Huyền Linh
(VNTB) – Tốc chiến, tốc thắng cho cuộc chiến tâm lý là điều cần ghi nhận ở trường hợp phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”.
Những ngày qua, “Đất rừng phương Nam” là từ khóa ‘hot’ nhất trên truyền thông cũng như mạng xã hội với những bình luận, tranh cãi không hồi kết. Ngay sau khi xuất hiện ý kiến phim xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, nhà sản xuất đã phải làm việc với Cục Điện ảnh chiều 14-0 để thẩm định lại và thống nhất việc sửa chữa những nội dung gây tranh cãi.
Theo đó, sau buổi làm việc, nhà sản xuất đã chủ động đề xuất với Cục Điện ảnh về việc sửa phần thoại trong phim, chuyển từ “Nghĩa Hoà Đoàn” thành “Nam Hoà Đoàn” và “Thiên Địa Hội” thành “Chính Nghĩa Hội”. Quá trình chỉnh sửa hoàn thành trong ngày 15-10.
Tính đến chiều 16-10, theo thống kê từ Box Office Vietnam, phim đã thu về gần 47 tỷ đồng với các suất chiếu dày đặc và tỷ lệ lấp đầy phòng chiếu rất cao.
Từ những bàn luận, tranh cãi quanh bộ phim này cho thấy đang có một cuộc chiến tranh tâm lý, và nói như cách mà Tuyên giáo Đảng nhìn đâu cũng dè chừng “thế lực thù địch”, thì lần này quả là sự dễ dãi chưa rõ chủ đích khi tiếp tục im lặng giữa ồn ào chỉ trích; thậm chí có cả ý kiến đẩy lên mức cao hơn về tính chính trị trong mối liên quan đến chuyến thăm Hà Nội sắp tới đây của ông chủ Tử Cấm Thành.
Giáo sư Phan Văn Trường – người đang là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế, kể về vấn đề “tâm lý chiến” trong kinh doanh, qua đó có thể liên tưởng đến cả việc dường như đang có cú áp-phe chính trị đang ‘mượn cớ’ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” để đẩy lên theo nhiều tầng nấc ngữ nghĩa; và dù cung bậc nào thì đều tựu trung cho thấy tham nhũng giờ đây đã như tế bào ung thư đã di căn khắp tế bào thể chế chính trị Việt Nam.
Giáo sư Phan Văn Trường, kể: Yếu tố lịch sử phải được coi như là một vũ khí tâm lý quan trọng trong cuộc thương thuyết. Tôi rất thích đọc lịch sử các nước nên đôi khi cảm thấy yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia nói chung.
Bạn có biết, trong suốt thời kỳ 1986-1995 tôi đã đi Trung Quốc rất nhiều lần để đưa đoàn vào những cuộc đàm phán tế nhị. Lần nào đọc diễn văn tôi cũng phải nhắc nhở là Tướng De Gaulle với tư cách là Tổng thống Cộng hòa Pháp đã là vị nguyên thủ đầu tiên công nhận Trung Quốc.
Đến khi tôi vô tình quên nói đến sự kiện lịch sử quan trọng này, người thông dịch viên cũng tự động dịch, dù bản chính không nói tới! Tất nhiên đó là lý do tại sao nước Pháp đã ký nhiều hợp đồng bên Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ này.
Có lúc ở Trung Quốc, công ty của tôi đang yếu thế so với công ty Nhật, thì chúng tôi đã nhắc lại những hành động của Nhật trong lịch sử cận đại tại Trung Quốc, song song với việc điều chỉnh tốt “bài vở” của mình, thì y như rằng ngay ngày hôm sau, nụ cười đã trở lại trong hàng ngũ thương thuyết với chúng tôi.
Khi đàm phán bên châu Âu cũng vậy, khi đối thủ là người Đức thì chỉ cần nhắc phớt qua lịch sử cận đại là ăn tiền. Cạnh tranh là cạnh tranh. Hợp đồng thì phải ký. Có thế thôi!
Yếu tố tâm lý cá nhân cũng đóng một vai trò lớn, bạn ạ.
Trong một cuộc thương thuyết về Metro Santiago tại Chile vào năm 1992, ông trưởng đoàn phe Chile có một quá trình cá nhân khá đặc biệt. Cái may là trong công ty của chúng tôi có một kỹ sư đứng tuổi là bạn đồng nghiệp xưa của vị trưởng đoàn này. Tôi liền nhường vai thương thuyết cho anh ta và chỉ giữ trách nhiệm điều hành.
Chẳng phải nói, chúng tôi đã đàm phán trong một bầu không khí thân mật, cho phép lướt qua một vài vấn đề tế nhị. Sự lướt qua này không phải là chúng tôi có ý bất chính, mà đó là chỗ yếu của chúng tôi và chúng tôi đã hứa sẽ điều chỉnh.
Và có một yếu tố không thể không nói đến là bẫy tâm lý. Trong các loại bẫy, hiệu quả nhất là bẫy xuống giá có điều kiện. Trên nguyên tắc, bẫy giống như một quầy bar, từ 4-6 giờ chiều thì bar hạ giá, uống hai chai bia chỉ tính giá một chai… giống như là happy hours vậy (những giờ vui hạ giá).
Vậy thế nào là “happy hours” khi bán một metro hoặc một nhà máy lọc nước? Chỉ khi nào sự cạnh tranh mạnh quá mà hy vọng hơi mong manh thì chúng tôi mới áp dụng chính sách này. Lúc đó, chúng tôi bất thình lình xin nói chuyện với cấp cao bên khách hàng, rằng sẵn sàng xuống giá thêm 10% nhưng với điều kiện mới (ví dụ thời gian xây dựng dài hơn, tiền đặt hàng cao hơn một chút…). Và chúng tôi chỉ cho khách hàng 24 tiếng để quyết định, và sẽ không xác nhận chuyện hạ giá qua văn bản viết.
Bạn ạ, tác dụng mạnh lắm, vì xuống thêm 10% trong một dự án 2 tỷ đô la, là xuống 200 triệu đô la rồi. Nếu là chủ đầu tư, bạn có dám từ chối không?
Cái bẫy này thường đặt các công ty địch thủ trong cuộc đấu thầu vào thế rất khó phản kháng, thứ nhất vì họ bán tín bán nghi, không tin là có thật, cho rằng khách hàng “dọa chơi” vậy thôi, vì không có văn bản viết. Thứ nhì là địch thủ bị đánh du kích, vì không thể nào phản ứng kịp: làm sao bố trí cho một cuộc xuống giá 200 triệu đô la trong vòng 24 tiếng đồng hồ?! Đôi khi hội đồng quản trị phải họp nhiều lần để lấy một quyết định như vậy!
Phía nhà đầu tư dự án, cũng phải phản ứng nhanh, tất nhiên họ sẽ đòi hỏi gia hạn để có thì giờ lấy quyết định, nhưng cuối cùng rất có nhiều khả năng là họ đầu hàng. Thế là cái bẫy tâm lý đã giúp cho bạn từ một thế tuyệt vọng chuyển sang là kẻ thắng thế.
Bẫy hay không bẫy, những yếu tố tâm lý có sức mạnh lay chuyển một thế cờ, thay đổi lòng tin của chủ đầu tư dự án. Điều cần nhấn mạnh là không phương kế nào có thể thay thế chất lượng của sản phẩm, tính cách tinh vi của công nghệ, tinh thần động viên của công ty của bạn. Cũng vì vậy yếu tố tâm lý chỉ giúp thêm mà không thay thế.
Tuy nhiên, nếu yếu về tâm lý, đường đi sẽ nhiều chông gai, cái giá phải trả để đi tới kết quả sẽ rất cao. Thử hỏi làm kinh doanh mà phải trả giá rất cao thì còn đâu là kinh doanh bền vững!…
… Và từ câu chuyện trên khi đặt trong diễn biến rất nhanh trong mấy ngày qua, sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 8, chuẩn bị bước sang thềm của kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 15, thì có vẻ “tình cờ” với ồn ào tranh luận của bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã khiến nghi ngờ của một cú áp-phe chính trị về trò chơi ‘xếp hình’ đang được ‘sắp đặt’…