Mẫn Nhi (VNTB) Trong cuộc hội thảo về Xã hội dân sự tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, trong phần thảo luận đã xuất hiện một quan điểm trái chiều của ông Vũ Xuân Thành (Thạc sĩ Quan hệ kinh tế quốc tế), nhằm phản bác lại luận điểm về “dân chủ”, “đa đảng”, và cái “iphone”.
Quan điểm này tiếp tục được ông Vũ Xuân Thành tập hợp lại thành một nội dung bài viết hoàn chỉnh và đăng trên Facebook cá nhân, trước khi được biết đến nhiều hơn trên Tuần báo Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh (cũng do ông gửi).
Tuần báo Văn Nghệ tiếp tục bôi xấu chữ “lý luận – phê bình” bằng cách dễ dãi đăng tải những bài viết kiểu vu vơ, cảm tính như thế này. |
Vậy, nội dung bài viết của ông Vũ Xuân Thành trên Tuần báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh có gì đáng chú ý?
“Dân chủ”
Một trong những luận điểm mà ông nhấn mạnh trong toàn bài viết là vấn đề đa đảng và dân chủ.
Ông Vũ Xuân Thành giải thích nó như sau: Dân chủ thật sự không chỉ đơn thuần cái tên gọi, mà nó cần dựa trên hai nền tảng chính là Văn hóa và Dân trí. Nếu hai yếu tố này không phù hợp với mô hình dân chủ hiện hành, dân chủ chỉ là hình thức.
Điều này ông Thành đề cập rất đúng, bởi yếu tố dân trí và văn hóa là một trong những yếu tố cấu thành của dân chủ, và nó cũng hình thành nên một lối phản biện, một lối tự do ngôn luận có tính lý luận và khoa học, hoặc thậm chí cảm tính nhưng không quá cực đoan.
Đáng tiếc, giá như ông Vũ Xuân Thành dừng lại ở đây thì bài viết của ông đã được đánh giá cao. Tuy nhiên, sau đó ông lại nhấn mạnh rằng: Dân chủ chi tiết hơn là người dân có quyền được sống được hưởng mọi an sinh xã hội, được pháp luật bảo vệ, được nói lên tiếng nói của mình trong các diễn đàn hợp pháp chứ không phải là biểu tình trái phép với những băng rôn khẩu hiệu chửi bới chống đối Nhà nước.
Dân có quyền được sống, được pháp luật bảo vệ là đúng. Nhưng sẽ thiếu nếu bỏ quên thành tố là người dân được phép “làm những gì mà pháp luật không cấm” – tức là thực hành lối sống pháp lý thường ngày. Khi người dân lên tiếng nói của họ, tiến hành các cuộc biểu tình thì đó là quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận được ghi nhận trong Điều 25 Hiến Pháp của Nhà nước. Hiện nay, quyền biểu tình chỉ bị hạn chế trong các trường hợp vì an ninh – quốc phòng và vấn đề mang tính chất cộng đồng, tuy nhiên, hiện nay Luật biểu tình vẫn bị treo nên việc xác định yếu tố “hạn chế” là khó khăn. Dù thế, trong trường hợp vận dụng luật, thì sẽ vận dụng luật theo hướng đáp ứng các yêu cầu và chuẩn mực mà Việt Nam cam kết với quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, trong thực tế – gần như bất cứ cuộc biểu tình nào không do nhà nước tổ chức đều bị quy kết là “chống đối nhà nước”, mặc dù nó phản đối thảm họa Môi trương Formosa; lên tiếng đòi hỏi sự minh bạch của nhà nước; lên tiếng đòi hỏi trách nhiệm – giải trình chính sách từ chính phủ.
Do đó, không có định nghĩa gì về cái gọi là “trái phép” ở đây, bởi nếu ông Vũ Xuân Thành hay bất kỳ ai sử dụng cụm từ đó, đều có nghĩa là vi hiến và phi dân chủ.
Chưa dừng tại đó, Việt Nam sở dĩ càng không có dân chủ, chính là Việt Nam đã không thực hiện đúng các ký kết về Công ước liên quan đến Nhân quyền. Trong đó các Điều khoản được ghi nhận trong Điều 25 Hiến pháp, hoặc bị treo hoặc bị làm sai lệch. Quyền tự do báo chí, xuất bản hiện nay không có liên quan đến sự công nhận các tổ chức báo chí tư nhân; quyền tự do hội họp bị hạn chế khi các tổ chức xã hội dân sự độc lập ra đời và bị nhà nước coi là “phản động”; quyền tự do ngôn luận trở thành một hiểm họa đối với những cá nhân, tổ chức lên tiếng phê phán các chủ trương – chính sách của nhà nước, mà một trong số đó là hàng loạt những “nhà bất đồng chính kiến” bị bắt giam và kết án liên quan đến thảm họa môi trường Formosa gần đây; quyền tự ứng cử được thể hiện rõ vào năm 2016 – khi hàng loạt ứng viên độc lập bị sách nhiễu, đấu tố và đánh rớt; quyền bầu cử bao năm qua bị đánh đồng trở thành “nghĩa vụ” và buộc phải bầu cho những nhân vật đã được lên danh sách sẵn. Chưa kể hàng tá điều luật mơ hồ liên quan đến “an ninh quốc gia” được ghi nhận trong Bộ luật hình sự 2015; việc treo Luật biểu tình và Luật về Hội,…
Câu hỏi đặt ra là: Nhà nước lấy quyền gì hạn chế và cấm khi những quyền của con người trên được ghi nhận trong Hiến Pháp? Bản thân, chính ông Cựu Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cũng từng phản ứng rằng: Hiến pháp nói về quyền tự do và chỉ hạn chế bằng luật, thế thì bây giờ các đồng chí định hạn chế cái gì, cấm cái gì phải đưa vào đây chứ để nghị định là không được đâu.
Và những thứ được liệt kê nêu trên thể hiện bản chất thực tế của sự thiếu dân chủ, chứ không phải là việc chỉ thông qua một “hội thảo” mà có thể nhận định rằng: Việt Nam Dân chủ. Điều này là khá ngô nghê về nhận thức và hời hệch về mặt lý luận.
Ông Vũ Xuân Thành lại “lý luận” tiếp: các vị muốn lấy Dân chủ nhân quyền kiểu Mỹ để áp dụng tại Việt Nam, trong khi bản thân nước Mỹ, dân chủ chưa được đảm bảo khi người da đen ngày ngày bị phân biệt đối xử, người châu Á bị kỳ thị, tù nhân bị đánh đập quay video làm trò?
Thực ra, dân chủ của Mỹ chưa thực sự hoàn hảo, và ngay cả tổ chức Liên minh xã hội dân sự cũng đánh giá, mô hình chính trị Mỹ có nhiều khuyết điểm. Bản thân người viết cũng nhấn mạnh, dân chủ kiểu Mỹ không hoàn hảo, thậm chí có nhiều khuyết tật. Tuy nhiên, quyền lực nhà nước của Mỹ đã bị phân tán và thực sự bị kiểm soát bởi người dân. Chính vì yếu tố này đã khiến cho Tổng thống Donald Trump không thể tiến hành (hay ban hành) có điều luật theo ý của của ông ta (bao gồm cả lệnh cấm nhập cảnh từ 6 nước) mà ngược lại, ông bị buộc phải lắng nghe mọi ý nguyện người dân (bao hàm cả nhóm người thiểu số). Nước Mỹ vươn lên hàng siêu cường nhờ vào tính chất dân chủ kiểu Mỹ như vậy chứ không phải dân chủ chia đều “nợ công” của Việt Nam. Điều quan trọng, là một “thể chế dân chủ” khá hơn đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Và có bao giờ ông Vũ Xuân Thành trả lời được câu hỏi, một chế độ dân chủ kiểu Mỹ dù giàu có và khống chế chính trị thế giới như thế còn chưa là hoàn hảo, thì một chế độ độc tài quyền lực và kém về điều hành kinh tế làm sao “khá” hơn cho được? Cụ thể, Việt Nam – một đất nước bao nhiêu năm “đang phát triển” và là nơi quan chức tích tụ của công (như cách quan chức Yên Bái làm) chẳng phải là một ví dụ điển hình hay sao?
Việc người da đen bị phân biệt đối xử là có, nhưng hãy nhìn xem tiến trình mà người Mỹ từ khi lập quốc cho đến nay. Khi mà người da đen bị tước quyền bỏ phiếu, phải đi vào một hàng lối riêng,… cho đến khi họ được phép đi bầu và có một vị Tổng thống người da đen. Đó là cách xác lập nhân quyền của Mỹ, chứ không phải khư khư ôm giữ lấy một thứ “nhân quyền giả hiệu”, trong đó quyền được đi bầu và ứng cử bị vùi dập như Việt Nam hiện nay. Nhân quyền kiểu Mỹ không tuyệt đối đến mức khiến chính phủ Mỹ không vi phạm nhân quyền, vấn đề nằm ở sự loại trừ các trường hợp vi phạm nhân quyền, và sự vi phạm (ở đây đề cập đến quyền công dân trong nước) khác Việt Nam là không hề có sự chủ ý của hệ thống và không hề diễn ra liên tục thường xuyên như Việt Nam.
Mẹ Nấm và phiên tòa bị tước đoạt quyền con người là một minh chứng. Tại Mỹ, người chỉ trích chính quyền không đối mặt với án tù “an ninh quốc gia”, trong khi Việt Nam thì ngược lại; tại Mỹ bất đồng chính kiến dù bị truy tố nhưng anh vẫn có đầy đủ quyền trước pháp luật và được tuyên trắng án – trong khi Việt Nam hoàn toàn không có chuyện như vậy (vai trò luật sư, viện kiểm soát, tòa án về mặt độc lập quyền lực với chính đảng không có).
Và có một ý mà ông Vũ Xuân Thành (người tự nhận là có hàng thập niên sống ở Mỹ và châu Âu) bỏ quên không nhắc lại là ông lên tiếng phản ứng sự thất bại của bà Hill Clinton dù số phiếu phổ thông cao hơn, nhưng ông lại không hiểu bản chất quyết định và giám sát quyền lực thông qua hệ thống bầu cử “Đại cử tri đoàn”. Và đây chính là yếu tố đặc sắc nhất của một nền dân chủ, nhân quyền liên quan đến tôn trọng về mặt luật pháp ghi nhận của Mỹ.
Dân chủ, phải hiểu cách thức người dân có quyền giám sát, tác động đến quyền lực thông qua biểu hiện giản đơn nhất là bầu những người lãnh đạo, từ địa phương đến trung ương. Chứ không phải là lên danh sách sẵn và đang tìm kiếm cách “nhốt quyền lực vào cơ chế” như hiện nay.
Và “Đa đảng”
Đa đảng là một trong những hình thức của dân chủ, là bước đi hình thức của sự đa nguyên. Anh Vũ Xuân Thành dựa vào cái gọi là “địa chính trị, phát triển xã hội, trình độ dân trí, văn hóa” để tham khảo trước khi tiến hành đa đảng, đa nguyên ở Việt Nam là điều không sai. Cái sai của ông là hiểu nó quá “thô”, khi nhấn mạnh do Việt Nam “xã hội đa dân tộc, đa tôn giáo, dễ phát sinh mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc” nên nếu đa đảng sẽ dẫn đến sự phức tạp (được hiểu là loạn). Người viết tự hỏi một đất nước đa sắc tộc, tôn giáo như Mỹ sẽ là gì nếu không phải là thứ mà anh Vũ Xuân Thành nêu ra? “Hợp chủng quốc” đã cho thấy tính chất đa dạng văn hóa, sắc tộc, vùng miền lẫn trình độ chính trị của người dân, thậm chí với 200 triệu dân (gấp đôi Việt Nam) thì theo “lý luận của ông Vũ Xuân Thành” nó sẽ càng phức tạp hơn chứ? Vậy mà Mỹ đã điều tiết tốt, nó chứng tỏ cái gọi là “đa đảng” sẽ loạn vì những yếu tố nêu trên là hời hợt và mang tính ngụy biện. Úc cũng vậy, Úc cũng là một nước đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo và là nơi mà năm 2011, đã đón nhận hẳn 1,3 triệu di dân – vậy mà Úc vẫn phát triển, vẫn điều tiết tốt trong điều kiện đa đảng đấy thôi?
Thứ hai, ông Vũ Xuân Thành lo ngại “dân trí chưa cao”, giả sử như đúng thật, thì đây cũng chính là lý do vì sao cần phải đẩy mạnh nhân quyền, trong đó có quyền lập hội – ngôn luận – báo chí-xuất bản,… khi người dân được tiếp cận rỗng rãi nhất thì thực hành nhân quyền cũng sẽ khiến dân trí tăng cao. Không nói đâu xa, việc người dân nắm được Thông tư 65 và các văn bản luật liên quan khi bị bắt trên đường đã là một biểu hiện sống động liên quan đến dân trí và ý thức quyền con người của mình.
Do đó, sự lo ngại về dân trí hay hệ quả của “đa đảng” là một thứ cảm tính, vốn dĩ không nên có ở một người thạc sĩ về quan hệ quốc tế.
Điều tiếp theo, anh Vũ Xuân Thành dẫn ra một số nước có “điều kiện lịch sử tương tự Việt Nam” như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanca, Bolivia, Peru nhưng theo đường “đa đảng” và đều bất ổn. Để đi đến kết luận ra, “đa đảng không có nghĩa là dân chủ, thịnh vương”.
Thực ra, “đa đảng” không có nghĩa là dân chủ, thịnh vượng; nhưng không có “đa đảng” thì không thể nào có dân chủ, thịnh vượng. Anh Vũ Xuân Thành nhìn sang 5 nước đa đảng mà bỏ quên hàng trăm nước đa đảng còn lại; anh nhìn sang Pakistan mà quên không nhìn Ấn Độ; nhìn Baladesh mà không nhìn Đài Loan; nhìn ScriLanca mà quên không nhìn Singapore;… Và đây là biểu hiện của dân chủ giả hiệu/ dân chủ hình thức mà anh Vũ Xuân Thành từng nhắc đến.
Và dường như cách thức “phản biện” của anh Vũ Xuân Thành luôn là cách đem những điểm xấu nhất của một số nước theo lối “đa đảng, dân chủ” ra để chứng minh.
Kinh tế: thiếu bền vững
Anh Vũ Xuân Thành cho rằng, theo World bank, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, và kể từ năm 1990, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh nhất thế giới, trung bình 6.4%/năm trong những năm 2000.
Thú thật, người viết khuyến nghị anh nên tập trung nghe nhiều hơn, đọc nhiều hơn các báo cáo liên quan đến tình hình kinh tế Việt Nam. Mà trong đó, tài liệu đáng chú ý nhất giúp anh có thể “phản biện” tốt hơn là báo cáo “Việt Nam: 2035”.
Bởi theo các chuyên gia hiện nay, Việt Nam tăng trưởng thiếu bền vững, mức tăng trưởng 6.4% của thập niên 2000 là hoàn toàn dựa vào nguồn nhân công giá rẻ; nguồn tài nguyên dồi dào và nguồn vốn ngân sách nhà nước. Và có lẽ, anh nên hiểu vì sao ĐCSVN đưa ra Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Tức là các yếu tố trên đã không còn hoặc đã “giảm”, khiến tăng trưởng bị kéo lùi lại.
Anh Vũ Xuân Thành tham gia đầy đủ các buổi của Hội thảo Xã hội dân sự thường niên II, nhưng anh lại không chú ý đến phần trình bày của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong đó bà cho biết: Trong đánh giá 10 năm của Intel tại Việt Nam, Việt Nam chỉ tạo 3% giá trị gia tăng. Một số liệu đáng chú ý nữa, quy mô GDP/dân số theo phấn đấu đến năm 2035 mà Việt Nam sẽ đạt được là 0.8% – tương ứng với quy mô kinh tế năm 1820 (cuối đời Gia Long, đầu đời Minh Mạng) [1].
Nếu để ý hoặc thực tâm “hứng thú với hội thảo này, vì bản thân vốn là người quan tâm đến chính trị” như cách anh bày tỏ, thì anh đã không dẫn chứng số liệu bề nổi của nền kinh tế Việt Nam như vậy.
Ngay cả về “tính ưu việt của KTTT định hướng XHCN”, anh không hề dẫn chứng ra một số liệu nào rõ rệt, mà chỉ vu vơ là có “sự ghi nhận khách quan của cộng đồng quốc tế” và những câu nhận định vô thưởng, vô phạt. Người viết đang tự hỏi là “ghi nhận khách quan” nào từ cộng đồng quốc tế mà hai thị trường lớn nhất, đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam là EU và Mỹ đến nay vẫn chưa “công nhận tính thị trường” của nền kinh tế Việt Nam?
“Dư luận viên” và Iphone
Trong buổi hội thảo, anh Vũ Xuân Thành bào chữa mình không phải là một “dư luận viên 3 củ”, nhưng cách anh trình bày đã khiến người đọc buồn cười về cả sự tự cao đối nghịch với nhận định của anh.
Cái anh cho là người tham gia hội thảo “hiểu biết nông cạn” thực ra nó gán đúng với cách anh trình bày quan điểm của mình. Cái anh gọi là “phân tích” để đi đến kết luận hội thảo là “dối trá và lừa mỵ” thực chất là mớ nhận định mang tính hờ hợp, quy kết và chụp mũ. Anh nhận định cái hiện tượng mà hoàn toàn bỏ quên bản chất nhân quyền và dân chủ ở các nước đa đảng, và ở Việt Nam (như cách người viết bày tỏ phía trên). Nguy hiểm nhất là anh tự cao, sự tự cao về một người “được sống ở châu Âu và Mỹ cả thập kỷ” để phán xét vấn đề, giả như có đi chăng nữa thì tôi tiếc cho thời gian đó anh không chịu đi thư viện thường xuyên để tìm hiểu về hệ thống “cử tri đoàn” của Mỹ.
Điều buồn cười không dừng tại đó, mà nối tiếp ở việc, anh không hiểu một nguyên lý giản đơn nhất là, cũng giống như Iphone (là một sản phẩm mang tính toàn cầu, được tổng hợp từ các yếu tố sáng chế) và được người dùng tiếp nhận, thì nhân quyền (dân chủ) cũng có tính giá trị và phổ quát như vậy. Tại Mỹ, tam quyền phân lập đã chứng minh hiệu quả tốt nhất qua việc đình chỉ các sắc lệnh của Tổng thống; đảm bảo tính tự vệ (dùng súng) của người dân; đảm bảo quyền tự do báo chí và ngôn luận; đảm bảo tính chất quyền lực giữa chính phủ và liên bang, và là nơi quyền lực bị đa số kiểm soát. Và nó được hiện thực vào thực tế chứ không phải là nằm trên…. giấy.
Nhân quyền phổ quát, giá trị sống còn nên nhiều nơi tiếp nhận qua việc ký kết các công ước nhân quyền. Và Việt Nam cũng sẽ không tách ra khỏi điều đó.
Điều cuối cùng là liên quan đến cái tâm và tầm của ban biên tập Tuần báo Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, khi tiếp tục bôi xấu (hạ thấp) chữ “lý luận – phê bình” bằng cách dễ dãi đăng tải những bài viết kiểu vu vơ, cảm tính như thế này.