VNTB – Ai cần ‘hồi sức cấp cứu’ ở Tiền Giang?

VNTB – Ai cần ‘hồi sức cấp cứu’ ở Tiền Giang?

Hồng Dân

(VNTB) – tỉnh Tiền Giang ‘một mình đi một đường’’ khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở.

 

Các doanh nghiệp FDI đang sử dụng gần 70.000 lao động tại Tiền Giang cho hay dù người lao động đã được chích mũi 1 vắc xin đủ 14 ngày đạt hơn 80%, nhưng vẫn chưa được phép quay lại các nhà máy.

Các doanh nghiệp cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang là khi 100% người lao động chích mũi 2 đủ 14 ngày, và kèm theo đó người nhà của người lao động cũng được chích đủ vắc xin, thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng ‘bình thường mới’.

Những doanh nghiệp này cho rằng từ ngày 1-10 có viết thư kêu cứu gửi đến chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang hiện nay là ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang. Lý lịch tư pháp cho biết, ông Nguyễn Văn Vĩnh từng là Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Gạo; Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh có học vị Cử nhân Luật, Thạc sĩ Luật học, Cao cấp lý luận chính trị. Trong sự nghiệp của mình, ông có hơn 30 năm công tác tại quê nhà Tiền Giang, hơn 20 năm trong lĩnh vực tư pháp địa phương. Như vậy thật sự khó hiểu khi một số chính sách hiện tại của chính quyền tỉnh Tiền Giang đang cho thấy đi ngược lại với Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 11-10-2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tính đến ngày 21-10, tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn…

“Việc tỉnh Tiền Giang ‘một mình đi một đường’’ khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy, khách hàng quốc tế, doanh nghiệp và người lao động chúng tôi đều đã cạn kiệt kinh tế lẫn lòng tin với Tiền Giang”, các doanh nghiệp bày tỏ trong thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.

Chưa dừng lại, tỉnh Tiền Giang còn phát hành công văn số 6249/UBND-KGVX, ngày 18-10-2021 quy định từ ngày 20-10-2021, hạn chế người dân ra đường từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Trong bối cảnh nhiều địa phương miền Tây nói riêng và cả nước nói chung đang dần mở cửa đi lại, thì quy định ‘hạn chế quyền đi lại’ thiếu căn cứ pháp luật của tỉnh này gây bất ngờ, hoang mang cho người dân.

“Người lao động đôi khi người ta phải làm việc cả ban đêm như mua bán rau màu, chăm sóc cây trồng… Vậy trong khi cả nước, các tỉnh khác không ai cấm, tỉnh Tiền Giang lại đưa ra quy định hạn chế ra đường từ 19 giờ đến 5 giờ sáng để làm gì?

Chúng tôi thật sự không hiểu nổi. Sao các vị không nghĩ cách tuyên truyền giáo dục nhân dân ý thức, kỹ năng sống sao cho phòng được dịch, mà quy định nào đưa ra ít nhiều cũng dính đến khái niệm “cấm” hết vậy?” – một luật sư, từng là ‘đồng môn’ với chủ tịch tỉnh Tiền Giang lúc còn là sinh viên trường luật ở TP.HCM, thắc mắc.

Vẫn theo vị luật sư này, với một chính khách được đào tạo bài bản ở trường luật, từng giữ cương vị Trưởng ban Ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang, chắc chắn ông Nguyễn Văn Vĩnh rất hiểu về hệ lụy của ‘phép vua thua lệ làng’, hơn nữa thời gian này đang diễn ra kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo Đảng, thì liệu có phải là không chỉ mỗi đảng viên Nguyễn Văn Vĩnh, mà là cả hệ thống chính trị ở Tiền Giang đang dấu hiệu ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ thời hậu Covid ở Việt Nam?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)