VNTB – Bộ trưởng Bộ Y tế: Xét nghiệm toàn dân để bóc tách ca nhiễm, không còn cách nào khác

VNTB – Bộ trưởng Bộ Y tế: Xét nghiệm toàn dân để bóc tách ca nhiễm, không còn cách nào khác

Đông Đô

 

(VNTB) – Trước ý kiến cho rằng, việc Hà Nội xét nghiệm Covid-19 toàn dân là lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định không còn biện pháp nào khác.

 

Kiên quyết ‘bóc – tách’ F0 để… không lây lan cộng đồng?

“Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi của TP.HCM hay Khánh Hòa… Đó là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Trước một số ý kiến cho rằng Hà Nội thực hiện xét nghiệm 100% toàn dân sẽ lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm, không có cách nào khác để ngăn chặn phát hiện sớm nếu không xét nghiệm.

“Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn phải có người lây nhiễm”, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.

Với các phát biểu được báo chí ghi nhận như trích dẫn ở trên trong chuyến thị sát Hà Nội vào sáng ngày 10-9-2021 của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cho thấy mâu thuẫn với các quan điểm của nhiều chính khách và nhà chuyên môn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đồng ý rằng ‘tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng’ là điều bất khả thi. “TP.HCM nên mở cửa dần trở lại, chậm nhưng phải chắc thay vì cứ mãi giãn cách nghiêm ngặt trong bối cảnh không thể quét sạch F0”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói trong buổi làm việc với UBND quận 7 ngày 5-9-2021.

Thực tế tại TP.HCM thời gian qua thực hiện theo đúng mệnh lệnh của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dưới sự giám sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về “phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng”, cho kết quả của việc buộc ‘bệnh nhân’ Covid triệu chứng nhẹ nhập viện là sai lầm lớn, bởi các bệnh nhân triệu chứng nhẹ nếu để chăm sóc tại gia đình thì điều kiện chăm sóc sẽ tốt hơn nhiều lần so với kiểu đưa tất cả F0 vào các bệnh viện dã chiến.

Đa phần bệnh nhân ở các bệnh viện sẽ suy kiệt sức khoẻ, chết vì suy kiệt sức khoẻ trước khi chết vì Covid.

Không chỉ vậy, lệnh buộc rào chắn cả khu phố khi dãy phố đó có 1 ca F0 đưa đến hệ lụy khi cần đưa xe cấp cứu hoặc xe cứu hoả đến khu vực xảy ra cháy và cần cấp cứu, trở nên là điều hết sức khó khăn.

Bảo thủ khoa học hay lợi ích nhóm sinh phẩm y tế?

Mục đích của xét nghiệm đại trà là để phát hiện ra các ca nhiễm, “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng nhằm tránh lây lan trên diện rộng, từ đó, khống chế dịch bệnh. Đây là mục đích rất tốt, nếu như, một, xét nghiệm riêng từng người tại nơi họ sinh sống, hoặc nơi làm việc, hoặc ở một nơi không tụ tập đông người.

Hai, sau khi xét nghiệm xong, dù phát hiện ra người nhiễm hay người không nhiễm, thì cũng phải tạm thời “cách ly” họ luôn, vì: (1) Nếu nhiễm mà chưa trở nặng, thì để họ tự cách ly và tự chăm sóc theo phác đồ hướng dẫn của cơ quan y tế, hoặc phân tầng điều trị ngay. (2) Nếu họ không nhiễm thì cũng tạm thời “cách ly” họ cho đến khi xét nghiệm đại trà hoàn thành, bởi nếu không, họ sẽ bị nhiễm, nếu sau khi xét nghiệm, họ tiếp xúc với người bị nhiễm, mà người đó chưa được phát hiện, thì phải xét nghiệm lại. Như vậy, sẽ không xác định được hồi kết thúc của vòng tròn xét nghiệm.

Thế nhưng từ những gì đã diễn ra ở TP.HCM suốt ròng rã mấy tháng trời cho thấy dù đây là đô thị đóng góp ngân sách nhiều nhất nước, song vẫn không thể làm được 2 điều như đã nói  ở trên, nên mục đích xét nghiệm đại trà không thể đạt được.

Như vậy, thì không nên làm, vì các lẽ như sau: Tốn kém nhân lực và vật lực, mà nhẽ ra cần tập trung nhân lực, vật lực ấy cho những cơ sở khám và điều trị khác đang rất thiếu, rất cấp bách. Không thể truy vết tận cùng và “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng, bởi đặc trưng nổi bật nhất của chủng Delta lần này là khó phát hiện triệu chứng. Lãng phí thời gian của cá nhân và xã hội, nhất là thời gian của đội ngũ y, bác sĩ lúc này quý hơn vàng. Vô hình trung tạo ra những đám đông tụ tập, có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, tạo cơ hội phát tán dịch bệnh theo cấp số nhân.

Nếu vẫn tiếp tục bảo thủ cho mệnh lệnh “phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng”, cho thấy hưởng lợi rõ nhất là từ nơi cung cấp sinh phẩm phục vụ xét nghiệm “tách toàn bộ F0”. Đây là một hành vi có dấu hiệu tiêu cực y tế, mà nói như tinh thần của cuộc họp ngày 10-9-2021 của Bộ Chính trị, là phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với phòng, chống tiêu cực, trong phần lấy ý kiến về đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)