Việt Nam Thời Báo

VNTB- Bội thu visa lãnh sự VN: ‘Ăn’ cả sữa của trẻ con!

(Hà Lan)


(VNTB) – Một lon sữa cho bé là 24,95 euro, một lần lạm thu của sứ quán là đến cả năm bảy lon sữa của con. Những ngày công lao động của chúng tôi đã bị chảy vào túi riêng của những người vốn được trả lương bằng tiền thuế của nhân dân và còn kiếm thêm thu nhập từ phần chi phí chênh lệch chúng tôi đã bị ép phải trả.
Chảy vào túi ai?
Các anh chị ở sứ quán bên tôi nghĩ chẳng phải lo tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm và hàng lô các chi phí khác như chúng tôi. Tiền ăn ở và đi lại đã được bao gần như trọn gói, kể cả tiền vé máy bay đi về thăm nhà nên lương là số dư mang về và tôi đồ rằng các anh chị không hưởng mức lương Việt nam khi phải bị đi công cán xa như thế. Vậy mà các anh chị lại nỡ mạnh tay thu tiền đồng bào ở xứ người. 

Tiền lương tối thiểu của một người lao động ở Hà lan là 7,25 euro trước thuế,với một ngày làm việc 7,5 mức lương ngày là 55 euro. Khi đi xin một hộ chiếu mới thì phải đóng 53 euro lệ phí, thời gian chờ để đuọc thu nhận hồ sơ và nộp tiền mất khoảng 15 phút. Nơi công dân phải đến để được cấp phát hộ chiếu thường chỉ cách nơi cư trú nhiều lắm 15 phút di chuyển. Vậy để có thể có được hộ chiếu mới người dân chỉ mất chừng 2 giờ đồng hồ. Nếu tính ra thì họ chỉ bị thiệt hai giờ lao động, tức 14,50 euro nếu đi làm vào ngày thường và 53 euro phí làm hộ chiếu. Ngoài ra công dân còn có nhận được cả hóa đơn và giấy hẹn đến lấy hộ chiếu.

Khi làm hộ chiếu Việt nam không ai chỉ mất có hai giờ đồng hồ, trừ những người ở cùng thành phố với nơi Đại sứ quán trú đóng, mà thông thường là một ngày làm việc. Lệ phí trước giờ vẫn bị nâng lên rất nhiều so với giá quy định. Nếu với mức bị lạm thu thấp nhất là 100 euro cho một cuốn hộ chiếu và 30 euro cho một giấy miễn thị thực; thì người dân đã bị mất đi từ một nửa đến hai ngày công lao động một cách vô lý cho nhân viên của nhà nước Việt nam ở tại Hà lan, chưa kể đến một ngày lương bị mất vì đi làm việc riêng và phí di chuyển. Như vậy, để có một hộ chiếu mới, công dân Việt nam đã phải chịu thiệt hại ít nhất 150 đến 200 euro. Những ngày công lao động của chúng tôi đã bị chảy vào túi riêng của những người vốn được trả lương bằng tiền thuế của nhân dân và còn kiếm thêm thu nhập từ phần chi phí chênh lệch chúng tôi đã bị ép phải trả.

Lãnh sự VN ‘ăn’ cả sữa của bé!

Bồi dưỡng chỉ dành cho những ai suy dinh dưỡng hay những người phải lao động cực nhọc nên mất sức. Tiền bồi dưỡng chỉ dành cho những người làm dịch vụ mà có mức lương thấp hoặc không được trả lương. Những người được hưởng tiền bồi dưỡng nhiều ở Hà lan tôi nghĩ chỉ có những anh hướng dẫn các tour đi bộ miễn phí cho du khách. Còn với một quốc gia không có truyền thống phải cho tiền bồi dưỡng dịch vụ và mọi thứ đều minh bạch thì việc phải bồi dưỡng cho nhân viên sứ quán là điều không thể hiểu nổi. Nếu đúng theo như các thoả thuận không hành văn thì tiền bồi dưỡng thường nằm trong khoảng 0% cho đến 20% tuỳ theo mức độ hài lòng của người hưởng dịch vụ. 
Nhưng công tác lãnh sự lại không nằm trong khu vực dịch vụ nên khi đòi hỏi phải có tiền bồi dưỡng là điều vô lý. Ngoài ra cơ quan lãnh sự đã được Bộ ngoại giao cho phép sử dụng 30% tiền thu từ phí lãnh sự cho chi phí hành chính. Tuy nhiên khi được truy hỏi về tiền chênh lệch thì lại được viện dẫn đó là chi phí hành chính.

Chi phí hành chính cao ngang ngửa với chi phí cho một visa và chi phí hành chính lại còn cao hơn gấp hai ba lần chi phí làm mới một hộ chiếu? Đây là điều không thể nào hiểu nổi. Chi phí hành chính  cao nhất ở Hà lan mà tôi phải từng trả là 27 euro cho một vé máy bay có giá 650 euro, tức chỉ là xấp xỉ 4%.

Một lon sữa cho bé là 24,95 euro, một lần lạm thu của sứ quán là đến cả năm bảy lon sữa của con. Nên có người phàn nàn sứ quán VN ăn cả bình sữa con tôi cũng quả không ngoa. Một bữa ăn trưa với giá 5 euro thì một lần bị lạm thu chúng tôi đã bị mất hết cả tiền ăn trưa cho một tháng.
Nhân viên sứ quán nghĩ rằng chúng tôi kiếm tiền dễ dàng nên cứ thoải mái chặt chém. Xin thưa, chúng tôi không kiếm tiền dễ chút nào vì chúng tôi hoàn toàn không có lậu. Với mức lương tối thiểu 1200 euro một tháng thì không mấy ai có tiền để dành vì chúng tôi còn có rất nhiều chi phí phải trả. Chúng tôi phải chi trả ít nhất 400 tiền thuê nhà, 130 cho tiền bảo hiểm sức khoẻ, tiền điện ga nước 200, tiền di chuyển đi làm 100 nếu chỉ đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra còn phải trả tiền bảo hiểm các loại, chi phí cho truyền hình, internet, điện thoại. Chưa kể các khoản chi tiêu cho lễ lạt sinh nhật thì số tiền còn lại để chi cho ăn uống sinh hoạt chỉ còn khoảng 300. Những gia đình có thu nhập cao hơn thì số dư còn phải dùng chi cho con cái, tiền tã, sữa, sách vở và tiền trường. Như vậy để có được 500 euro tiền tiết kiệm một tháng cho một gia đình bình thường là điều không dễ chút nào.
Chi tiêu chúng tôi cũng không phóng tay mạnh như những người ở Việt nam vẫn nghĩ. Nhiều người vẫn chỉ đi mua sắm khi có dịp hạ giá. Khi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày chúng tôi cũng chỉ mua những thứ giảm giá hay mua hai tặng một và để dành dùng dần. Tiền tích góp chúng tôi dành để đi về Việt nam tiêu xài, để mua quà cáp, biếu xén, … nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế nước nhà khi chúng tôi về thăm quê hương. Chưa kể số kiều hối chúng tôi đóng góp làm từ thiện qua nhiều kênh khác nhau.
Mãi mãi làm “con bò sữa”?
Năm 2014 số lượng du khách nước ngoài vào Việt nam là trên 7 triệu lượt khách. Lấy chẵn 7,5 triệu cho dễ tính. Nếu ai cũng phải mua visa tất cả thì số thu sẽ là 337,5 triệu đô la. Tuy nhiên có nhiều quốc gia được miễn thị thực nên nhà nước chỉ còn thực thu có 11 triệu. Một người phải đóng 45 đô la tiền thị thực theo quy định, vậy thì số người thực sự cần visa chỉ có 244.444 người. Cán bộ ngoại giao cương quyết không bỏ sót một đồng nào cho ngân sách vì đất nước còn nghèo nhưng số chênh lệch giữa số người được miễn visa và người buộc phải có là quá lớn. Đã miễn phí được 326,5 triệu đô la (337,5 -11 = 326,5) thì 11 triệu đô la có nghĩa lý gì đâu mà phải tận thu?
Tính ngược lại số tiền thu trực tiếp từ Việt kiều và người nước ngoài thì số tiền này ít nhất gấp 2 lần, tức lên đến con số 22 triệu đô la. Từ số thu này những người cần visa còn phải chịu thêm một số phí đi lại và ngày công lao động bị mất đi cũng khoảng chừng trên dưới 33 triệu đô la. Đây chỉ mới là số thu từ phí thị thực, nhưng lại còn cả phí từ các loại giấy tờ lãnh sự phiền phức khác cho chính người Việt nam còn cao hơn rất nhiều. 

Năm 2005 cũng đã từng rầm rộ trên báo chí khắp nơi về việc lạm thu của sứ quán. Mười năm sau – 2015 – lại tiếp tục về một vấn đề không mới vốn được dung túng và làm ngơ từ năm này qua năm khác. Thu nhập của “các anh chị” giờ đây đã bị giảm sút ít nhiều vì làn sóng phản đối lạm thu ở các sứ quán. Các anh chị ắt hẳn đứng ngồi không yên và vô cùng đau xót. 

Nhưng phải chăng khi so sánh với 14 tỷ đô la kiều hối thì số tiền vài trăm triệu đô la tận thu của Việt kiều không đáng kể nên Việt kiều lại cứ mãi là con bò sữa cho các cơ quan ngoại giao Việt nam ở nước ngoài?

Tin bài liên quan:

VNTB- Phan Anh, Kim Ngân và Xuân Phúc

Phan Thanh Hung

VNTB- Những người Cộng sản và những mâu thuẫn ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB- Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 có gì khác biệt sau 71 năm?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo