Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đàn áp tự do biểu cảm từ trong trứng nước?

Tâm Don (VNTB)Vào lúc cuối giờ chiều ngày 01-6-2017, báo Tuổi Trẻ online cho đăng tải bài báo khiến bạn đọc sửng sốt: Học Sinh Lớp 12 Bị Kỷ Luật Vì “Chê” Bệnh Viện Trên Facebook.

Chuyện nhỏ nhưng kỷ luật to

Tuổi Trẻ online cho biết, một nữ sinh lớp 12 trường THPT Kiến Tường (Long An) cho biết mình bị kỷ luật khiển trách, cuối năm bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống còn trung bình, vì “chê” bệnh viện khu vực trên Facebook.
Cũng theo Tuổi Trẻ online, học sinh tên P.T.T. cho biết từng bị tai nạn và vào Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường, Long An) chữa trị một lần và không hài lòng với thái độ của các nhân viên tại đây.
Ngày 5-3 em mới viết về điều này trên Facebook cá nhân với nội dung: “Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.
Tuổi Trẻ online cho biết, ngày 6-3, Ban giám hiệu trường THPT Kiến Tường đã mời em lên làm việc về nội dung trên. Cũng trong ngày 6-3, T. đã xóa nội dung này trên trang Facebook cá nhân.
Tiếp đó, ngày 16-3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật T. với hình thức khiển trách, lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28-3-2011 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường THPT. Cụ thể: Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook.
Cũng theo Tuổi Trẻ online, sau sự việc trên, nhà trường tiếp tục hạ hạnh kiểm của em từ tốt xuống trung bình vào cuối năm học, khiến em tốt nghiệp với hạnh kiểm trung bình, ảnh hưởng đến cả quá trình học phổ thông của em.
 Tuổi Trẻ online dẫn lời thầy Phạm Minh Thành – Phó hiệu trưởng trường THPT Kiến Tường xác nhận có sự việc trên.  “Liên quan đến hạnh kiểm của T., trường đã thực hiện theo đúng trình tự từ bản thân học sinh tự xếp loại, tập thể lớp xếp loại, giáo viên chủ nhiệm xếp loại và thông qua các ban, tổ của nhà trường”, thầy Thành nói.
“Việc T. bị xếp loại hạnh kiểm trung bình còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố về chấp hành kỷ luật nội quy nhà trường như đi trễ, đồng phục không đúng quy định…, chứ không chỉ vì lý do nhận kỷ luật từ việc đăng trên Facebook”.
Đàn áp từ trong trứng nước
Sáng ngày 02-6-2017, cô giáo Ngô Thị Thứ, giáo viên Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, Sài Gòn nói với VNTB: “Học sinh có quyền chia sẻ cảm nghĩ  và tự do ngôn luận. Nếu giáo viên thấy lời lẽ chưa ổn ( lời bộc trực quá gây khó hiểu…) có thể giúp em ấy điều chỉnh nhưng vẫn phải bảo đảm cho em ấy được nói đúng điều em nghĩ.
Sự lên tiếng của em học sinh là hợp lý và cần thiết. Bệnh viện cũng có lúc phục vụ chưa tốt, em ấy giúp họ nhìn thấy hiện tượng và khắc phục”.
Cô giáo Ngô Thị Thứ nói thêm: “Trẻ em không tự dưng vu vạ cho người lớn. Cần tôn trọng và nhìn nhận điều này theo hướng tich cực. Việc kỷ luật em học sinh có thể tạo nên những điều không tốt, hành xử không tốt trong tương lai như: 1. Em học sinh đó cũng như những người khác có thể làm sai và chủ động làm sai nếu tạo dựng được cơ chế bịt miệng dư luận. 2. Im lặng trước sai trái, không lên tiếng phản đối cái xấu và cái ác, nguy hiểm hơn nữa là đồng lõa với cái ác và cái xấu. Tôi cho rằng, một nền giáo dục sai lầm đang ngày đêm hủy diệt nhân tính”.
Một kỹ sư dầu khí đã nghỉ hưu ở Vũng Tàu đề nghị được dấu tên nói với VNTB: “Thật đau lòng khi tiếng nói trung thực của một em học sinh lại bị chà đạp. Sự kiện này lại một lần nữa tiếp tục khẳng định rằng, chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp tự do ngôn luận, tự do biểu đạt từ trong trứng nước. Một xã hội đàn áp và vùi dập tự do ngôn luận, tự do biểu cảm, xã hội ấy sẽ không có tư duy độc lập, tư duy sáng tạo-nền tảng của sự thịnh vượng và hạnh phúc”.
Ông Hoàng Xuân Sơn ở Sài Gòn, người đã từng ngồi ghế công tố viên, người đã từng hành nghề luật sư và là một nhà báo chuyên nghiệp, đã tỏ ra phẫn nộ khi đọc bài trên Tuổi Trẻ online. Ông nói:” Phản ánh một sự thật nhỏ nhoi ở một bệnh viện cấp huyện mà nhà trường, chính quyền còn kỷ luật- đàn áp, vậy thì viêc phản ánh những sự thật khác lớn hơn sẽ ra sao? Chả lẽ người dân, học sinh không có quyền mở miệng hay sao?”.
Từ Long An, nhà hoạt động xã hội Đinh Nhật Uy bày tỏ thái độ căm phẫn đối với những người có chức có quyền ở bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười: “Các ông các bà ngu vì là bác sĩ, y tá, làm việc tắc trách đến nỗi đứa con nít nó còn chuởi. Các ông các bà hèn là vì không dám nhận sai rồi sửa sai, hoàn thiện để phục vụ tốt hơn cho nguời dân. Thay vào đó, các ông các bà lợi dụng cả hệ thống quyền lực, chức vụ để chỉ ăn hiếp một đứa con nít vì nó dám nói lên sự thật.
Em học sinh này sử dụng quyền bày tỏ quan điểm một cách chính đáng. Nội dung quan điểm chính xác. Lời khuyên chân thành. Các ông các bà là bác sĩ, y tá, giáo viên nên xem lại chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của mình đi”.

Tin bài liên quan:

TP.HCM: Kỷ luật Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch và Phó chủ tịch quận Tân Phú

Phan Thanh Hung

Tiêu chuẩn kép và lập lờ đánh lận con đen trong vụ Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Họ vẫn “đối thoại” đấy chứ

Phan Thanh Hung

1 comment

Nặc danh 04.06.2017 9:03 at 21:03

Tôi nghĩ "từ trong trứng nước" hơi cực đoan . Lớp 12 có còn là "trứng nước" đâu . "Trứng nước" chỉ đúng khi không bán sữa cho những em bé mà tiếng gọi đầu lòng không phải là Hồ Chí Minh (*)

Một trí thức nhà mình, phản biện thơ Tố Hữu, cho rằng Stalin là tên ngoại quốc, sẽ rất khó với con nít Việt . Vì vậy, tôi đổi Stalin -không khác mấy- thành Hồ Chí Minh để con nít Việt dễ đọc hơn, và để câu thơ Tố Hữu không còn xa sự thật quá như nguyên bản .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.