VNTB – Ai quyết định mức lương của nhân viên y tế?

VNTB – Ai quyết định mức lương của nhân viên y tế?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Một đêm trực với giá không bằng người ta đi chạy bàn 6-8 tiếng, một mức lương tháng cho trình độ chuyên khoa 1 hay thạc sĩ chưa bằng công nhân.

 

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề y lên 100%. Việc này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, những chính sách y tế nhằm nâng chất, tạo nguồn lực cho y tế cơ sở của TP.HCM vừa qua là tích cực nhưng chưa bền vững. Ông phân tích, cán bộ y tế khi về hưu không thể gắn bó lâu dài với công việc do tuổi tác, sức khỏe. Bác sĩ trẻ vừa ra trường được đãi ngộ với kinh phí lớn nhưng chưa hẳn sẽ ở lại trạm sau khi hoàn thành việc lấy chứng chỉ hành nghề.

“Như vậy, gắn bó nhất với trạm y tế chính là những nhân viên y tế đang cống hiến. Muốn bền vững chúng ta cũng phải quan tâm đến những người đang làm hoặc cam kết gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở”, ông nói.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trạm y tế cần được nâng cao vị thế trong mắt người dân cũng như trong chính ngành y tế, bằng việc được trao quyền, nâng cao tay nghề, được mở rộng danh mục kỹ thuật, tăng thuốc men về cho trạm… Từ đó, y tế cơ sở tạo được người dân tin tưởng, nhân viên có nguồn thu nhập tốt, tay nghề cũng được nâng cao.

Theo số liệu nghiên cứu “Tác động của đại dịch Covid-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của cán bộ y tế” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên y tế cả nước tính tới hết tháng 12/2021 cho thấy, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình.

Nhân viên y tế ở trường học cũng là vấn đề cần quan tâm đúng mức.

Tại hội thảo “Tầm quan trọng của nhân viên y tế trường học ở các cơ sở giáo dục” do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) vừa tổ chức mới đây cho thấy, nhân viên y tế trường học hiện đảm nhiệm rất nhiều công việc như: phòng chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính; cách sơ cứu tai nạn thương tích; truyền thông – giáo dục để trẻ có hành vi sức khỏe phù hợp; phòng chống bạo lực học đường, dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cong vẹo cột sống, tật khúc xạ…

Họ chính là vị trí rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe học sinh.

Là một vị trí quan trọng nhưng nhân viên y tế trường học vẫn đang còn thiếu về số lượng và chưa đạt chuẩn theo quy định. Nhân lực y tế làm việc tại các trường học vừa thiếu vừa yếu một phần là do quy định hiện hành.

Theo quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Bên cạnh đó, nhân viên y tế trường học lại không có biên chế riêng, phải kiêm nhiệm những vị trí khác trong trường học.

Công việc áp lực, trách nhiệm cao nhưng đãi ngộ lại chưa tương xứng. Họ không được hưởng chế độ đặc biệt của một nhân viên y tế. Bên cạnh đó, họ cũng ít cơ hội học tập nâng cao trình độ, chia sẻ kinh nghiệm trong ngành nghề của mình. Điều đã khiến họ khó có thể gắn bó lâu dài với công việc.

“Nhân viên y tế đối mặt với đủ các loại bệnh, từ lây nhiễm đến không lây nhiễm, đối mặt với đủ loại bệnh nhân từ hung hăng, chửi bới, đánh đập đến hiền lành; chưa kể còn phải hoàn thành vô số các loại giấy tờ vô nghĩa mà trong ngành ai cũng biết là làm để đối phó, nhất là đối với các đòi hỏi vô lý của thủ tục bảo hiểm y tế.

Mất thời gian và công sức như vậy đổi lại được gì? Một đêm trực với giá không bằng người ta đi chạy bàn 6-8 tiếng, một mức lương tháng cho trình độ chuyên khoa 1 hay thạc sĩ chưa bằng công nhân. Tôi là bác sĩ nhưng thú thật tôi khuyên tất cả em và cháu tôi đừng bao giờ tham gia vào ngành này…” – bác sĩ Đặng Thị Bích Thu chua chát nói.

Đâu là nơi quyết định mức lương của nhân viên y tế? Câu trả lời:  Bộ Chính trị.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)