Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bùn thải của nạo vét sẽ đổ đi đâu?

Thới Bình

 

(VNTB) – Nạo vét cảng để duy trì độ sâu luồng tàu là việc làm bắt buộc, thế nhưng bùn thải sau nạo vét sẽ đổ ở đâu để an toàn về môi trường thì vẫn chưa tìm câu trả lời thích hợp.

 

Trước ngày 15-9-2022, một doanh nghiệp đang hoạt động ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phải hạ thủy chân đế giàn khoan và cọc giàn khoan để bàn giao cho chủ đầu tư nước ngoài. Nếu chậm tiến độ thì tiền phạt lên đến gần 1,9 triệu USD.

Tuy nhiên để hạ thủy giàn khoan thì phải dùng tàu, sà lan cập cảng. Thế nhưng hiện độ sâu của khu nước trước bến cảng của họ chỉ đạt từ 2,5m đến 4m nên không đảm bảo an toàn cho tàu bè ra vào. Do đó, cần phải nhanh chóng nạo vét cảng để kịp thời gian.

Một doanh nghiệp khác khai thác cảng ở Cái Mép – Thị Vải thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng gặp cái vướng trong chuyện nạo vét tương tự như trên. Theo doanh nghiệp này, hiện độ sâu cảng của họ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho tàu có trọng tải 200.000 tấn ra vào và cần nạo vét với khối lượng gần 96.000m3. Thế nhưng bùn thải nạo vét được duyệt đổ ở đâu thì cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có câu trả lời.

Bùn nạo vét luồng lạch đổ đi đâu là câu chuyện không mới. Luồng ý kiến phổ biến cho rằng theo các quy định hiện hành, thì việc kiểm soát hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển không phải gây khó khăn cho việc nạo vét luồng hàng hải, mà nhằm giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, bao gồm cả việc nhận chìm.

Quy định này phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc cam kết thực hiện và phù hợp với chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước là “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.

Vì vậy, hạn chế đổ vật liệu nạo vét ra biển được cho là phương án “nhìn xa trông rộng”, được xác định ưu tiên ở hầu hết các luồng hàng hải.

Vậy thì quy hoạch đổ ở đâu lại là điều vẫn gây tranh luận. Giải pháp xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp, là đề xuất từng được cổ vũ song chưa rõ vì sao tới nay vẫn chưa được áp dụng đại trà khi các dự án cao tốc rất cần phần vật liệu san lấp.

Về nguyên tắc, thì giải pháp trên có thể tóm tắt như sau: bùn nạo vét sau khi được vận chuyển đến khu vực tập kết sẽ được đưa vào bãi chứa, trên mặt bãi chứa có bố trí lưới lọc để tách bùn rắn và tạp chất. Bùn sau khi được đưa vào máy trộn sẽ được trộn lẫn với xi măng và các phụ gia đặc biệt với tỷ lệ và thời gian trộn tùy thuộc vào tính chất của bùn để tạo thành hỗn hợp bùn mềm.

Hỗn hợp bùn mềm sau đó sẽ được bơm vào hệ thống đường ống có kết nối với ống dẫn phụ gia và khí nén. Khi phụ gia được bơm vào đường ống dưới tác dụng của khí nén, dòng chảy được xáo trộn và chảy rối dạng sóng. Điều này cho phép các phụ gia tương tác một cách tối ưu nhất với hỗn hợp bùn mềm, qua đó hình thành hiệu ứng pha trộn và bùn nạo vét được xử lý thành vật liệu san lấp như thiết kế.

Bùn nạo vét sau khi xử lý có dạng dẻo được bơm đến bãi chứa sản phẩm. Tại đây, sản phẩm được làm khô tự nhiên đến trạng thái rời rạc như cát san lấp. Sử dụng máy xúc để bốc xúc sản phẩm lên phương tiện vận chuyển đến nơi san lấp.

Đặc tính của bùn nạo vét sau xử lý sẽ là hỗn hợp vữa có cường độ nén đạt mác 100 đến 200, các chỉ tiêu cơ lý ở trạng thái bão hòa và trạng thái tự nhiên là đảm bảo tiêu chuẩn đối với vật liệu san lấp của Việt Nam. Đất nền sau khi được san lấp bằng bùn nạo vét đã qua xử lý sẽ không cần phải cải tạo lại…

“Nếu bùn có chứa chất nguy hại phải được đưa đi xử lý theo quy trình chất thải nguy hại. Trường hợp bùn nạo vét là chất thải thông thường thì có thể sử dụng để tái chế, san lấp mặt bằng… Vấn đề hiện nay giữa đơn vị, cá nhân có nhu cầu đổ bùn chưa kết nối được với đơn vị, cá nhân cần bùn để san lấp” – bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, có nhận xét như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiếu điện, nhưng điện mặt trời áp mái vẫn chưa hòa lưới điện quốc gia

Do Van Tien

VNTB – Đâu phải bây giờ công nhân mới “không đủ sống”!

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn hãy mở cửa thay vì cứ tiếp tục ‘cài then’ kéo dài

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo