Võ Hàn Lam
(VNTB) – Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, có tên giao dịch quốc tế là Commission for the Management of State Capital at Enterprises, viết tắt là CMSC (1)
“Lão Đại” của 19 “Ông Lớn”?
Hiện tại, CMSC được giao quản lý vốn Nhà nước đối với 19 doanh nghiệp cụ thể sau đây: 1. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); 3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); 4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); 5. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); 6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; 7. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; 8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); 9. Tổng công ty Viễn thông MobiFone;
10. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); 11. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnamairlines); 12. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); 13. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; 14. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; 15. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV); 16. Tổng công ty Cà phê Việt Nam; 17. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2); 18. Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1); 19. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Khi còn giữ chức vụ phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập CMSC. Cái oái oăm ở ngay lúc ban đầu là trong danh sách về “Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập CMSC” lại ghi tên nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch của CMSC. Điều đó có nghĩa dù CMSC chưa được thành lập và cũng chưa rõ diện mạo sẽ như thế nào, nhưng lại có sẳn người ngồi ở vị trí Chủ tịch CMSC (2).
Có thể gọi CMSC là ‘siêu ủy ban’, vì quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp đang quản lý lượng vốn nhà nước rất lớn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, và được thành lập với chức năng tương tự như CMSC.
“Đúng là đầu đi chân ở lại, hoạt động kiểu mình Ngô đầu Sở”
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhận xét về tình cảnh hiện nay của CMSC.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3/2020, CMSC nhận được câu hỏi về việc nhiều doanh nghiệp khó khăn khi chuyển về Ủy ban, thậm chí có doanh nghiệp xin về lại bộ chủ quản cũ. “Chính phủ có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp này?”, câu hỏi nêu.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban, giải thích trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, có dự án lớn, triển khai dở dang 10 năm, 20 năm và nảy sinh nhiều vấn đề. Việc chuyển giao về Ủy ban, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án hồ sơ chưa đầy đủ.
Trước đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết muốn doanh nghiệp trở về Bộ Giao thông Vận tải, bởi không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.
Do đó, từ ngày 1/1/2020, có 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.
Giới chuyên gia phản biện độc lập về chính sách tài chính công, cho rằng vướng mắc lớn nhất của CMSC cũng chính là ‘điểm chết’ lâu nay của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
‘Điểm chết’ là ở chỗ không ai biết tại sao cần định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường?
Đó là sự nhập nhằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Vai trò của CMSC là giao mục tiêu như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. Còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. CMSC không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Nếu cơ quan này cứ can thiệp từng dự án, thì có hàng ngàn người cũng không làm được.
Tương tự, mô hình SCIC được thành lập trên cơ sở tham khảo mô hình Temasek của Singapore, mô hình được coi là khá thành công và theo xu hướng quản lý vốn hiện đại trên thế giới. Nhiều kỳ vọng về tổ chức này được đặt ra, song sau hơn 10 năm hoạt động, dù đã đạt được một số kết quả, khoảng cách giữa “Temasek Việt Nam” và Temasek Singapore vẫn còn xa vời.
Nhìn lại năm 1974 khi Temasek được thành lập, Chính phủ Singapore đã quyết định dứt khoát việc chuyển toàn bộ phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn vốn nhà nước, kể cả các tập đoàn lớn như Hãng hàng không Singapore (Singapore Airlines), Tập đoàn năng lượng Singapore (Sing Power), Tập đoàn viễn thông Singapore (Sing Tel)… Điều tương tự cũng xảy ra ở Malaysia khi Chính phủ Malaysia chuyển giao toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trừ Petronas) cho Khazanah (mô hình tương tự Temasek).
Cùng với đó, Chính phủ Singapore và Malaysia thực thi những chính sách đầu tư và tạo cơ chế để Temasek và Khazanah có thể hoạt động đúng với mô hình một công ty/quỹ đầu tư theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến và theo định hướng thị trường. Nhìn vào SCIC, giới chuyên gia nhận xét, tổng công ty này bị giới hạn bởi nhiều ràng buộc thể chế không dễ vượt qua, và để mô hình này phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu đặt ra, nhất thiết cần có cơ chế phù hợp và đảm bảo nguồn lực cho SCIC hoạt động.
Trong khi SCIC với nhiều nút thắt thể chế vẫn chưa được gỡ, thì nay SCIC lại lệ thuộc vào ‘cấp trên’ CMSC, mà ‘cấp trên’ này thì thực chất vẫn loay hoay tìm hướng vận hành phù hợp theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
+ Chú thích: