Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần bãi bỏ án tử hình!

Kỳ Anh

(VNTB) – Ngày 10/10 là ngày châu Âu và quốc tế chống lại án tử hình.

Liên Minh châu Âu và quốc tế kêu gọi giảm sử dụng án tử hình và khẳng định xu hướng chung hướng tới xóa bỏ hoàn toàn. 

Trong khi vẫn có một số quốc gia, cả phát triển và đang phát triển vẫn tiếp tục áp dụng hình phạt tử hình, xu hướng chung của thế giới cho thấy rằng chúng ta đang hướng tới xóa bỏ án tử hình hoàn toàn. EU sẽ tiếp tục công việc hướng tới mục tiêu này.

Trong số 193 Quốc gia thành viên Liên hợp quốc, 162 quốc gia đã không thực hiện hành quyết trong ít nhất 10 năm, 112 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trong luật. 

Lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ còn 7 quốc gia thực hiện các vụ hành quyết vào năm 2019. 

Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì án tử hình và vẫn tiếp tục thực hiện các vụ hành quyết trong năm 2020, kể cả trong thời gian cả nước phòng chống dịch Covid-19 (1)  và vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ tiến tới bãi bỏ án tử hình. 

Những án tử hình gần nhất mà chính quyền Việt Nam sử dụng để trừng phạt hai người dân Đồng Tâm hồi tháng 9 trong vụ án được cho là giết người thi hành công vụ xảy ra đầu năm 2020, (2) một án tử hình cũng được tuyên vào ngày 7/10/2020 đối với hai thanh niên sát hại một nam sinh chạy xe grab. (3)

Năm 2010, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua hình thức tử hình bằng cách tiêm thuốc. Quy định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đã có hiệu lực từ ngày 1/11/2011 vì lý do nhân đạo. (4) 

Cho đến năm 2012, vì không một quốc gia nào chịu bán độc dược cho Việt Nam để sử dụng cho mục đích tử hình, số phạm chờ chờ đến lượt tử hình lên đến 508 người khiến cho nhiều đại biểu quốc hội sốt ruột.

Đại biểu Quốc hội Trần Độ, lúc bấy giờ là Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã nảy ra sáng kiến “Chính phủ tổ chức sản xuất những thuốc dùng để thi hành án tử hình ở trong nước”. (5)

Đến tháng 1 năm 2013, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết Việt Nam sẽ tự sản xuất thuốc độc để phục vụ chủ trương tiêm thuốc độc với các án tử hình.(6)

Đến ngày 06/07/2013, Việt Nam lần đầu tiên đã hành quyết tử tội bằng thuốc độc cho tử tù Nguyễn Anh Tuấn người đã bị kết án tử hình vào tháng Giêng năm 2010 vì tội giết người. (7)

Báo chí khi đó đã đưa tin rằng: “Sau khi bị tiêm thuốc độc, khép lại quá khứ tội lỗi, kết cục của Nguyễn Anh Tuấn cũng là bài học cho những kẻ coi thường luật pháp…. anh ta bị tiêm thuốc độc để trả giá cho tội ác đã gây nên.”

Án tử hình vẫn được Việt Nam áp dụng vì đó “thuộc chủ quyền quốc gia về tư pháp hình sự và hiện vẫn là một thực tiễn trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.” theo như tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi trả lời về chất vấn về tình trạng xét xử tử hình ở Việt Nam vào tháng 4 năm 2019. (8)

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõViệc dừng hay bỏ án tử hình cũng không được quy định tại các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.”

Cũng trong cùng tuyên bố bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh rằng Việc xét xử những người vi phạm pháp luật theo các tội danh có khung hình phạt lên đến án tử hình được tiến hành theo trình tự thủ tục chặt chẽ mà pháp luật hình sự Việt Nam quy định; bảo đảm quyền của bị cáo, tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.”

Có ý kiến cho rằng chỉ các quốc gia có dân trí cao thì mới có thể huỷ án tử hình, với các quốc gia khác nếu không có án tử hình thì có thể dẫn đến hệ luỵ khôn lường như coi thường luật pháp. 

Những nỗ lực nhằm vượt qua mọi cản trở, chỉ trích để duy trì cho bằng được án tử hình nêu trên ở Việt Nam từ tâm thức của người làm báo, cho đến các nhà lập pháp lẫn cán bộ ngoại giao và không ít người dân cho thấy rằng họ luôn muốn “lấy mạng đền mạng” và chưa bao giờ có ý định làm một điều gì khác.

Tâm tưởng đó đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại khi ngày càng nhiều quốc gia đang hướng tới việc bãi bỏ án tử hình vì họ tin  rằng “hình phạt tử hình là độc ác, phi nhân tính và đáng hổ thẹn”. Ngoài ra hình phạt này không giúp ngăn ngừa tội phạm và làm cộng đồng an toàn hơn

Việt Nam cũng nên thực hiện việc này để thể hiện việc tôn trọng quyền con người và là hành động nhân văn. 

Bởi:

Bãi bỏ án tử hình mới là thể hiện tính nhân đạo mà cả thế giới hiện đang hướng tới chứ không phải là tính nhân đạo trong khi thi hành án tử hình. 

Khi được quyền sống, phạm nhân có cơ hội để cải tạo, thay đổi hành vi. Giả sử họ cần phải bị cách ly khỏi xã hội để giảm nguy cơ phạm tội thì vẫn có thể áp dụng án chung thân, hoặc thậm chí là kết án 100 năm tù giam hay hơn nữa. Đó là lối suy nghĩ về tính nhân đạo coi trọng sinh mạng của muôn loài. Chứ không phải tính nhân đạo được thể hiện qua việc làm sao làm bắt người ta chết nhẹ nhàng nhất. 

Trong trường hợp các án oan sai vì không bảo đảm quyền của bị cáo, không tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, không bảo đảm công khai, không minh bạch, không công bằng, thì những năm sống với cái án tử lơ lửng trên đầu hoặc phải chết oan thì ai sẽ trả lại công bằng cho họ? 

Bãi bỏ án tử hình khi đó là để tránh án oan sai. 

Và hơn hết, bãi bỏ án tử hình để nuôi lòng thiện căn trong những nhà làm luật hay bất cứ những ai đang một mực cho rằng án tử hình là phương cách duy nhất để duy trì kỷ cương phép nước. 

Mọi thứ đều bắt đầu từ giáo dục, khơi dậy lòng hướng thiện, lòng trắc ẩn chứ không phải khơi dậy hành động trả  thù, sự khoải trá khi có kẻ phải đền mạng, và triệt tiêu tính nhân văn.

 

***

[ads_color_box color_background=”#f5e6e6″ color_text=”#444″]

Thử nhìn vào cuộc sống của những tử tù đang ngày đêm sống trong bóng tối ở các trại giam với điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt cũng đủ thấy họ không hề được đối xử nhân đạo trong những năm cuối đời.

Phòng giam tử tù thường được thiết kế tách rời với các khu giam giữ khác và nhiều lớp cửa để đảm bảo an ninh. Một dãy phòng giam được chia thành nhiều ô, mỗi ô có kích thước khoảng 3x4m có cửa ở chính giữa. Hai bên là hai bệ xi măng rộng khoảng gần 1m, ở giữa là bể nước có nước khoảng 20cm.

Tử tù bị còng một chân và quay mặt ra cửa. Còng được rèn bằng thép gắn chặt xuống nền bằng một thanh ngang có lồng các khoen chữ U, một đầu mở thông ra ngoài, muốn mở phải mở phía ngoài tường, qua một ống thép xuyên qua tường ra phía ngoài.

Trên trần xà lim là một bóng đèn công suất nhỏ sáng suốt ngày đêm. Tử tù chỉ có thể nằm hoặc ngồi, vì một chân luôn luôn bị còng. Vệ sinh cá nhân đã có bể nước bên cạnh và bô nhựa sẽ do tù tự giác đến dọn dẹp hàng ngày.

Một tuần, cán bộ quản giáo sẽ tháo còng để đổi chân trái sang chân phải hoặc ngược lại. Tử tù gọi tiếng lóng là “đổi kèo”.

Tử tù thường thức cả đêm và ngày thì ngủ. Ban đêm từ 1 đến 3g sáng là khoảng thời gian căng thẳng nhất chờ đợi tiếng kéo cửa sắt phía ngoài, nếu cửa mở và có người vào, có nghĩa là sẽ có tử tù ra pháp trường đền tội. 

Vì không được biết trước và luôn trong tâm trạng chờ đợi vào ban đêm nên tâm lý thường rất căng thẳng. Tử tù chỉ được thông báo quyết định bác ân xá của Chủ tịch nước khi được dẫn lên phòng làm thủ tục thi hành án.” (9) 

[/ads_color_box]

________________

Ghi chú:

(1) http://anhp.vn/thi-hanh-an-tu-hinh-doi-voi-tu-tu-nguyen-ngoc-tan-d36002.html

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/toa-tuyen-an-tu-hinh-2-bi-cao-trong-vu-dong-tam-1278665.html

(3) https://vnexpress.net/hai-ke-sat-hai-nam-sinh-chay-xe-grab-bi-phat-tu-hinh-4172854.html?fbclid=IwAR2jalOdPJa160NIq_HSiQLqcT3hosCN60Spt1ecEh-yJpIhU0hzr5KIeBs

(4) https://anninhthudo.vn/tu-hinh-bang-tiem-thuoc-doc-se-bat-dau-tu-thang-12-2011-post120825.antd

(5) http://vneconomy.vn/thoi-su/de-nghi-tu-san-xuat-thuoc-doc-cho-an-tu-hinh-2012110108063870.htm

(6) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/se-san-xuat-thuoc-doc-cho-an-tu-hinh-106521.html

(7) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngay-6-8–tu-tu-dau-tien-ca-nuoc-bi-tiem-thuoc-doc-20130806040359694.htm

(8)https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-viec-thi-hanh-an-tu-hinh-tai-viet-nam-91765.html

(9) https://vietnamthoibao.org/vntb-trong-khu-pham-nhan-tu-hinh/

 

Tin bài liên quan:

VNTB – 6 năm, 2 đời chủ tịch xã không thèm sửa cây cầu dân sinh!

Phan Thanh Hung

VNTB – Thư cảm ơn của cựu tù nhân lương tâm Hồ thị Bích Khương

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Lại nói về tử hình

Do Van Tien

1 comment

Anonymous 11.10.2020 12:04 at 00:04

Cũng may là VN còn tử hình ! Không thì bọn côn đồ sát hại dân thường không còn sợ hãi nữa…

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo