VNTB – Bình quân mỗi tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

VNTB – Bình quân mỗi tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Hàn Lam

 

(VNTB) – Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dường như phủ đều các ngành…

 

Những khó khăn đối mặt

Chuyện doanh nghiệp phải rời thương trường này, theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 20,3 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 ngàn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tức số giảm vẫn vượt xa con số thành lập mới đến những trên 5.000.

Có 5 khó khăn chính mà doanh nghiệp đối mặt, theo ghi nhận của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo gửi Thủ tướng, gồm: đơn hàng, dòng tiền, thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, tiếp cận vốn vay.

Theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp ở 4 tháng đầu năm nay đã hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.458 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (702 doanh nghiệp), xây dựng (480 doanh nghiệp), và kinh doanh bất động sản (410 doanh nghiệp).

Về phía Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 vào hôm 9-5-2024, thì 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%), và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

 

Phần nổi của tảng băng chìm?

Thời gian gần đây với hàng loạt vụ án liên quan hối lộ trong đấu thầu, còn cảnh báo nguy cơ tiềm tàng giờ đang là ‘phần nổi của tảng băng chìm’ về “nhà thầu thân hữu”.

Vụ đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu, Hậu “pháo”, Vạn Thịnh Phát… không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước, mất tài sản nhà nước và của nhà đầu tư, mà còn gây ra những hệ quả chính trị – xã hội, làm giảm lòng tin của người dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vào môi trường kinh doanh.

Vì vậy, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, Việt Nam còn phải đối mặt với một lực lượng doanh nghiệp thân hữu, sân sau.

Nhớ lúc còn đương chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất thật thà trong diễn văn tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức vào ngày 21-11-2018, có những phát biểu, như: “Tôi ở chính phủ 3 nhiệm kỳ rồi, tôi thấy nhiều lần nghe thường vụ đảng ủy nói rằng nhiều ông ở tù. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì rất nguy. Tức là bên trong có rất nhiều vấn đề” – “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết” – “Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”…

Trước đó, trong góp ý cho đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mà hội nghị Trung ương 7 thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, “Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia…”…

 

Hãy cảm nhận về sự minh bạch

Hiện tại thì nếu tìm hiểu lại một số vụ chào thầu – thắng thầu sẽ cảm nhận về sự minh bạch trong đấu thầu.

Đơn cử, Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE), chủ đầu tư Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu BDAF – 07 xây dựng tuyến ống thu gom nước thải cấp 1, 2 và trạm bơm nâng (lưu vực Rạch Cái Cầu), thì liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư Tư vấn và Xây dựng Thép Mới – Tổng công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) trúng thầu với giá hơn 472 tỷ đồng và hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh với thời gian 15 tháng. So với giá gói thầu 475,1 tỷ đồng, tỷ lệ giảm thầu chỉ là 0,62%, mặc dù đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi.

Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong số 4 nhà thầu tham gia, có 2 nhà thầu không đạt điểm kỹ thuật (liên danh Sông Đà 9 – VIC và Công ty cổ phần Xây dựng số 5) và tới vòng chấm tài chính, liên danh Thép Mới – VIWASEEN đã vượt qua liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đại Phú Thịnh với một nhà thầu Hàn Quốc do có giá chào thấp hơn.

Cần phải nhắc lại rằng, đây là gói thầu thứ 2 nhà thầu Thép Mới trúng tại các dự án do BIWASE làm chủ đầu tư, bởi trước đó, nhà thầu này liên danh với Công ty cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng thầu gói thầu xây dựng nhà máy xử lý, các trạm bơm và lắp đặt thiết bị, hệ thống điện phụ trợ, điện chiếu sáng Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Người thắng, kẻ thua tại cuộc thầu BDAF-07 không hẳn là đối thủ của nhau tại sân thầu BIWASE, nếu không muốn nói là các gương mặt này đã trở thành “thân hữu” khi lần lượt thay nhau thắng các gói có giá thầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài gói thầu nêu trên, nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng số 5 từng trúng 3 gói thầu khác do BIWASE làm chủ đầu tư trong tư cách độc lập, với tổng giá trúng thầu trên 1.316 tỷ đồng. Cụ thể, 2 gói thầu thuộc Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An bao gồm gói BDAF – 08, gói BDAF- 06 và gói thầu số 3A thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên.

Còn về nhà thầu Công ty TNHH Đại Phú Thịnh, mặc dù trượt thầu gói BDAF – 07, song “gương mặt thân quen” này cũng từng trúng 2 gói thầu thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An – Thuận An – Tân Uyên của BIWASE…

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)