Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bí mật của Temu ở Việt Nam 

Phạm Trọng Chinh

 

(VNTB) – Temu bị đối chiếu chan chat hàng ngày với những Shopee, Lazada, Tiktok shop… ở Việt Nam chứ không “dễ ăn” như các nước khác. 

 

Sau một tháng Temu làm mưa làm gió ở Việt Nam (dù mới nộp đơn xin hoạt động hợp pháp hôm 24/10, nhưng đã quảng cáo, tìm kiếm đối tác…từ trước) có thể đúc kết nhanh… 

Một số điều “bật mí” về hoạt động của Temu ở Việt Nam

Một số điều “sâu thẳm” đang bộc lộ từ Temu:

– Temu nắm chắc tâm lý người tiêu dùng VN bình dân, có mấy điểm chính: ham rẻ (không ít người thấy rẻ là vơ liên tiếp không ngại đem rác về nhà), tò mò (nghe đồn đại là muốn thử), tinh thần “cá độ” luôn sôi nổi (tổ chức quay vòng số) và dễ thay đổi.

– Temu nghĩ là luật pháp Việt Nam đâu cần tôn trọng, hoặc có thể bằng cách nào đó là tạo ra vùng cấm, nên không cần xin phép hoạt động.

– Temu dần thấu hiểu, ở thị trường Việt Nam (khá giống thị trường các nước Đông Nam Á) hàng Trung Quốc giá rẻ đã tràn ngập các sàn Thương Mại điện tử lâu nay rồi. Thậm chí, Shopee cũng đã cạnh tranh với các sàn khác bằng cách khơi nguồn hàng tại chính các “ổ” làm hàng rẻ tận Trung Quốc, dẫn dắt một “phong trào gia công hàng từ Trung Quốc” thay cho kiểu làm ăn rất giàu trước đây là chạy ù qua Quảng Châu mua hàng về bán giá tăng nhiều lần (và có khi làm giả hàng Âu Mỹ thì tăng vọt).

Điều này là hoàn toàn khác các nước Âu Mỹ là dù hàng rẻ Trung Quốc có len vào nhưng không “đại trà” như ở Việt Nam từ lâu nay.

Cái khác biệt dẫn tới khó khăn này khiến cho Temu bị đối chiếu chan chat hàng ngày với những Shopee, Lazada, Tiktok shop… ở Việt Nam chứ không “dễ ăn” như các nước khác. 

Thái độ phản ứng của người tiêu dùng Việt Nam trong tháng qua 

Vì vậy, thử xem thông tin qua điều tra, nghiên cứu khách quan người tiêu dùng trong tháng 10/2024. Theo số liệu từ SocialHeat thuộc YouNet Media, từ ngày 25/9 đến 25/10, số ý kiến người tiêu dùng thảo luận trên các mạng xã hội về Temu tăng mạnh, với hơn 410.000 lượt tương tác và 36.850 bài thảo luận.

Nên nhớ, từ ngày 22/10, Temu đã ném ra một chiêu rất lợi hại: chương trình tiếp thị liên kết, đã thu hút sự quan tâm lớn, khiến lượng người Việt vào mạng xã hội thảo luận về mối lợi nóng hổi này tăng lên 400% chỉ trong ba ngày. Tuy nhiên, trong khi một số người thấy đây là cơ hội kiếm tiền hấp dẫn, nhiều người khác cảnh giác về tính hợp pháp của sàn và cách thức hoạt động của chương trình.

Về trải nghiệm mua sắm, người tiêu dùng cho rằng giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí cao hơn so với Shopee. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ vận chuyển cũng bị chỉ trích, với thời gian giao hàng chậm và quy trình đổi trả phức tạp. Hơn nữa, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng và rủi ro bảo mật khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.

Tóm lại, Temu đang thực sự đối mặt với nhiều thách thức để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Việt Nam, dù chương trình tiếp thị liên kết đã tạo được sự chú ý.

Temu bất lợi vì hoạt động bất hợp pháp

Quốc Hội Việt nam đang họp đúng vào lúc Sở Công Thương TPHCM và nhiều tổ chức tiêu dùng nêu vấn đề “bất công về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam trên cùng thị trường nội địa. Ví dụ nhãn tiền, bất kỳ DN Việt nào muốn khuyến mãi cũng đều phải xin phép, và cấm khuyến mãi trên 50% giá trị sản phẩm. Vậy mà, Temu đến trước cửa, rồi xông đại vô nhà (chưa được phép), đã rầm rộ rao giảm giá đến 90%.

Vì thế các đại biểu Quốc hội xôn xao yêu cầu Bộ Công Thương “làm việc”. Và đây, báo chí Việt Nam đăng tin chính thức: Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật, cần thiết có thể ‘chặn’ ngay

Bộ Công Thương vừa yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số liên hệ với nền tảng Temu nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam. Theo đó, các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, và 1688 hoạt động tại Việt Nam mà chưa đăng ký với Bộ Công Thương, đã quảng cáo thu hút sự chú ý từ người tiêu dùng là bất hợp. Bộ khuyến cáo người dân thận trọng khi mua sắm trên các nền tảng này và không giao dịch với nền tảng chưa được đăng ký chính thức.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu qua các nền tảng TMĐT chưa tuân thủ quy định, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có giải pháp ngăn chặn nếu cần. Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ kho hàng, các điểm tập kết hàng hóa của những nền tảng TMĐT này. Và Bộ cũng nhấn mạnh cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường thanh tra, và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Thị trường Thái Lan, người tiêu dùng phản ứng ra sao? 

Ở  Thái Lan hiện nay đang có làn sóng phản đối Temu trên mạng xã hội một cách đồng loạt và rầm rộ. Temu đối phó khá mệt mỏi.

Sau 1 năm 3 tháng trải nghiệm mua sắm với Temu, người tiêu dùng thấy nhiều điểm tiêu cực hơn tích cực. Qua làn sóng mạng xã hội này thấy “sức đề kháng” cộng đồng của người tiêu dùng Thái là rõ ràng, sòng phẳng.

Một cuộc khảo sát thú vị: người ta chọn những sản phẩm giống nhau khoảng 90%, nghĩa là hoàn toàn thay thế nhau được giữa Temu và Shopee, Lazada, Tiktok để so sánh cụ thể thì trong 1 năm qua thì Temu không có rẻ hơn (Thêm một ví dụ giải thích tại sao Temu “càn quét” mà các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện tại cũng đang sống khoẻ). Dù rằng người Thái cũng nói là quá sớm để nói đến những tác động dài hạn nhưng người Thái đang bình tĩnh và bàn các giải pháp toàn diện để bảo vệ nền sản xuất trong nước lâu dài.

Ngay ở “quê hương” của hàng giá rẻ: Chính phủ cũng chịu không nổi với kiểu cảnh tranh “rẻ bất chấp”

Cuối cùng tôi cập nhật thông tin một chút cho các đối tác liên kết hay các tiểu thương đang hào hứng gia nhập đội ngũ bán hàng cho Temu. Rằng chúng ta cần biết: dù nhà nước Trung Quốc chủ trương “bán tống bán thào” hàng Tàu ra ngoài (vì lượng sản xuất đang thừa ứ và sức mua nội địa đang giảm) nhưng chính người bán, nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang lao đao vì các sàn thương mại điện tử.

Các sàn TMĐT nội địa Trung Quốc đang chạy đua điên cuồng để giữ chân khách hàng bằng mọi cách, mọi giá. Các sàn như Temu, Taobao hay 1688 đã cố gắng giữ chân người mua nội địa bằng đủ mọi chiêu thức. Từ chính sách giảm giá đến 90%, đến miễn phí giao nhận, miễn phí đổi trả hàng và đặc biệt là chính sách hoàn tiền mà không cần trả hàng (no-return refund) nhằm giữ rịt người dùng. Các sàn này cũng “xuất khẩu” chính sách no-return refund này sang nhiều nước trên thế giới, gây hậu quả là nền sản xuất nội địa các nước này bị nước đình đốn.

Sàn Pinduoduo đã ra chính sách là cho phép người mua được hoàn lại tiền mà không cần trả lại sản phẩm, nhằm gia tăng niềm tin và tiện lợi cho khách hàng. Dẫn tới tình trạng lạm dụng chính sách của người mua, dẫn đến giảm lợi nhuận của nhà bán hàng.

Khi Pinduoduo bắt đầu thu hút bớt khách của các sàn khác bằng “chiêu” này, các đối thủ lâu đời hơn phản ứng bằng cách thực hiện y chang chính sách này. Chính sách kỳ quái này khiến hơn 20% người bán thua lỗ nặng.

Hậu quả đang diễn ra: người bán, nhà sản xuất Trung Quốc lao đao, có đến 21% người bán hàng thua lỗ nặng nề khi người mua lạm dụng chính sách “hoàn tiền mà không cần trả hàng” (no-return refund).

Đầu tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành “Quy định tạm thời về chống cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại trực tuyến” có hiệu lực từ 1-9. Theo đó, các nền tảng không được áp đặt chính sách vô lý với các giao dịch và giá cả của người bán.

Tạm kết luận 

Sự đời, tình thế hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam giờ có muốn né hàng giá rẻ của TQ là cực kỳ khó. Vì nếu vốn dĩ không có Temu thì các sàn TMĐT có sẵn cũng đã bán rần rần loại hàng đó tràn ngập VN rồi.

Vậy vấn đề của tầm nhìn xa là phải bắt kịp đà phát triển của Doanh nghiệp nhỏ tương đương ở TQ.

Chúng ta không có thói quen ngồi chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước (ước gì được một phần mười của chính phủ Trung Quốc). Vậy thì ngẫm nghĩ kỹ về thực trạng và thay đổi thôi. Thay đổi, hành động quyết liệt để giành giật lại người tiêu dùng là mệnh lệnh không thể trì hoãn lúc này. Tạo dựng “sức đề kháng của doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt” mới là giải pháp bền vững của chúng ta.

______________________

Nguồn: BÍ MẬT CỦA TEMU Ở VIỆT NAM

 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phải thấy là Temu đã hiện diện và kinh doanh ở Việt Nam rồi

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: Vui buồn mua hàng trực tuyến

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Hồi kết của đại án test kit Việt Á và ai là “TRÙM cuối”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo