VNTB – Ai mà dám phản biện “khuôn vàng thước ngọc”!

VNTB – Ai mà dám phản biện “khuôn vàng thước ngọc”!
Thạch Hãn

 

(VNTB) – Bất kỳ chủ thuyết nào do Tổng bí thư đưa ra thì luôn được coi “mẫu mực – khuôn vàng thước ngọc” để cấp dưới thi nhau… tán dương.

 

Mục tiêu của phản biện là tạo ra một cuộc thảo luận có giá trị và mang tính thuyết phục để làm sáng tỏ một vấn đề, hoặc thay đổi quan điểm của người nghe hoặc đọc. Nhưng sai lầm lớn của nhiều người chơi facebook, thậm chỉ cả KOLs (Key Opinion Leader, có nghĩa là “người chủ chốt dẫn dắt dư luận”, hoặc những “người có sức ảnh hưởng”), là không phân biệt được “đưa tin” và “tung tin”.

Cách hiểu đơn giản nhất, “đưa tin” là thông tin phải có ngọn, có nguồn. Phải xác thực từ nhiều phía. Còn “tung tin”, là chỉ hóng hớt đâu đó, rồi đăng lên như thật! Cứ như cái kiểu quậy tưng rồi nói mình… nằm mơ như vụ án của một nữ doanh nhân Bình Dương. Và cũng cần phân biệt giữa “dân chủ” với “ngáo quyền lực”. Dân chủ là phê phán bất công từ phía chính quyền để mong người dân được sống đúng nghĩa hạnh phúc, tự do. Còn ngáo quyền lực là dựa vào lượng tương tác hùng hậu để thể hiện cái tôi xấc láo. Với những trường hợp như vậy, khi bị vấp điều luật hình sự 331 thì nhiều khi không hẳn mang ý nghĩa của vụ án dính dấp về chính trị nữa.

Quan sát các nhóm phản biện độc lập. có thể thấy các hình thức của tư duy phản biện bao gồm: Tư duy tự phản biện với xu hướng xem xét lại, suy nghĩ kỹ lưỡng về ý kiến của người khác và xem xét lại ý kiến của bản thân; Tư duy phản biện ngoại cảnh, có ý nghĩa tiếp nhận thông tin ngoại cảnh một cách đa chiều, cẩn trọng, không dễ dãi.

Tư duy phản biện thể hiện ở các khả năng: quan sát, nhận biết không chỉ hình thức bề ngoài mà bao gồm cả nội dung, bản chất bên trong của một vấn đề, sự vật hay hiện tượng; nêu các câu hỏi tại sao, như thế nào; sự hoài nghi cần thiết; tư duy lô-gích trong kết nối các khâu, quá trình, vấn đề, sự vật, hiện tượng với nhau để tìm câu trả lời; Tự loại “cái tôi” ra khỏi khung cảnh, ra quyết định như gọi tên vấn đề, tìm kiếm các đối tượng liên quan, tìm nguyên nhân, nêu giải pháp và tổ chức thực hiện.

Nguyên tắc của tư duy phản biện bao gồm: không chủ quan chỉ trích quan điểm của người khác khi thấy quan điểm đó khác với quan điểm của mình; cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng; không chìm đắm trong các giả thiết của bản thân; không lý thuyết hóa một vấn đề trước khi có dữ liệu thực tế; sáng suốt, cẩn trọng, chưa khẳng định một giả thuyết khi chưa có kiểm chứng; hoàn thiện nhận thức để có hành động (hành vi) đúng đắn, hiệu quả…

Như vậy, với cách hiểu trên cho thấy rất có thể những triết lý, quan điểm về “pháp trị – nhân trị” của Tổng bí thư đương nhiệm là… một chiều. Khi mà bất kỳ chủ thuyết nào do Tổng bí thư đưa ra thì luôn được coi “mẫu mực – khuôn vàng thước ngọc” để cấp dưới thi nhau… tán dương.

Trong phiên họp ở hạ tuần tháng 2-2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng bí thư ở vị thế Trưởng Tiểu ban chủ trì, đã nhấn mạnh với thể câu khẳng định: “Kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Với hàng loạt vấn đề được cho là “khẳng định” đó, về nguyên tắc là nếu có phản biện thì cũng chỉ là “phản biện tán dương”, không thể phản biện đa chiều kiểu như đòi hỏi Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm ở tuyên bố như: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.

Xem ra về ý tứ thì đoạn văn xuôi trích dẫn ở trên về phát ngôn của Tổng bí thư có vẻ tương tự như tình cảnh “trên đỉnh cao”, để giờ thì chỉ có thể… “đi xuống” ở thi phẩm “Bài ca mùa xuân 1961” hồi nào của Tố Hữu:

Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!

 


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)