VNTB – Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch đang bao biện?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Người dân, tư cách người tiêu dùng, họ được toàn quyền khen – chê về một sản phẩm nào đó, từ hàng hóa vật chất đến hàng hóa tinh thần.

 

Lùm xùm câu chuyện liên quan đến bộ phim “Đất rừng phương Nam” vẫn còn đang là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Từ phục trang, ngôn ngữ cho đến nhân vật, đều được mổ xẻ và đem ra bình luận. Quan tâm hơn nữa, có lẽ là câu hỏi Đất rừng phương Nam mạo danh phim nhà nước đặt hàng?

Theo đó, một văn bản được lưu trữ trên website của huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp để xin phép ghi hình đang làm dấy lên nghi ngại về việc nhà sản xuất “Đất rừng phương Nam” mạo danh phim nhà nước đặt hàng.

Cụ thể, Công văn số 01 ngày 12-10-2022 của Công ty Cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HKFILM) xin phép ghi hình ở Đồng Tháp, có đoạn: “Căn cứ công văn số 18676/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về việc phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam theo kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng 2022”.

Một văn bản khác cũng được đưa ra để đối chiếu với Công văn 01 là Quyết định số 1867, do Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, Tạ Quang Đông ký, phát hành ngày 14.6.2021 “Về việc phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam đăng ký kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng năm 2022”. Quyết định số 1867 có Điều 1 ghi: “Phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam của Công ty Cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê đăng ký kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng năm 2022”.

Thừa nhận và giải thích cho vấn đề này, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ VH-TT-DL, xác nhận với Thanh Niên: Quyết định 1867 do ông Tạ Quang Đông ký là thật. Theo đó, có thể hiểu, HKFILM đã được công nhận có “đăng ký xếp hàng” để Đất rừng phương Nam trở thành phim được Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, việc “xếp hàng” này không có nghĩa là phim này sẽ trở thành phim Nhà nước đặt hàng.

Có thể thấy, câu trả lời của ông Cục trưởng Cục Điện ảnh ở đây là một câu trả lời đầy tính chất bao biện. Vì sao? Giữa đăng ký xếp hàng và phê duyệt kịch bản là hai khái niệm hoàn toàn cách xa nhau, về chữ, về nghĩa cũng khác nhau. Ông Cục trưởng không thể buộc nhà làm phim phải hiểu phê duyệt kịch bản ở đây đồng nghĩa với đăng ký xếp hàng để trở thành phim được Nhà nước đặt hàng.

“Đăng ký xếp hàng chờ phê duyệt thì viết đăng ký xếp hàng đi, viết phê duyệt kịch bản để làm cái gì? Có người nói đây là trò chơi chữ nghĩa. Theo quan điểm của cá nhân tôi, câu trả lời là không. Văn bản pháp luật, văn bản anh ký đưa cho người dân buộc phải rõ ràng về chữ, về nghĩa.

Trong luật còn có phần định nghĩa nữa mà. Nên nhớ, đây là một văn bản mang tính chất pháp lý không phải là một tác phẩm văn học để anh có thể sử dụng các biện pháp tu từ, để người đọc muốn hiểu sao thì hiểu, ý tại ngôn ngoại. Hiểu sai không phải do lỗi của nhà làm phim, mà hiểu sai là do lỗi diễn đạt đến từ Bộ.

Nếu Bộ cho rằng lỗi của nhà làm phim, thì nên đưa Bộ vào diện thanh tra, bởi ngay cả tiếng mẹ đẻ, ngài Bộ trưởng còn không hiểu rõ. Vậy làm sao có thể phát huy nghệ thuật thứ bảy được?”.

Tựu trung lại, với hàng loạt những vấn đề xảy ra liên quan đến “Đất rừng phương Nam”, liệu có đúng những cái “sạn” đó xuất phát từ nhà làm phim? Hay chăng, nó còn là món quà vô hình cho một ai đó trong trò chơi “xếp hình” ở nhiệm kỳ khóa 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam?


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)