Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bàn về quyền tự do xuất bản

Nguyễn Nam

(VNTB) – Vì chúng tôi tin rằng “tự do không miễn phí”.

Thư ngỏ trên trang web của nhà xuất bản Tự Do có câu như trên – https://nhaxuatbantudo.com/. “Miễn phí” ở đây không hẳn hiểu theo nghĩa của tiền bạc, mà là ‘khoản phí’ để vượt qua sự sợ hãi của quyền tự do xuất bản.

Chính trị hóa quan hệ dân sự?

Bài viết trên Đài Á Châu Tự Do đặt vấn đề xoay quanh việc nhà xuất bản này được cho là mang tính đối kháng thuộc hàng cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Nhà Xuất Bản Tự do tại Việt Nam bị cho là ‘nguy hiểm’ phải truy bức!” – https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/liberated-publisher-being-crackdowned-01062020123626.html.

Thuần góc nhìn pháp luật, dễ nhận ra một điều bất thường ở đây, là thay vì “liên tục truy quét những người liên quan đến nhà xuất bản Tự Do” như tường trình của Đài Á Châu Tự Do, thì tại sao nhà chức trách Việt Nam không xem xét vụ việc theo quy định của Luật Xuất bản, cùng các văn bản dưới luật liên quan, như: Nghị định số 25/2018/NĐ-CP, Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT…

Theo bài báo của Đài Á Châu Tự Do, thì có vẻ mọi chuyện đang mang màu sắc chính trị cực đoan, thay vì đơn giản đó là “quyền công dân về chính trị” ghi tại Điều 14.1 Hiến pháp 2013.

“Mình tham gia với nhà xuất bản Tự Do với mong muốn người đọc ở Việt Nam được tiếp cận đến những thông tin đa chiều, những thông tin mà lâu nay nhà nước vẫn kiểm soát để cho nhiều người biết được sự thật nhiều hơn, người dân thì có nhiều kiến thức áp dụng trong cuộc sống cũng như trong quá trình đấu tranh chính trị tại Việt Nam.

Họ (an ninh – PV) đến chỗ làm việc của mình để điều tra. Mình cảm giác không an toàn nên đã đi lánh. Sau khi mình đi tầm một tuần thì ở nhà mình lúc đấy chỉ có em mình ở nhà thôi. Họ vào khám nhà và thu hết những giấy tờ của mình và một số giấy tờ của gia đình người thân nữa, bằng cấp, máy tính các thứ của mình.

Sau đó thì em mình bị lên làm việc với công an từ sáng cho đến 7, 8 giờ tối mới thả. Và từ hôm đó đến nay thì họ liên tục yêu cầu lên để làm việc để họ trả một số giấy tờ” (Hết trích).

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào cuối tháng 7/2019, đại diện nhà xuất bản Tự Do nói rằng: “Sự cai trị độc đoán và kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Việt Nam đã dần biến Tự Do thành một cái gì đó rất xa xỉ đối với người Việt, vì vậy với mong muốn giúp người dân Việt Nam tiếp cận với kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại và vén bức màn sắt đang bao phủ lên đời sống xã hội Việt Nam, cũng như góp phần thúc đẩy một ngành in ấn, xuất bản thật sự độc lập, chúng tôi muốn mục tiêu của mình thể hiện ở ngay từ cái tên của nhà xuất bản. Đó là tự do sáng tác, truyền thông báo chí tự do, xuất bản tự do, tự do học thuật, và cái tên Nhà xuất bản Tự Do đã ra đời như chính mục tiêu và lý do mà nó tồn tại” – https://www.voatiengviet.com/a/nxb-tu-do-bi-dong-tai-khoan-vi-thach-thuc-su-kiem-duyet-cua-nha-nuoc/5029204.html.

Theo tường trình như kể trên qua hai kênh truyền thông nước ngoài, cho thấy nhà chức trách Việt Nam đã chọn theo hướng ‘chính trị hóa cực đoan’ một quan hệ dân sự là ‘xuất bản’; và xâm phạm thô bạo “quyền công dân về chính trị” ghi tại Điều 14.1 Hiến pháp 2013.

Việc ‘chính trị hóa’ này tương tự như chính quyền đang quyết liệt ngăn chặn tiếng nói phản biện ôn hòa bằng quyền tự do báo chí của nhà báo Phạm Chí Dũng. Hôm 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng đã bị cáo buộc “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ông Dũng vẫn chưa được trao trả lại quyền tự do.

“Tự do không miễn phí”

Cho đến nay việc thành lập nhà xuất bản ngay tại Việt Nam, nhưng không chịu những giới hạn về quyền tự do học thuật, tự do tư tưởng của Luật Xuất bản các phiên bản từ 2004, 2008, 2012, 2018 có thể kể đến: Giấy Vụn của nhà thơ Bùi Chát; Cửa của họa sĩ Trịnh Cung và nhà văn Nguyễn Viện; Lề Bên Trái của nhà văn Đào Hiếu; Tùy Tiện của nhà thơ Bỉm; Minh Châu của nhà thơ Đoàn Minh Châu; Da Vàng của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tân; Một Mình của nhà văn Cung Tích Biền; Mũi Tên của nhà thơ Liêu Thái,…

Tuy nhiên, thứ nhất, tất cả các nhà xuất bản này đều xuất hiện sau Giấy Vụn; và thứ hai, thường chỉ để tự xuất bản sách của người sáng lập, do đó, số lượng đầu sách rất hiếm, có khi chỉ có một, họa hoằn hơn mới có nhà xuất bản in được năm ba cuốn.

Về hình thức, dù chỉ xuất bản dưới hình thức ‘in vi tính’, nhưng cuốn sách nào của Giấy Vụn cũng đẹp. Đẹp từ cách trình bày bìa đến cách chọn giấy, chọn phông chữ và chọn tranh minh họa… Hiện tại không rõ lý do vì sao nhà xuất bản Giấy Vụn đã dừng hoạt động. Một nhà xuất bản mới cũng vừa xuất hiện mang tên Kiến Tạo.

Xem ra cái giá của Tự Do chưa bao giờ là rẻ!

 

(tham khảo thêm: https://www.voatiengviet.com/a/pham-doan-trang-phan-khang-phi-bao-luc/5016938.html)

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thông tin về vụ án khởi tố nhà báo tự do Phạm Chí Dũng

Phan Thanh Hung

VNTB – Nền dân chủ toàn cầu “lao dốc”

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam chỉ trích chính sách ‘Zero Covid’ của Trung Quốc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo