Thái Hóa Lộc
(VNTB) – Trí tuệ nhân tạo AI có thể là một thách thức quan trọng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào năm 2024.
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi, …Và có thể là một thách thức quan trọng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào năm 2024.
Thật vậy, qua các bức ảnh giả lan truyền trên mạng xã hội đã gây ra mối lo ngại về trí tuệ nhân tạo (AI) và những rủi ro đối với cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc vào năm tới. Những bức ảnh giả (deepfake) tưởng tượng cảnh cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt giữ gần đây đã lan truyền trên mạng xã hội. Bức ảnh do nhà sáng lập tổ chức điều tra độc lập Bellingcat Eliot Higgins chia sẻ trên Twitter cá nhân và chú thích là do AI tạo ra. Hình ảnh giả này cùng một video giả cảnh báo về tương lai không tươi sáng nếu Tổng thống Joe Biden tái đắc cử Tổng thống đã gây hoang mang, nhầm lẫn trong dư luận do AI tạo ra.
Các nhà quan sát cho biết, công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng có thể thúc đẩy thông tin sai lệch trong các chiến dịch tranh cử chính trị của Mỹ. Cuộc đua tổng thống năm 2024 dự kiến sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên của Mỹ chứng kiến việc sử dụng rộng rãi các công cụ tiên tiến được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ, vốn ngày càng làm mờ ranh giới giữa thực tế và hư cấu.
Các đối thủ ở cả hai phe phái chính trị đầy chia rẽ ở Mỹ có khả năng sẽ khai thác triệt để công nghệ này vì nó vốn rẻ, dễ tiếp cận và những tiến bộ của nó đã vượt xa các phản ứng theo quy định để có thể tiếp cận cử tri và tạo ra các bản tin gây quỹ chỉ trong vòng vài giây. Nhưng các nhà công nghệ cũng cảnh báo về việc những kẻ xấu lợi dụng AI để gieo rắc hỗn loạn vào thời điểm bầu không khí chính trị đã trở nên cực đoan ở Mỹ và nhiều cử tri tranh cãi về những sự thật đã được xác thực, bao gồm cả việc ông Trump thua trong cuộc bầu cử năm 2020.
Trong bối cảnh đầy lo ngại đó, những hình ảnh giả mạo về ông Trump bị bắt hay hình ảnh tỷ phú Elon Musk hôn “vợ robot” lại càng làm dậy sóng mạng xã hội.
Mới đây, để đáp lại thông báo của Tổng thống Biden về việc ông sẽ tái tranh cử vào năm 2024, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa gần như ngay lập tức đã phát hành một video được AI tạo ra về một tương lai xấu nếu ông Biden tiếp tục chiến thắng.
Và vào đầu năm nay, một đoạn âm thanh AI giống như thật nhưng hoàn toàn giả mạo đã xuất hiện trên TikTok cho thấy ông Biden và Trump liên tục chỉ trích lẫn nhau.
“Tác động của AI sẽ phản ánh giá trị của những người sử dụng nó, đặc biệt là những kẻ xấu có các công cụ mới để tăng cường âm mưu nhằm kích động hận thù và nghi ngờ, hoặc làm sai lệch hình ảnh, âm thanh hoặc video nhằm lừa bịp báo chí và công chúng”, Joe Rospars, người sáng lập công ty tư vấn chính trị Blue State, cho biết.
Theo ông Rospars, để chống lại vấn đề này đòi hỏi sự cảnh giác của các công ty truyền thông và công nghệ cũng như của chính các cử tri.
“Mức độ nói dối của AI hiện tại đã tăng lên rất đáng sợ”, ông Dan Woods, cựu giám đốc công nghệ cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống Biden cho biết.
“Nếu các đối thủ nước ngoài của chúng ta chỉ cần thuyết phục một robot đã bị ảo giác lan truyền thông tin sai lệch thì chúng ta nên chuẩn bị cho một chiến dịch thông tin sai lệch lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy vào năm 2016”, ông nói thêm.
Ông Vance Reavie, giám đốc điều hành của Junction AI, cho rằng những tiến bộ của AI sẽ trở thành một công cụ có thể “thay đổi cuộc chơi”. “Có một phần lớn dân số chỉ đơn giản là không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu khác thường”, ông Reavie nói.
“Với AI, chúng tôi có thể tìm hiểu về những điều mà những cử tri tiềm năng này quan tâm và lý do tại sao, ở cấp độ rất chi tiết. Từ đó chúng tôi có thể hiểu cách thu hút họ và những chính sách nào sẽ thúc đẩy họ”, chuyên gia trên nói thêm.
Nhân viên các chiến dịch tranh cử trước đây đã dành nhiều thời gian để tiếp cận cử tri bằng cách viết bài phát biểu và chuẩn bị trước các điểm thảo luận… Nhưng AI đã thực hiện được công việc tương tự chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
“Việc tạo nội dung tốn nhiều thời gian và tiền bạc, giờ hãy tưởng tượng bạn có thể làm được gấp 10 lần mà không cần thêm nhân viên”, ông Reavie cho biết thêm. Theo ông, cũng sẽ có rất nhiều nội dung được tạo ra sẽ là sai sự thật… Sẽ nhanh chóng và dễ dàng tràn ngập các kênh có nội dung và người bình thường khó có thể biết được đâu là sự thật”.
Cũng khó có khả năng người Mỹ chấp nhận sự thật khách quan khi phần đông dân số nước này vốn đã hết sức tin tưởng vào các phương tiện truyền thông có uy tín.
Hany Farid, giáo sư tại trường Thông tin UC Berkeley, cho biết: “Mối lo ngại là khi việc thao túng truyền thông trở nên dễ dàng hơn thì việc phủ nhận thực tế cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn”. “Ví dụ, nếu một ứng cử viên tổng thống nói điều gì đó không phù hợp hoặc bất hợp pháp, người đó có thể đơn giản khẳng định đoạn ghi âm là giả mạo. Điều này đặc biệt nguy hiểm”, theo nhận định của ông.
Betsy Hoover, một đối tác tại Higher Ground Labs, cho biết công ty của cô đang phát triển một dự án AI có tên là Quiller được thiết kế để viết, gửi và đánh giá hiệu quả của các email gây quỹ. Theo ông Hoover, cựu giám đốc kỹ thuật cho chiến dịch tranh cử năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama, mối lo lớn là những kẻ xấu sẽ sử dụng bất kỳ công cụ nào có sẵn để đạt được mục tiêu của chúng và AI cũng không ngoại lệ. “Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên sợ đến mức không sử dụng AI để tạo lợi thế cho mình”, ông Hoover nhận định.
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng AI cho phép các hệ thống vũ khí tự động lựa chọn và tấn công mục tiêu đã gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức. Những ý kiến chỉ trích cho rằng hệ thống này sẽ đe dọa đến an ninh quốc tế và báo trước một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba sau súng đạn và bom nguyên tử. Những quy tắc và ranh giới cho AI quan trọng hơn so với bất kỳ lĩnh vực nào khác xuất hiện trước đó. Thế nhưng, với tốc độ phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo tại một vài tập đoàn lớn (và hầu như đều nghiên cứu bí mật), các tổ chức chính phủ chịu trách nhiệm về các quy định dường như không thể theo kịp.
“Sự phát triển toàn diện của trí tuệ nhân tạo có thể hủy diệt nhân loại”, Stephen Hawking – thiên tài khoa học người Anh – nói với hãng tin với BBC News năm 2014.
Đó là mối lo ngại hàng đầu trong tương lai. Hiện tại con người vấn đang kiểm soát được AI nhưng với tham vọng của con người thì không thể kiểm soát được. Nhưng AI cũng từ sự hiểu biết và sự tham lam của con người. Theo nhà nghiên cứu khoa học Thomas Henry Huxley từng nói: “Những gì mà chúng ta biết thì hữu hạn, những gì mà chúng ta không biết thì vô hạn” (The known is finite, the unknown is infinite). Trang Tử cũng từng nhấn mạnh: “Cái biết của thiên hạ thì vô hạn, cái biết của cá nhân thì hữu hạn, mang cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn, nguy vậy thay”. AI rồi cũng hữu hạn. Nếu chúng ta cùng hiểu biết như vậy, sự thật chỉ là một và kết quả cuộc bầu cử TT Hoa Kỳ năm 2024 không bị dẫn đường bởi sản phẩm của Trí Thông Minh Nhân Tạo AI mà chính là lá phiếu thật sự của mỗi chúng ta.