Việt Nam Thời Báo

VNTB- Biển đứng dậy!

Quang Nguyên

(VNTB) – Hôm nay thanh niên, sinh viên học sinh cũng không từ chối trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc. Sau một thời gian dài bị ru ngủ, bị kềm kẹp, họ đã vươn vai “Dậy mà đi”. Bài hát một thời hừng hực lửa Sài Gòn.

Một thời hừng hực lửa Sài Gòn

Trên các trang thông tin mạng, thấy hình ảnh hàng đoàn người xuống đường vì môi trường, vì cuộc sống của đồng bào, tự nhiên ngân ngấn nước mắt. Nhìn thấy những khuôn mặt trẻ đẹp, đầy tin tưởng, thấy mình cũng tự hào. Nhìn cảnh sát công an nhè đầu, mặt dân đánh đập đến đổ máu thấy lòng mình quặn lại.

Nhớ những năm về trước, thời chiến dữ dội, trong lúc chính quyền miền Nam VN có thể nhân danh bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, bảo đảm quyền lợi quốc gia để trấn áp biểu tình ôn hòa thì họ đã không làm thế. Hàng ngàn sinh viên, học sinh, những người cũng tươi trẻ, trong sáng và sục sôi lòng yêu nước như những người trẻ hôm nay, giữa thủ đô Sài Gòn của cái gọi là “Bọn Ngụy quân, ngụy quyền”, thanh niên, sinh viên học sinh (TNSVHS) cũng từng đổ ra đường chống chính phủ. Họ chống chính phủ và họ đã từng lật đổ chính phủ. Họ đã từng xóa bỏ Hiến Chương Vũng Tàu do các tướng lãnh, đứng đầu là Thủ tướng, Đại tướng Nguyễn Khánh ký. Trong vòng hai ngày, hàng ngàn người, liên tục biểu tình ngồi trong hết đợt nắng hầm hập lửa từ trời xuống, đến tiếp theo mưa nghi ngút hơi nước từ mặt đường bốc lên. Họ ngồi lỳ trên đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn). Các chị, các bà, các mẹ mang thức ăn, nước uống tiếp sức, “Tên quân phiệt Nguyễn Khánh” hôm sau từ dinh Thủ Tướng đi ra, trèo lên mui một chiếc xe hơi, cùng giơ tay đả đảo bản Hiến chương ký chưa ráo mực. Thanh niên, sinh viên, học sinh, những người con yêu của tổ quốc, tương lai của tổ quốc ngày ấy như thế đó.

Ngày hôm nay, sau hơn 40 năm hầu hết vắng bóng, tình yêu nước, yêu đồng bào của TNSVHS có lúc mờ nhạt, có lúc làm thất vọng các bậc đàn anh, đàn chị ngày xưa nay chợt bừng sáng, bừng sáng cùng một lúc từ Hà Nội đến Sài Gòn, làm bật tiếng nức nở sung sướng của đàn anh đàn chị, những người từng trong lửa đạn  biết đấu tranh cho lý tưởng của mình.

Hôm nay TNSVHS cũng không từ chối trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc. Sau một thời gian dài bị ru ngủ, bị kềm kẹp, họ đã vươn vai “Dậy mà đi”. Bài hát một thời hừng hực lửa Sài Gòn.
Họ là Biển


Từ những con cá chết làm người dân mất đường sống, từ biển ô nhiễm hại cả môi trường thân thiện, đe dọa cả đời sống đồng bào, TNSVHS đã đứng dậy. Bất cứ điều gì hại cho dân tộc, bất cứ kẻ nào xâm lược biển VN, bất cứ kẻ nào bán nước đều phải đối diện với họ. Họ ôm lấy tổ quốc của họ như biển ôm đất liền. VN phải có biển của VN, không ai có thể làm ô nhiễm biển VN, không ai có thể xâm phạm biển VN, không ai được hèn nhát để yên kẻ thù chiếm đảo, không ai được bán biển.

TNSVHS xuống đường đòi có một môi trường sạch không riêng cho họ, cho cả đồng bào , mà cho cả những người đàn áp họ, cho miếng cơm của người dân, cho miếng cơm cả của người đánh họ đổ máu.

Không biết người đánh, người cho phép đánh họ có biết xấu hổ không?

Người đánh cá trong Đường Xưa Mây Trắng của Nhất Hạnh yêu biển vì các đặc tính tuyệt vời của biển.

Đồng bào VN, TNSVHS Việt Nam  cũng yêu biển  vì ngoài những đặc tính của biển làm người dân chài của Nhất Hạnh yêu biển, biển còn là tổ quốc của họ.

Biển là chính họ.

Những người xuống đường hôm nay  cũng có các đặc tính của biển.

Họ là bãi cát thoai thoải hiền lành, dịu dàng ấm áp nâng niu chân người. dù người có dầy xéo họ. Họ kiên định không di dời như biển, họ ở đó, đón chờ người đến với họ dù đến để yêu họ hay đến để tàn phá họ. Họ chấp nhận  bất cứ ai từ đâu đến, và đến với họ, không ai còn phân biệt; mọi dòng sông mang tên khác nhau về đến biển không còn tên riêng nữa, tất cả là biển. Mọi người Việt vì nhân dân, vì tổ quốc, với biển, tất cả đều là Việt. Họ thanh tịnh không chấp nhận các thây ma, từ từ và giản dị đẩy nhẹ các thây ma về với nơi thuộc về nó.
Họ là Biển, không ai tách rời biển ra được. Dù một người cầm biểu ngữ trong nhà cũng là biển, dù hàng ngàn, chục ngàn người với biểu ngữ xuống đường ở bất cứ nơi nào trên trái đất cũng là biển, biển không vơi, không đầy.

Họ là Biển, đặc tính của biển là mặn, dù có bị phân chia, bắt bớ, đành đập bỏ tù thậm chí thủ tiêu họ vẫn mặn. Cả loài người sống nhờ muối của biển, chỉ có người vô ân mới phủ nhận biển. Và không thể là biển nếu trong biển không có người đẹp long lanh như xà cừ, san hô, ngọc quý, không có những con cá lớn đến hàng “do tuần” và cả nhưng sinh vật li ti như hạt bụi.
‘Nếu họ giết thầy’?


Cũng trong chương về biển này, Đại đức Punna  trình với Bụt là ông có ý về quê  hành đạo. Sinh quán của đại đức là đảo Sunaparanta, ở ngoài khơi biển Đông, Bụt hỏi:

– Tôi nghe nói vùng đó là một vùng chưa được khai hóa, những giống dân cư trú tại đó tính tình hung dữ và các vụ bạo động thường xảy ra luôn, không biết là thầy về đó hành đạo có tiện hay không.

Đại đức Punna bạch:

– Lạy Bụt, chính vì họ chưa được khai hóa cho nên chúng ta phải tới để giúp họ. Chính vì họ hung dữ và bạo động nên chúng ta phải đem đạo từ bi và phép hành xử bất bạo động đến. Con nghĩ là con có thể thành công ở đó được.

– Punna, nếu thầy đang thuyết pháp mà họ cứ tới la ó và chửi mắng vào mặt thầy thì thầy tính sao?

– Lạy Bụt, con nghĩ la ó và chửi mắng cũng chưa lấy gì làm dữ lắm. Họ cũng còn chưa liệng đá và đồ dơ vào con.

– Nhưng nếu họ liệng đá và đồ dơ vào thầy?

– Lạy Bụt, liệng đá và dồ dơ cũng chưa lấy gì làm dữ  lắm. Họ cũng còn chưa lấy gậy đánh vào con.

– Nhưng nếu họ lấy gậy đánh vào thầy?

Đại đức Punna cười:

– Lạy Bụt, như vậy họ cũng còn hiền lắm. Họ vẫn chưa giết con.

– Nhưng nếu như họ lỡ họ giết thầy?

– Điều nầy không xảy ra đâu, bạch đức Thế Tôn, mà dù nó có xảy ra đi nữa thì chết vì đạo lý từ bi và bất bạo động vẫn là một cái chết có ý nghĩa, có thể giáo dục người ta được. Lạy Bụt, người ta sống trên đời ai cũng phải có một lần chết, nếu cần chết vì lý tưởng từ bi và bất động, con sẽ không từ nan.

Bụt khen:

– Hay lắm Punna! Thầy có dư sức đi hành hóa tại xứ Sunaparanta. Tôi hỏi để các thầy khác cũng được nghe mà thôi, chứ riêng tôi, tôi không nghi ngờ gì về khả năng và lập trường bất bạo động của thày.
Biển, bản chất hiền hòa, bất bạo động, nhưng không gì cưỡng lại nó được. Biển sẽ mang đi tất cả rác rưởi.

Viết theo Đường Xưa Mây Trắng, Nhất Hạnh. NXB Lá Bối .

Tin bài liên quan:

VNTB – Tô Lâm là ai? ( bài 6)

Do Van Tien

VNTB- “Tác hại khôn lường” có bằng xả thải độc hại của nhà máy Formosa không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đức Giáo Hoàng đi thăm Việt Nam chỉ có lợi khi mang lại tự do cho tất cả các tôn giáo

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.