Hoài Nguyễn
(VNTB) – “Công đoàn độc lập” vẫn là cụm từ nhạy cảm chính trị với nhà nước Việt Nam
Có thông tin tổ chức nhân quyền The 88 Project (Dự án 88) cho biết chính quyền Việt Nam vừa bắt giam ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời nguyên là Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU), với tội danh “làm lộ bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Vụ bắt giữ ông Tiến diễn ra ngay sau vụ bắt giữ một quan chức khác trong cơ quan quản lý lao động của Việt Nam là ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Bình được xem là một nhà cải cách lao động của chính phủ, người cũng bị bắt với tội danh tương tự như ông Tiến.
“Công đoàn độc lập” là căn nguyên chung cho cáo buộc.
Tính đến hiện tại thì nhà nước Việt Nam đang đánh đồng “công đoàn độc lập” là cũng có nghĩa “công đoàn đối lập” với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – một tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Nhà chức trách Việt Nam vẫn bị ám ảnh sự kiện “Công đoàn đoàn kết” ở Ba Lan những năm 1980 đã làm cho Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan mất vai trò lãnh đạo, để rồi dẫn tới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan sụp đổ.
Hà Nội tuyên truyền rằng, thực chất của việc lôi kéo công nhân lao động tham gia thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” chỉ là bước đầu tiên của tập hợp lực lượng để tiến tới mưu đồ sâu xa hơn là thành lập một tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cơ quan tuyên giáo định kiến rằng các thế lực từng bước đi đến hình thành một tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, lôi kéo những người lao động và công nhân xa rời Đảng, cố ý hay vô tình sớm muộn cũng sẽ tham gia tổ chức chống lại Đảng và Nhà nước. Do đó nếu những tổ chức này không được ngăn chặn thì sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm lung lạc niềm tin của người lao động và công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; sớm muộn cũng hình thành tổ chức đối lập với Đảng, thậm chí khi có điều kiện sẽ tiến tới tổ chức biểu tình, bạo loạn…
Tư cách cá nhân của một người hoạt động trong ngành luật, người viết đồng ý trên thực tế, một số đối tượng tổ chức khởi xướng và tự xưng “Công đoàn độc lập Việt Nam” nhưng lại không đăng ký, không tiến hành các thủ tục xin phép thành lập, và cũng không có kế hoạch, xu hướng xin phép thành lập. Điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật, hoạt động trái với quy định pháp luật.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, với những doanh nghiệp thật sự muốn thực thi quyền chọn lựa hình thức tổ chức công đoàn, thì cho đến nay họ vẫn không tìm thấy văn bản pháp lý nào hướng dẫn trình tự cho thực thi quyền này.
Trong lúc đó thì nếu tự thân các doanh nghiệp ý kiến đòi hỏi về quyền này lại dễ bị chụp mũ chống đối chế độ, là “diễn biến hòa bình”, là mầm mống “thế lực phản động” cần phải triệt để “dập tắt”.
Với tình cảnh nhạy cảm chính trị hiện tại, người viết bài này nghĩ rằng một khi người lao động chưa tham gia tổ chức công đoàn, hay muốn thay đổi tổ chức công đoàn qua việc thành lập “tổ chức đại diện của người lao động” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho một nhóm lao động nào đó, thì nhà nước nên cởi mở, cho phép trong khuôn khổ gọi là “đúng quy định pháp luật”.
Rất mong trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tạo cơ hội để phát triển tổ chức này theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước; và đương nhiên là phải đúng quy định của pháp luật liên quan về quyền này theo thỏa thuận về các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.