Việt Nam Thời Báo

VNTB- Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi Mỹ làm gì?

Minh Quân

(VNTB) – Vấn đề mấu chốt là liệu Thủ tướng Phúc có được tiếp đón một cách tương xứng bởi giới chức Hoa Kỳ, và có thể với tay đến một kết quả khả dĩ nào, đặc biệt về Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) đang trong quá trình rà soát lại các điều khoản mà Việt Nam quá cần đến.

  “Đu dây đa phương”: Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị


Tháng Tư năm 2017, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh một lần nữa tái hiện chủ thuyết “đu dây đa phương” với cử chỉ đi Trung Quốc trước rồi đi Mỹ liền sau đó.

Báo chí Việt Nam từng đưa tin ông Phạm Bình Minh sẽ đi Mỹ từ ngày 19 đến ngày 23 tháng Tư, tức trong thời gian 4 ngày. Tuy nhiên không hiểu sao, chuyến công du này đã bị rút ngắn chỉ còn 2 ngày.

Vào tháng Mười Một năm ngoái, nhân vật số 5 trong Bộ Chính trị Việt Nam là thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh đã dự kiến có chuyến công du đến một tuần lễ trên đất Mỹ, trong khi tiêu điểm của chuyến công du này chỉ là cuộc gặp mang tính “thăm dò” vẻn vẹn vài chục phút với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Có thể cho rằng vào lần này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson có vẻ rất bận, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên đang đột ngột gia tăng căng thẳng, còn chính quyền Trump đang phải xử lý rất nhiều vụ việc trong nước.

Vậy Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi Mỹ làm gì? Có thể đạt được những gì?

Chi tiết đáng chú ý là chỉ sát ngày Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi Mỹ, báo đảng Việt Nam mới cho biết ngoài một số nội dung ông Minh sẽ bàn với phía Mỹ về an ninh, quốc phòng, thương mại, hai bên còn “tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn và xây dựng để xử lý các vấn đề khác biệt”. Tức chủ đề muôn thuở: nhân quyền.

Vào cuối năm 2016, cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ nằm trong kế hoạch lại không diễn ra. Đó cũng là thời gian mà chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp và bắt bớ giới hoạt động nhân quyền. Một trong những nhà đấu tranh nhân quyền và phản đối Formosa là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang, Khánh Hòa đã bị công an tống giam từ đó cho tới nay.

Nhưng sau khi xuất hiện gợi ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Hoa Kỳ” trên trang facebook của Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 3/2017, cùng hàng loạt chuyến “quốc tế vận” của giới ngoại giao và quốc hội Việt Nam, cho tới thời điểm này vẫn chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chịu nhân nhượng bất kỳ nội dung nào trong “gói cải thiện nhân quyền” mà người Mỹ, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, đặt lại.

Vào đầu tháng 4/2017, ông Murray Hiebert – cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ, và cũng là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về chính sự Việt Nam – đã có bài viết trên tờ Cogit Asia, cho biết một số tin tức đáng chú ý:

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến ​​sẽ thăm Washington để gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ngay sau đó, Thủ tướng Phúc, người nhậm chức năm ngoái, dự kiến ​​sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Washington. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đang có kế hoạch thăm Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc đàm phán về an ninh với quan chức quốc phòng Hoa Kỳ trong một hoặc hai tháng tới”.

Đã rõ là chuyến đi Mỹ của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh là nhằm “tiền trạm” cho chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tất nhiên, việc ông Phúc muốn đi Hoa Kỳ hoàn toàn không phải là vấn đề lớn, cũng như các đoàn ngoại giao và thương mại Việt Nam vẫn “kéo nhau hà rầm” đi Mỹ và châu Âu bằng tiền đóng thuế của dân. Nhưng vấn đề mấu chốt là liệu Thủ tướng Phúc có được tiếp đón một cách tương xứng bởi giới chức Hoa Kỳ, và có thể với tay đến một kết quả khả dĩ nào, đặc biệt về Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) đang trong quá trình rà soát lại các điều khoản mà Việt Nam quá cần đến.   

Dân biểu Mỹ Alan Lowenthal – một người nhiệt thành đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam – đã tuyên bố với Đài Á châu tự do:Tôi khẳng định với Ngài Đại sứ (Ted Osius) rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết hiệp định song phương thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có Hiệp định Thương mại song phương. Tùy thuộc vào Chính phủ Việt Nam thôi! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến Chính phủ Việt Nam”.

Tùy Việt Nam thôi!

Tin bài liên quan:

VNTB- ‘Chấp nhận mất mát để tích tụ ruộng đất’: Ai PR cho nhóm lợi ích chiếm đất của nông dân?

Phan Thanh Hung

VNTB- Bộ Chính trị lấy đâu ra tiền trả nợ cho “con tàu đắm”?

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Tái cơ cấu EVN’: Độc tài chính trị và độc quyền kinh doanh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo