Việt Nam Thời Báo

 VNTB – Bong bóng bất động sản đã vỡ?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – GDP tăng nóng, doanh nghiệp và người dân dễ kiếm tiền khiến nhà, đất trở thành kênh đầu tư được lựa chọn để tích trữ, kinh doanh, thậm chí là đầu cơ.

 

Củng cố cho niềm tin vào kênh đầu tư bất động sản còn là những tuyên bố đầy màu hồng của người đứng đầu Bộ Chính trị suốt gần 3 nhiệm kỳ.

Hệ lụy của việc mải mê tô hồng chính trị?

Hồi tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang kiêm luôn Chủ tịch nước, khi đọc “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII”, có đoạn cho thấy chính trị ở Việt Nam rất ổn định, và đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đời sống kinh tế xã hội:

“Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ những năm trước, nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực.

Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt.

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn…”.

Với sự hồ hởi trên cho thấy từng bước, từng bước một, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quên mất chuyện Việt Nam trải qua bong bóng bất động sản kéo dài từ năm 2007 – 2013.

Lỗi của định hướng duy ý chí từ đảng cộng sản?

Trong giai đoạn này GDP cả nước năm 2007 được thông báo là đạt ở mức rất cao 8,48%, riêng TP.HCM đạt 12,6% là mức cao nhất trong 10 năm trở lại. Khi số liệu quá đẹp thì lượng tiền nhàn rỗi tích trữ được người dân đẩy vào kênh quen thuộc nhất của người Việt – bất động sản là dễ hiểu. Nhà và đất luôn là tài sản được lựa chọn làm nơi trú ẩn của tiền, để kinh doanh hoặc đầu cơ sinh lời nhanh nhất.  

Tuy nhiên vì là một nền kinh tế mang tính định hướng theo yêu cầu chính trị nên người ta thấy năm 2011 mức lạm phát ở Việt Nam tăng trưởng đến 18,6% so với năm trước.

Vậy là trong những nỗ lực phải kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô, chính phủ đã ban hành chủ trương siết chặt tín dụng, giảm tốc độ cũng như tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản. Tính đến cuối năm 2011, mức tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 16%.

Khi nguồn vốn chính bơm vào thị trường nhà đất bỗng dưng suy giảm mạnh, tất nhiên sẽ gây nên tác động lớn đến thị trường bất động sản năm 2011. Chủ trương đưa tỷ trọng dư nợ về 16% khiến các ngân hàng ngày càng gia tăng siết các khoản nợ, dẫn đến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng trong lĩnh vực địa ốc cũng phải đối mặt với khó khăn.

Thực tế cho thấy, khó khăn trong vay vốn khiến nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ dự án, vi phạm hợp đồng với khách hàng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải “bán tống bán tháo” dự án của mình vì không có đủ vốn để triển khai tiếp.

Vào những tháng cuối năm có những chủ đầu tư phải điều chỉnh giảm giá bán căn hộ chung cư lên đến 35%, thậm chí là hỗ trợ chính sách thanh toán. Sức ép khiến giá bất động sản giảm mạnh dẫn đến sự chênh lệch giữa cung và cầu. Khi thấy giá nhà đất giảm liên tục, người có tiền chỉ đứng ngoài quan sát để chực chờ cơ hội “bắt đáy”. Từ đó, tính thanh khoản của bất động sản giảm sút và nợ xấu của những nhà đầu tư đang “ôm giá đỉnh” tăng cao.

Có khác chăng là lúc đó không xảy ra những vụ án tham nhũng liên quan đến nhân sự cấp cao trong bộ máy chính quyền và đảng như hiện tại.

Bài học cũ xem ra vẫn mới

Từ câu chuyện chính phủ Phạm Minh Chính có ý “phủi tay” về trách nhiệm trong quản lý ngành địa ốc, có người liên tưởng đến doanh nhân Tăng Minh Phụng của mấy mươi năm trước, qua đó kết luận về nhãn tiền trong thể chế cộng sản mà ít ai chịu lưu ý.

Đương thời, Tăng Minh Phụng được đánh giá là người vận dụng nguyên lý Tiền – Hàng – Tiền thành công. Ông cũng là người áp dụng rất giỏi quy tắc: Làm gì cũng phải bằng tiền của tín dụng ngân hàng, hay người kinh doanh chỉ là người làm thuê cho tiền: Lời ngân hàng ăn phần nhiều, lỗ người vay chịu.

Khác với làm nông nghiệp, chỉ được gieo trồng trên mảnh đất của họ, bằng hạt giống của họ, thì kinh doanh chảy trong máu của người gốc Hoa như Tăng Minh Phụng chỉ ra rằng có tiền mới đẻ ra tiền. Tiền ở đâu không quan trọng, chỉ quan trọng nó có được vận hành tuân theo nguyên tắc: Tiền trong nhà tiền chửa, ra khỏi cửa tiền đẻ mà thôi.

Vay nợ ở đâu không quan trọng, quan trọng là có ai cho vay, vay có trả được vốn và lãi hay không, bao giờ trả, có bảo lãnh hay không…

Thế nhưng điều mà Tăng Minh Phụng phải đánh đổi bài học về tiền bằng chính mạng sống của mình, khi ông chọn vay Ngân hàng Nhà nước. Khi hệ thống pháp lý non yếu, lỏng lẻo, các chế tài chạy theo đuôi không cập nhật được với tốc độ phát triển của nền kinh tế, ông Tăng Minh Phụng đã khiến một loạt cán bộ ngân hàng, như Phạm Nhật Hồng thành tử tù.

Và một trong những lý do dẫn đến việc ông phải chết, vì Tăng Minh Phụng trong làm ăn là thuận mua, vừa bán chứ chưa cấu kết với quan chức thâu tóm đất vàng, đất bạc như sau này. Ông cũng không có khả năng biến nhà của người ta thành đất của mình, hàng hóa của mình như Thủ Thiêm mà phe nhóm quyền lực cấp ủy viên trung ương đảng mặc sức hô phong, hoán vũ…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lỗi từ việc Đảng phân công cán bộ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Các tổ chức xã hội dân sự đang giúp chính quyền tránh được khủng hoảng nhân đạo

Phan Thanh Hung

Bangkok Post: Doanh nghiệp Thái Lan rộng cửa đầu tư vào Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.