Phương Thảo
(Hà Lan)
(VNTB) – Ông Đam không nằm mơ, mà ông đang hướng về một mô hình y tế khoa học hơn nhằm giảm đi sự quá tải của các bệnh viện lớn cũng như giảm bớt áp lực cho các bác sỹ.
Ông Vũ Đức Đam (giữa) đang “kinh lý”
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND và ngành y tế tỉnh Phú Thọ trong ngày 10/12/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Y tế cơ sở, y tế dự phòng phải lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người từ khi còn nằm trong bào thai. Từ đó, sẽ theo dõi sát sao hơn sức khỏe của từng người dân, nhắc họ đi khám sức khỏe định kỳ, tư vấn cho họ đi bệnh viện nào với từng loại bệnh cụ thể, từ đó kết nối với các tuyến trên sẽ rất tiết kiệm thời gian, như kiểu có bác sĩ riêng. Làm như vậy rất khoa học, bệnh viện tuyến trên chỉ cần xem hồ sơ là biết được người này tiểu sử sức khỏe, bệnh tật ra sao từ đó sẽ có phương pháp điều trị chính xác hơn”.
Thế nhưng người ta lại chụp ngay vào cái câu “ phấn đấu để người dân nào cũng có bác sỹ riêng” của ông thủ tướng từng tây học này được báo chí dùng là tiêu đề để mà bình phẩm, châm biếm và chỉ trích.
Ông Đam từng là du học sinh ở Bỉ cũng như phát biểu trích ở trên của ông thì mô hình bác sỹ riêng mà ông nhắc đến chắc chắn là mô hình bác sỹ gia đình của Âu châu. Ở bài viết này chỉ giới hạn trong mô hình bác sỹ gia đình ở Hoà lan mà thôi vì ở các quốc gia khác người viết chưa có được dịp kiểm chứng.
” Bác sỹ riêng” và “tuyến dưới”
Khi chuyển nhà đến một khu vực mới, thì một trong các việc cần làm đầu tiên là tìm bác sỹ nhà/ hay bác sỹ gia đình cũng như nha sỹ riêng. Nha sỹ hay “ bác sỹ riêng” này không có nghĩa là khi cần họ phải lập tức xách gói đến tận nhà của bệnh nhân để khám. Mà những nha sỹ, bác sỹ này ưu tiên khám cho những bệnh nhân nằm trong danh sách của riêng họ.
Thế cũng không có nghĩa là khi có bệnh sẽ lập tức tới phòng khám của “ bác sỹ riêng” được mà phải gọi điện thoại, khai báo bệnh cho trợ lý bác sỹ và xếp lịch hẹn. Trừ trường hợp vị nha/bác sỹ này đi vắng hay đã kín lịch khám vào ngày được bệnh nhân chỉ định thì lúc đó sẽ có bác sỹ khác thay thế và bệnh nhân sẽ được thông báo ngay ai sẽ là người thăm khám cho mình, nếu không thì phải chờ cho đến khi nào bác sỹ của mình có chỗ để xếp lịch khám. Khi có bác sỹ thực tập tham gia khám, bệnh nhân có quyền từ chối không cho bác sỹ thực tập tham gia vào buổi khám-điều trị.
Các nhà thuốc chỉ bán cấp thuốc theo đơn bác sỹ. Sau khi được bác sỹ thăm khám và cấp toa thuốc trực tuyến, bệnh nhân đi thẳng tới nhà thuốc khai họ tên và sẽ nhận được thuốc mà không cần phải cầm theo bất cứ giấy hay toa gì của bác sỹ. Nếu là bệnh thông thường thì bác sỹ khuyên nên nghỉ dưỡng và để cho cơ thể tự kháng bệnh mà không cần thuốc đặc trị.
Chỉ những bệnh cảm mạo, ho hen thông thường mới có thể mua thuốc ở tiệm tạp hoá và siêu thị. Và vì thế không có những nhà thuốc tây tư nhân mọc ra như nấm ở mọi nẻo đường cùng với dược sỹ có khi kiêm luôn người chữa trị, cũng không có chuyện người dân tự tiện uống kháng sinh liều nặng để mau lành bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nhân lờn thuốc kháng sinh hay còn gọi là kháng kháng sinh như ở Việt nam.
Chăm sóc thai sản thì các bà mẹ tương lại phải liên hệ với các bà mụ nếu chọn sinh con ở nhà và bệnh viện nếu muốn sinh con ở bệnh viện. Bác sỹ gia đình cũng thăm khám thai nhưng không tham gia hộ sinh.
Người dân bắt buộc phải tham gia đóng bảo hiểm tuy nhiên không phải tất cả mọi chi phí hiển nhiên do bảo hiểm chi trả mà tuỳ thuộc vào gói bảo hiểm đã mua ở cấp độ nào mà bảo hiểm sẽ chi trả ở mức độ ấy hoặc tuỳ thuộc vào hợp đồng của hãng bảo hiểm với các nhà cung cấp dịch vụ y tế mà người thụ hưởng bảo hiểm có được bảo hiểm thanh toán phí cho hay không. Bệnh nhân cũng thường phải trả tiền chi phí dịch vụ trước sau đó sẽ được hãng bảo hiểm thanh toán trở lại.
Từ “tuyến dưới” lên “tuyến trên”
Theo số liệu năm 2012 thì cứ 10.000 dân Hoà lan có 4,3 bác sỹ nhà và các bác sỹ có thể có phòng khám riêng, phòng khám đôi ( chung với một bác sỹ khác), hay phòng khám nhóm. Như vậy một bác sỹ sẽ chịu trách nhiệm khám và chữa trị cho khoảng trên dưới 2200 bệnh nhân. Đây là các bác sỹ đa khoa chuyên chữa trị các bệnh nhẹ, thông thường. Khi cần phải sử dụng các dịch vụ ở bệnh viện lớn thì lúc đó bệnh nhân sẽ được bác sỹ viết giấy chuyển đi khám hoặc trị liệu.
Bệnh nhân không được tự ý đến khám ở các bệnh viện lớn khi không có giấy của bác sỹ riêng trừ trường hợp cấp cứu hay vào dịp cuối tuần khi các phòng khám của bác sỹ riêng này đóng cửa. Nhưng để được đến lượt khám, chữa trị thì bệnh nhân cũng phải tự gọi điện thoại cho bệnh viện, khai báo các triệu chứng để được xếp lịch trước khi đi đến bệnh viện để khám.
Điều này giúp cho các bệnh viện lớn không bị quá tải bởi các bệnh nhân với các triệu chứng không qúa nặng hay không cần phải có sự can thiệp chuyên môn sâu, cũng như các bác sỹ biết trước sẽ phải xử lý bệnh nào.
Hồ sơ bệnh án được theo dõi qua mạng internet, nên khi gặp trường hợp cấp cứu hay đến bệnh viện lớn thì chỉ cần khai tên, ngày tháng năm sinh và xác nhận địa chỉ thì bất cứ bệnh viện nào cũng có thể truy cập vào hồ sơ của bệnh nhân trực tuyến.
Tuy nhiên, để được khám hay chữa trị ở các bệnh viện lớn đôi khi phải chờ đợi rất lâu vì bệnh nhân chỉ được xếp khám chữa trị theo thứ tự ưu tiên và khi có chỗ trống. Nhưng nếu là cấp cứu sống chết thì chỉ chưa đến 30 phút sẽ có ngay xe cấp cứu hay trực thăng cứu hộ và bác sỹ đến tận nơi.
Nếu không phải là trường hợp cấp bách thì cứ phải chờ từ bốn đến tám tuần mới đến lượt là chuyện thường. Trước khi phải đến bệnh viện bốn- năm tuần bệnh nhân sẽ nhận được thư của bệnh viện hướng dẫn rõ cần phải chuẩn bị những gì trước khi đến khám, được giải thích cặn kẽ quy trình thăm khám sẽ diễn ra như thế nào, ai sẽ tham gia cũng như lúc nào cần có mặt và làm sao đi tới nơi.
Ngoài ra những người nào không thích chờ đợi lâu, hoặc không tin tưởng bác sỹ ở Hoà lan, hoặc muốn trả chi phí thấp hơn có thể tự kiếm bác sỹ và nơi chữa trị ở các nước lân cận và cũng có thể được bảo hiểm thanh toán chi phí.
Ông Đam không nằm mơ
Xét về quy trình thì rõ ràng quy trình này phản ánh đầy đủ ý kiến “chỉ đạo” của ông Đam nếu không nói là “ học tập” theo mô hình của phương tây nhằm giảm đi sự quá tải của bệnh viện lớn ở Việt nam. Thế nhưng ông Đam đã phải nhận rất nhiều gạch đá của dân cư mạng khi họ cứ tự nhiên cho rằng bác sỹ riêng có nghĩa là vị bác sỹ sẽ phục vụ cho mỗi một cá nhân một và sẽ phải lập tức có mặt theo bất kỳ lúc nào cá nhân đó yêu cầu.
Ở Việt nam hiện tại, theo thống kê có tỷ lệ 7,2 bác sỹ trên 10.000 dân và còn phấn đấu đạt 8 bác sỹ cho một vạn dân vào năm 2020. Tức đã nhiều hơn Hoà lan đến 3 bác sỹ nhưng lại luôn luôn quá tải. Lý do kể ra sẽ không hết, nhưng có lẽ phổ biến nhất là bệnh nhân thích xúm lại thăm khám ở nơi nào được “nghe nói” là bác sỹ mát tay nhất, bệnh nhân ở tỉnh thích “ lấn tuyến” vì không tin tay nghề bác sỹ tỉnh hay cũng vì bác sỹ tỉnh thiếu tay nghề gây ra các trường hợp chuẩn đoán sai dẫn tới chữa trị không đúng hoặc đáng tiếc hơn là tử vong.
Ông Đam không nằm mơ, mà ông đang hướng về một mô hình y tế khoa học hơn nhằm giảm đi sự quá tải của các bệnh viện lớn cũng như giảm bớt áp lực cho các bác sỹ. Nhưng trước khi đi được đến đó thì bài toán đặt ra cho ông Đam cũng như bộ Y tế là làm sao để có được lực lượng bác sỹ có chất lượng cao, làm ăn lương mà không lo chân trong chân ngoài để người dân tin tưởng chọn làm “bác sỹ riêng”.
—————
Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả