VNTB – Viết báo ở Việt Nam là nghề rủi ro bậc nhất

VNTB – Viết báo ở Việt Nam là nghề rủi ro bậc nhất

Tư Hoài Lang

(VNTB) – Nhà báo tự do như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang thì bị bỏ tù. Nhà báo ‘quốc doanh’ sắp tới đây có thể bị phạt vạ bạc chục triệu đồng nếu dám xa rời ‘tôn chỉ – mục đích’ của… Bộ Ngoại giao (!?)

 

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Cái nguy hiểm đầy khó hiểu trong Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là vấn đề gọi là “Giấy phép”. Cụ thể, tại Chương II, “Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả”, tại Điều 5. Vi phạm quy định về giấy phép, từ khoản 2 đến khoản 6 có quy định:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao; b) Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép xuất bản bản tin, đặc san.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Sửa chữa, tẩy xóa giấy phép trong hoạt động báo chí; b) Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều 8 Nghị định này; c) Hoạt động thông tin, báo chí mà không có giấy phép của Bộ Ngoại giao; d) Xuất bản bản tin, đặc san không có giấy phép; đ) Vi phạm các quy định về điều kiện thành lập Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú của cơ quan báo chí;

e) Báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện hoạt động báo chí, hoạt động liên quan đến báo chí không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; g) Cơ quan báo chí nước ngoài đặt văn phòng thường trú tại Việt Nam khi không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, mở chuyên trang đối với báo điện tử, tạp chí điện tử; sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình mà không có giấy phép.

5. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, c và d khoản 3; tịch thu tang vật vi phạm hành chính là ấn phẩm báo chí, phụ trương đối với hành vi quy định tại khoản 4; tịch thu tang vật vi phạm hành chính là báo in, tạp chí in đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này; b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này”.

Các nội dung kể trên cho thấy kể từ ngày 1-12-2020, nghề làm báo, viết báo tại Việt Nam quá nguy hiểm khi đối mặt các ‘án phạt vạ’ toàn bạc chục triệu với những tùy nghi đầy khó hiểu từ nhà chức trách.

Trước tiên theo Luật Báo chí thì giấy phép báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; phía Bộ Ngoại giao chỉ cấp phép cho phóng viên nước ngoài vào tác nghiệp tại Việt Nam. Do đó, với quy định nếu “Hoạt động thông tin, báo chí mà không có giấy phép của Bộ Ngoại giao” sẽ bị phạt 15 triệu đồng là… oan còn hơn Thị Kính (*).

Còn nếu hoạt động gọi là không đúng “tôn chỉ – mục đích” thì phải chịu mức phạt là 15 triệu đồng, từ quy định, “Hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao”.

Nhắc lại, trong lãnh vực “báo chí nội địa”, hiện Luật Báo chí không có quy định nào buộc phải xin tờ “giấy phép của Bộ Ngoại giao”.

______________

Chú thích:

(*) Thị Kính là một phụ nữ đã tài sắc vẹn toàn lại hiếu thảo hết lòng, được bố mẹ gả cho Sùng Thiện Sĩ – một thư sinh đẹp trai, chăm học. Một lần đọc sách mệt, Thiện Sĩ ngủ thiếp đi. Thị Kính ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên định tỉa sợi râu. Bỗng Thiện Sĩ chợt tỉnh, nhìn thấy vợ cầm dao kề vào cổ mình, liền tri hô là vợ định giết mình. Thế là Thị Kính mang tội tầy đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án.

Tình ngay lý gian, không sao giãi bày được nỗi oan, Thị Kính cắn răng chịu tủi nhục, quay về nhà cha mẹ. Nhưng rồi nỗi oan khổ cũng chẳng biết thổ lộ cùng ai, nàng bèn quyết tâm đi tu, trước là báo đáp ân sâu của cha mẹ, sau là tẩy rửa nỗi oan khiên. Đang đêm, nàng cắt tóc, cải trang thành nam tử và trốn khỏi nhà. Lại một lần nữa, Thị Kính bị mang tiếng oan, bởi thiên hạ đồn là bỏ nhà theo trai…

Thật sự thì nàng tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bằng an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế.

Sư cụ, không hề biết nàng là gái, bèn nhận nàng cho làm tiểu, đặt tên là Kính Tâm. Trong làng có Thị Màu, con gái của một phú ông, có tính lẳng lơ, đi lễ chùa, thấy Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm. Bao lần Thị Màu tán tỉnh nhưng “chú tiểu” Kính Tâm vẫn cứ thản nhiên, càng làm cho Thị Màu say mê. Quen thói trăng hoa, Thị Màu bèn tư thông với một người đầy tớ trong nhà, không ngờ thị mang thai và bị làng phạt vạ. Thị Màu bèn vu vạ cho Kính Tâm ăn nằm với thị. Vì thế Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo, không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này.

Sư cụ thấy “chú tiểu” bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Dù thương xót Kính Tâm, nhưng vì sợ ô danh chốn thiền môn nên sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở ngoài mái tam quan. Thị Màu sanh con trai, đem đứa bé bỏ trước cổng chùa. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng.

Ngày ngày, Kính Tâm phải bế đứa bé đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm trong sự cười chê của thế gian. Ba năm sau, Kính Tâm yếu hẳn đi, trước khi mất, viết một lá thư dặn đứa bé giao lại cho cha mẹ mình. Đứa bé vội lên chùa trên báo cho sư cụ. Lúc đó, mới hay Kính Tâm là đàn bà. Khi lá thư của nàng về đến quê thì mọi người biết nàng không phải là gái giết chồng. Nỗi oan tình của Thị Kính từ đó được tỏ, nhưng vẫn còn đọng lại một điều gì đó quá nặng nề với người đời.

Từ chuyện tích này, dân gian có thành ngữ “oan Thị Kính” để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không sao giãi bày được.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)