Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai là những con nợ khó đòi của TKV?

Đông Đô

 

(VNTB) – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang là chủ nợ của nhiều doanh nghiệp đình đám…

 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của TKV công bố tháng 8-2022, TKV đang phải trả lãi vay khá lớn, trong 6 tháng năm 2022, mỗi ngày của tập đoàn này phải trả lãi vay lên đến 6,5 tỷ đồng.

Con số trên được coi là một thành tích về giảm nợ vay, vì ở báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020, cho thấy lợi nhuận sau thuế 6 tháng của TKV “bốc hơi” 865 tỷ đồng, tương đương 43,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tập đoàn phải “rút két” 9,2 tỷ đồng mỗi ngày để trả tiền lãi vay.

Nợ nần mang tính hệ thống dắt dây

Theo báo cáo hợp nhất của TKV, khoản phải thu khách hàng của tập đoàn này trong 6 tháng năm 2022 đã lên đến gần 12.700 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 đồng so với tổng nợ phải thu đầu năm 2022. Trong đó hơn 11.170 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm 2022; khoản phải thu dài hạn là 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 94 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, các con nợ của TKV hầu hết là doanh nghiệp điện than lớn.

Cụ thể, Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ khủng nhất lên đến với 2.900 tỷ đồng, Công ty Thép Formosa (Hà Tĩnh), Công ty TNHH Điện lực AES – TKV Mông Dương hơn 956,2 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng, Nhiệt điện Hải Phòng hơn 481 tỷ đồng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí hơn 428,4 tỷ đồng, Thép Formosa Hà Tĩnh hơn 260,4 tỷ đồng…

Nợ khó đòi, tính đến hết 6 tháng năm 2022 khoản nợ này của TKV rất lớn, hơn 270 tỷ đồng, trong khi đó chỉ 7,3 tỷ đồng là khoản nợ khó đòi ngắn hạn 6-12 tháng, còn lại nợ khó đòi từ 1-3 năm là hơn 68 tỷ đồng, khoản nợ khó đòi trên 3 năm là hơn 194 tỷ đồng. Trong khi dự kiến thu hồi về chỉ đạt 37,6 tỷ đồng, trong đó khoản nợ khó đòi trên 3 năm dự kiến chỉ có thể thu hồi được hơn 820 triệu đồng.

Một chi tiết nữa ảnh hưởng đến tài chính của TKV là chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn 2.677 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày TKV bỏ ra hơn 14,8 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp.

Sao không xử lý sớm hơn?

Hậu trường của những con số báo cáo tài chính như trên cần nhắc lại ở đây là từ quý cuối năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã hoàn chỉnh hồ sơ về những sai phạm tài chính của TKV; theo đó Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO có dấu hiệu khai khống số lượng than thu hồi tại Đồi 908 để xuất khẩu hơn 2,8 triệu tấn than không có nguồn gốc hợp pháp, giá trị 32,5 triệu USD; có dấu hiệu lợi dụng Hợp đồng số 30 để tiêu thụ than trái phép với số lượng lớn.

Tài liệu được gọi là “đề cương báo cáo” của Thanh tra Chính phủ đưa ra yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền 123,968 tỷ đồng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với TKV thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1.872 tỷ đồng và tiền sử dụng đất của 6.697.576 m2 nhà, đất; TKV chủ trì, xem xét, xử lý theo thẩm quyền 4.564,994 tỷ đồng; phối hợp với Bộ Công Thương chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền hơn 8.320 tỷ đồng.

Tài liệu nói trên cũng cho biết hội đồng quản trị, tổng giám đốc TKV và Tổng Công ty Khoáng sản (thời kỳ trước ngày 31-12-2005) đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý khiến một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn.

Đó là lãng phí, mất vốn 77,678 tỷ đồng tại Công ty Southern Mining Co., Ltd; lỗ, mất vốn đầu tư 76,452 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin; nợ không có khả năng thu hồi 52,588 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh…

Đáng chú ý, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên bảo lãnh không đúng thẩm quyền phải trả nợ thay Eximbank hơn 13,785 triệu USD; việc đầu tư, thành lập Công ty cổ phần Crommit Cổ Định Thanh Hóa gây lãng phí số tiền hơn 436 tỷ đồng…

Ai chịu trách nhiệm cuối cùng về chính trị?

Từ những con số ở trên cho thấy điều không nên lẫn trách, đó là vai trò của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, tương tự như chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc đã “hồi tố” để từ chức Chủ tịch nước về những “trách nhiệm chính trị” ở nhiệm kỳ là Thủ tướng.

Trong vụ việc TKV đang được báo chỉ mổ xẻ hiện nay, rất tiếc là không ai dám công khai đặt vấn đề “trách nhiệm chính trị” tương tự như với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong suốt thời gian từ khi thay thế tiền nhiệm Nông Đức Mạnh đến nay, suốt hơn 12 năm trời ấy, phải chăng với bảo thủ khăng khăng bằng được về một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông đã phạm sai lầm rất lớn là luôn giữ tham vọng sáng tạo ra quy luật khách quan, thay vì ông bình thường như nhiều lãnh đạo cao cấp khác, là hiểu biết trong vận dụng các quy luật khách quan để làm công cụ quản lý kinh tế, quản lý đất nước?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Tô Huy Rứa và ông Đinh Thế Huynh ở đâu, hãy lên tiếng!

Phan Thanh Hung

VNTB – Chống dịch như nào để không phạm luật?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Mua điện áp mái giá 0 đồng: phiên bản từ mua ngân hàng 0 đồng?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo