Hoài Nguyễn
(VNTB) – “Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.
Báo Tuổi Trẻ đã rút tít như trên cho bài viết tường thuật về Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề “Vì công lý” diễn ra sáng 28-10 tại Hà Nội. (1)
Trong bài diễn văn tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch Quốc hội đưa ra yêu cầu, “hơn lúc nào hết, hệ thống Tòa án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán. Mỗi cán bộ, thẩm phán phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào nghề nghiệp và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; phải luôn tự soi vào các chuẩn mực của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện…”. (2)
Một thẩm phán ở Tòa án nhân dân TP.HCM, giờ chuyển qua làm luật sư, đã hỏi ngược lại bà chủ tịch Quốc hội một câu hệt như gã Chí Phèo trong tiểu thuyết của Nam Cao, “ai cho thẩm phán cái quyền liêm chính?”.
Trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Nam Cao viết ở đoạn cuối như sau (trích): “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa! Biết không! Chỉ có một cách… biết không… Chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!…”. (hết trích).
Để giải đáp cho thắc mắc đó của nhân vật Chí Phèo, có ai đó đã ‘phóng tác’ thế này, và đây cũng là lý giải cho câu hỏi cắc cớ ở trên của vị cựu thẩm phán giờ đang là luật sư; câu chuyện như sau:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Hôm nay không uống rượu hắn cũng chửi. Đôi chân như quen đường cũ dẫn hắn đến trước cửa nhà lão Bá Kiến. Hắn hắng giọng kêu to: “Lão Bá Kiến đâu?”.
Cụ Bá ngồi trong nhà nghe thấy tiếng hắn, hắng giọng: “Hôm nay nhà không có việc, anh về đi”.
Chí Phèo mắt long sòng sọc: “Tao không cần việc. Tao muốn làm người lương thiện”.
Cụ Bá cười: “Gì chứ. Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ”.
Chí Phèo đáp: “Từ ngày tao ra tù. Lão cho tao làm công với đồng lương chết đói. Dăm bữa nửa tháng mới có việc, được chút hoa hồng. Tao sống không ra sống. Tao chỉ tồn tại thôi. Vì tồn tại, tao cắt chỗ này, xén chỗ kia. Biển thủ công quỹ, ăn cắp vặt,… không việc gì tao không làm. Giờ tao không còn là anh Chí lương thiện ngày xưa nữa, chỉ là thằng Chí ăn trộm thôi”.
Cụ Bá đáp: “Nhà tao nuôi không biết bao thằng như mày. Đứa nào cũng tắt mắt, cắp vặt, hở ra thì lười làm, hở ra được là ăn cắp. Tao đâu muốn giảm lương tụi mày. Nhưng không cắt giảm lương tụi mày thì tao lấy gì mà sống, mà bù vào chỗ chúng mày ăn cắp, ăn trộm”.
Chí Phèo cười khẩy: “Khởi nghiệp tuy khó khăn nhưng lão không thể trả anh em đồng lương chết đói. Đói rồi thì tâm trí đâu làm việc. Đói rồi thì tâm trí đâu lo cho khách hàng. Đói rồi thì chỉ biết lo cho cái bụng mình thôi. Lão tưởng khởi nghiệp là nhờ tiền hay sản phẩm à. Nhầm to! Khởi nghiệp là nhờ con người, nhờ anh em tao, nhờ thằng Chí này”.
Cụ Bá nhấm ngụm nước chè: “Âu cũng là cái vòng luẩn quẩn. Mày ăn cắp, tao phải giảm lương bù chi phí. Tao giảm lương thì mày lại ăn cắp. Nhưng mày có nhớ lúc mày đến xin việc chỗ tao, mày van xin như thế nào không. Ông giúp con, con mới ra tù, cần việc làm để có kinh nghiệm, lương lậu bao nhiêu cũng được ạ. Tao trả mày mức lương đó, mày cũng không nói gì. Hợp đồng cũng điểm chỉ chấp thuận rồi”.
Chí Phèo: “Tao cần kinh nghiệm. Nhưng tao cũng cần tiền để sống. Thằng địa chủ nào cũng đòi hỏi người có sức khoẻ, tay nghề mới chịu thuê. Tao ở trong tù 4 năm, chỉ biết ăn cơm tù chứ biết làm gì. Kinh nghiệm ở đâu ra? Mồm lão thì nói là giúp, giúp hay bóc lột lao động giá rẻ? Lão dồn người lao động đến đường cùng. Giờ ai cho tao lương thiện. Ai có thể xoá đi quá khứ trộm cắp của tao. Chỉ còn một cách… Cách này thôi biết không…”.
Chí Phèo rút dao xông vào cụ Bá. Cụ Bá vừa nhổm người dậy, con dao đã đâm thẳng vào bụng. Hắn chém cụ loạn xạ vài phát rồi lấy dao tự đâm vào bụng mình kết liễu. Cụ Bá nằm đó, máu me bê bết, thì thào:
– Ta nào muốn như thế này… Ta cũng đâu phải muốn ăn chặn của các người… Giá như hai bên hiểu nhau hơn… Giá như anh dám nói ra… Cơ sự đâu đến mức này…”.
______________
Chú thích: