Mai Lan (thực hiện)
(VNTB) – Tiền nào của đó là những gì đang diễn ra trong chuyện đấu thầu thuốc điều trị ở bệnh viện; nó cũng như một tô hủ tiếu gõ vỉa hè và tô hủ tiếu Nam Vang trong quán vậy.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; TS. bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM; PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM đều phàn nàn việc tháo gỡ mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế quá chậm.
Những vướng mắc “muôn năm cũ” rồi
Ông Nguyễn Lân Hiếu cho hay, hiện có rất nhiều câu hỏi là trước dịch mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì nhưng hết dịch mua lại khó, song điều này không đúng.
“Trước dịch đã khó rồi mà sau dịch còn khó hơn vì những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm. Như Thông tư 14 năm 2020 về đấu thầu trang thiết bị y tế, Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế”, ông Hiếu nói, và đề xuất, hình thức đấu thầu hóa chất, vật tư hiệu quả nhất lúc này, theo ông là quay lại cái cũ, tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng chứ không đấu thầu tập trung.
“Tất cả các nơi đều khó khăn. Bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở nên cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân chứ chúng ta lại sợ trách nhiệm, đẩy lên trên”, ông Hiếu dẫn ví dụ một sở y tế có hàng chục ngàn mặt hàng để đấu thầu nhưng chỉ 1 – 2 mặt hàng trả nhầm giá, thông tin thế là dừng lại cả chục nghìn mặt hàng khác.
“Như vậy không kịp để phục vụ người dân. Bệnh viện là người sử dụng trực tiếp nên sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, số lượng, chất lượng những mặt hàng cần mua”, ông Hiếu nhận định.
Còn theo ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan, quy định đấu thầu “ngày càng phải rẻ” khiến các bệnh viện không tìm được nhà thầu – dẫn đến thiếu thuốc; nếu có thì chất lượng sụt giảm.
“Lượng bệnh nhân tăng sau dịch, việc dự trù thuốc của các bệnh viện căn cứ vào lượng sử dụng của năm 2021 nên hiện nay không đáp ứng kịp nhu cầu. Trong khi đó, để mua sắm thuốc theo gói thầu rộng rãi phải mất từ 3 đến 6 tháng.
Nguyên nhân chủ quan là tâm lý ngán ngại, lúng túng, sợ sai sót của nhân viên y tế trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh kiểm tra, điều tra về đấu thầu, mua sắm.
Tôi không ngạc nhiên trước tình trạng thiếu thuốc vì trong ngành đã nhiều lần phản ánh về bất cập trong cơ chế cung ứng, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Có thể nói Covid-19 như giọt nước làm tràn ly, biểu hiện bằng thực trạng thiếu thuốc như hiện nay. Theo tôi, quan trọng nhất là nguyên nhân chủ quan, đặt ra vấn đề liệu những quy trình đấu thầu của chúng ta có phù hợp không, cần giải quyết tận gốc vấn đề.
Sự việc đã xảy ra đến lúc này không thể chỉ dừng ở việc rà soát, sửa đổi quy định. Liệu chúng ta có nên mạnh dạn đặt ra vấn đề tại sao phải đấu thầu? Đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không là biện pháp tối ưu.
Quan trọng, mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ nguời bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất. Hợp lý chứ không có nghĩa rẻ nhất” – bà Phạm Khánh Phong Lan đặt thẳng vấn đề.
Cùng mối quan tâm, ông Nguyễn Tri Thức, dẫn chứng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT phải mua của các hãng độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3-4 tháng là hỏng, phải thay. Nhưng vì máy độc quyền của một hãng, nên khi thay bóng đèn hoặc các linh kiện kèm theo máy buộc phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được.
“Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu. Theo quy định, khi đấu thầu phải tham khảo 3 gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra gói giá khác để tham khảo”, ông Nguyễn Tri Thức nêu vướng mắc.
Khi máy móc cao cấp ở bệnh viện công hỏng khó sửa chữa thì bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo sẽ chịu thiệt thòi, không đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh. Bởi vì người có tiền thì có thể ra bệnh viện tư chữa trị. Nhưng người dân nghèo thì khó chi trả được giá dịch vụ ở bệnh viện tư.
Bộ Y tế: luật đã có, tại “vận dụng” kém (!?)
Trước hàng loạt ý kiến trên, ông Lê Thành Công, Vụ phó Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) nói rằng về cơ bản đã có đủ quy định pháp lý phục vụ mua sắm, đấu thầu.
Theo đó trong trường hợp như vướng mắc của Bệnh viện Chợ Rẫy, thì ở Điều 22 Luật Đấu thầu quy định cụ thể chỉ định thầu được áp dụng với gói thầu mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu trước do cần đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền. Như vậy, máy móc tại bệnh viện mua của hãng độc quyền, khi cần thay thế linh kiện, được áp dụng chỉ định thầu.
Về phản ánh bệnh viện gặp khó khăn khi mua máy cao cấp độc quyền, vì không có gói giá khác tham khảo, đại diện Bộ Y tế cho biết theo Thông tư 58 của Bộ Tài chính, có năm phương pháp làm căn cứ lập, xác định giá gói thầu. Các bệnh viện có thể áp dụng một trong năm phương pháp này.
Thứ nhất, căn cứ vào báo giá hàng hóa của ba đơn vị cung cấp khác nhau trên địa bàn để xác định giá gói thầu; nếu không đủ ba đơn vị trên địa bàn thì có thể tham khảo ở địa bàn khác, đảm bảo đủ ba báo giá.
Thứ hai là dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gồm chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm.
Thứ ba là kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá với loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.
Thứ tư là giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống, do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố, được khai thác qua Internet.
Thứ năm là giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
“Điều đó có nghĩa là các bệnh viện không chỉ có lựa chọn duy nhất (ba báo giá) để tham khảo khi mua máy cao cấp độc quyền mà có thể áp dụng một trong các phương pháp còn lại”, ông Công nói.
…Xem ra câu chuyện ở trên lại tiếp tục loay hoay chưa rõ hồi kết sẽ đến khi nào. Người bệnh cả nghèo và rủng rỉnh tiền bạc đều “lãnh đủ” là không gì phải bàn cãi ở đây…