VNTB – Trong khu phạm nhân tử hình

VNTB – Trong khu phạm nhân tử hình

Ghi chép của Lynn Huỳnh


(VNTB) – Bị cáo đã bị tuyên án tử hình, với họ, từ nửa đêm về sáng, đó là khung giờ của quỷ; và thời gian khác trong ngày gần như là địa ngục đọa đày cho cả người tù, bạn tù, đến luôn giám thị. Và tử tù Hồ Duy Hải đã có cả chục năm như vậy, ông không tâm thần đã là một may mắn lắm rồi.

 

Luật sư Lê Hùng nói rằng trong thời gian làm luật sư, ông phải tiếp xúc với nhiều bị cáo đã bị tuyên án tử hình ở nhiều trại giam khác nhau. Nay nhân vụ án giám đốc thẩm đang lùm xùm tận nghị trường Quốc hội, ông muốn thuật lại để mọi người biết thêm. Ông kể:

Thủ tục gặp phạm nhân tử hình rất chặt chẽ, trại vẫn cho người nhà gặp phạm nhân qua nhiều lớp rào ngăn cách. Khi đi xác minh vụ án, tôi phải có giấy của toà án hoặc viện kiểm sát, và trải qua những thủ tục an ninh cần thiết. Có một vài lần, tôi được trực tiếp vào phòng giam để làm việc.

Theo nguyên tắc: các giám thị cũng chỉ nhắc tôi tự giác gửi lại các đồ bị cấm còn vẫn mang theo bút bi, sổ. Tôi cũng hỏi có được phép mang thuốc lá và hộp quẹt theo không ? Có được cho phạm nhân hút thuốc không? Ngần ngừ 1 giây giám thị cũng đồng ý và chỉ nói “không đưa bật lửa cho phạm nhân”.

Phòng giam tử tù thường được thiết kế tách rời với các khu giam giữ khác và nhiều lớp cửa để đảm bảo an ninh. Một dãy phòng giam được chia thành nhiều ô, mỗi ô có kích thước khoảng 3x4m có cửa ở chính giữa. Hai bên là hai bệ xi măng rộng khoảng gần 1 m, ở giữa là bể nước có nước khoảng 20cm.

Tử tù bị còng một chân và quay mặt ra cửa. Còng được rèn bằng thép gắn chặt xuống nền bằng một thanh ngang có lồng các khoen chữ U, một đầu mở thông ra ngoài, muốn mở phải mở phía ngoài tường, qua một ống thép xuyên qua tường ra phía ngoài.

Trên trần xà lim là một bóng đèn công suất nhỏ sáng suốt ngày đêm. Tử tù chỉ có thể nằm hoặc ngồi, vì một chân luôn luôn bị còng. Vệ sinh cá nhân đã có bể nước bên cạnh và bô nhựa sẽ do tù tự giác đến dọn dẹp hàng ngày.

Một tuần, cán bộ quản giáo sẽ tháo còng để đổi chân trái sang chân phải hoặc ngược lại. Tử tù gọi tiếng lóng là “đổi kèo”.

Tôi được sắp xếp một ghế dựa ngồi ngay cửa để làm việc trong suốt một buổi sáng. Trong phòng giam hôm đó có hai tử tù, nhưng tôi chỉ làm việc với một người. Phải nói là các giám thị của trại tử tù hết sức vất vả và phải chịu đựng rất nhiều. Thỉnh thoảng họ lại đi qua lại chỗ tôi ngồi để xem xét, nhưng tế nhị không can thiệp vào công việc của tôi.

Tử tù thường thức cả đêm và ngày thì ngủ. Ban đêm từ 1 đến 3g sáng là khoảng thời gian căng thẳng nhất chờ đợi tiếng kéo cửa sắt phía ngoài, nếu cửa mở và có người vào, có nghĩa là sẽ có tử tù ra pháp trường đền tội. Vì không được biết trước và luôn trong tâm trạng chờ đợi vào ban đêm nên tâm lý thường rất căng thẳng. Tử tù chỉ được thông báo quyết định bác ân xá của Chủ tịch nước khi được dẫn lên phòng làm thủ tục thi hành án.

Đến khoảng 5 – 6g sáng các tử tù mới bắt đầu ngủ. Các tử tù đều được ăn tiêu chuẩn phạm nhân bình thường ngày ba lần do các tù tự giác mang đến dưới sự giám sát của các giám thị. Thường là bữa trưa và bữa tối được chuyển đến sớm lúc 10g và 17g . Tôi đã nhìn thấy bữa cơm của họ trên đĩa nhựa mang vào, có thể nói chỉ hơi kém so với suất cơm công nghiệp một chút.

Vì là các tử tù nên họ nói chuyện với nhau giữa các phòng bằng cách hét to. Ví dụ người đầu dãy muốn nói với người cuối dãy thì các phòng sẽ hét lên nhắc lại để truyền khẩu. Có khi khóc lóc, chửi bới, thậm chí ném cả chất thải vào giám thị. Bởi vậy, làm giám thị các khu tử tù này rất vất vả và không bao giờ dùng bạo lực. Có những tử tù rất quý mến giám thị vì tình người.

Cũng đã từng cận kề và chứng kiến nhiều cái chết, nhưng mỗi lần đi gặp tử tù vì công việc, về đến nhà tôi vẫn bâng khuâng mất mấy ngày. Phạm nhân tử tù tôi gặp hôm đó được Chủ tịch nước ân xá và tôi cũng không có dịp gặp lại. Cũng còn những điều không thể kể ra vì có thể ảnh hưởng đến nhiều người nên tạm kể đến đây thôi…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)