Mai Lan
(VNTB) – Trường hợp mắc cúm gia cầm A(H9) trên người đầu tiên từ trước đến nay xuất hiện ở Việt Nam.
Bệnh nhân là nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 10-3-2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vào ngày 16-3-2024, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus. Kết quả xét nghiệm bước đầu tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện dương tính cúm A, và có các đoạn gen tương đồng virus cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định.
Ngày 1-4-2024, Viện Pasteur TP.HCM phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9, hiện tại Viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm bệnh, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe; đến nay chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp; chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.
Theo thông tin từ Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây có phát hiện virus cúm A/H9N2 lưu hành trên đàn gia cầm. Đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A/H9N2 nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.
“Dịch bệnh đầu năm nay đang diễn biến phức tạp, nhất là một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại, cúm A, gây ảnh hưởng sức khỏe”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận xét như vậy tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, tổ chức vào hạ tuần tháng 3 năm nay.
Trong tháng 3-2024, Việt Nam ghi nhận ca tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm nay tại Khánh Hòa.
Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A (H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc, và 2 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Campuchia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A (H9N2) lây từ người sang người.
Vật chủ tự nhiên của H9 được cho là các loài thủy cầm và chim biển trên thế giới Trong số ∼9500 trình tự H9 hemagglutinin (HA) được công bố rộng rãi, ∼7200 (> 75%) được ghép nối với N2. Điều này cho thấy hệ số ưu tiên liên kết của H9 và N2 trong tự nhiên. Phần lớn các trình tự H9 HA tương ứng với các chủng phân lập từ Châu Á (∼6600 từ các loài gia cầm và ∼200 từ các vật chủ khác).
Nhiễm H9N2 ở gia cầm đi kèm với tỉ lệ mắc bệnh đáng kể và tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng thứ cấp có thể dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến việc giảm lượng nước và thức ăn, giảm sản lượng trứng và hiệu suất tổng thể của đàn bị giảm. Các dấu hiệu hô hấp phổ biến bao gồm sưng tấy xoang và chảy dịch từ mắt, mũi và miệng. Trong trường hợp nặng hơn, gia cầm bị khó thở nghiêm trọng. H9N2 xảy ra quanh năm, với tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn vào mùa hè.
Gia cầm bị ảnh hưởng thường có biểu hiện tổn thương phổi nghiêm trọng, phủ fibrin, dịch nhày gây tắc nghẽn phế quản và khí quản. Khí quản hình thành các khối u trong lòng dẫn đến ngạt thở. Các trường hợp virus H9N2 nhân lên ở phễu ống dẫn trứng là nguyên nhân làm giảm sản lượng trứng và vỏ trứng mỏng đi kèm theo các dị tật liên quan.
Trong các đợt bùng phát dịch H9N2 gần đây ở gà, sự nhân lên của virus đã được thể hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm khí quản, phổi, lá lách và thận đặc biệt là bệnh thận có liên quan đến việc tăng tỉ lệ tử vong ở gà.
Nhiều chuyên gia về virus cúm gia cầm cũng cảnh báo có thể bùng phát một đợt dịch bệnh mới lan tràn trên thế giới trong thời gian tới. Và không ai có thể xác định trước được chủng virus nào sẽ là “tác nhân” của đợt dịch này, cho dù H5N1 đang là chủng virus đáng ngại nhất.