranh phù điêu của một họa sĩ tại Trung tâm triển lãm thành phố. Trong lúc xem, Phạm Xuân Trường chợt nảy ra ý định mới liền buột miệng nói, nếu như tôi mà làm thì sẽ làm chân dung của nhóm “Nhân văn giai phẩm” đã được phục hồi như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung… Nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh liền hỏi lại: “Ông có làm được không?”. Không phải suy nghĩ lâu, Phạm Xuân Trường gật đầu “Được!”…

Để chào đón Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Việt Nam năm 2019, Phạm Xuân Trường háo hức gò ngay 2 bức tranh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang bắt tay nhau với mong muốn hai quốc gia xích lại gần nhau vì nền hòa bình của thế giới.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội biết được đã viết thư cảm ơn ông và hẹn một ngày gần nhất sẽ về Hải Phòng để nhận tặng phẩm. Một thời gian sau đó, đích thân bà Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Mỹ đã về nhận bức trên. Còn một bức nữa ông muốn tặng cho Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam nhưng… chưa liên hệ được…

Tính đến hiện tại thì phía Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội vẫn chưa được ra bất kỳ lời giải thích nào về lý do từ chối cấp phép 31 bức chân dung gò đồng như nêu trên của tác giả Phạm Xuân Trường.

 

                           

 

                       

 

 

 

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)