VNTB – Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

VNTB – Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Mai Lan

 

(VNTB) – Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

 

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại virus có thể biến đổi để lây từ người sang người.

Sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh, kể từ năm 2022 trở lại đây, cúm A/H5N1 bất ngờ được phát hiện trở lại trên người ở Việt Nam. Đáng chú ý, trường hợp mắc cúm A/H5N1 mới đây là một nam sinh viên 21 tuổi tại Khánh Hòa đã tử vong do bệnh diễn tiến nặng. Tích lũy đến nay Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (~50%). Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H5N6), A(H5N8) và A(H9N2) trên người.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Cũng theo báo cáo từ Cục Thú y, năm 2023, cả nước có 21 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy 40.606 con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 06 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 06 tỉnh, bao gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang, buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. So sánh cùng kỳ năm 2023: tăng 01 tỉnh, thành phố có dịch; số gia cầm mắc bệnh tăng 24,9%, số gia cầm chết và tiêu hủy tăng 25,6%. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch CGC A/H5N1 chưa qua 21 ngày.

Lưu ý ở đây là bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao, xấp xỉ 50%.

Còn theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27-3 tại Hà Nội, thì đến 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Và Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: Cúm A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

Cùng với bệnh dại, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ gia tăng và quay trở lại của bệnh cúm gia cầm trên người. Theo ông Hoàng Minh Đức –  Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch cúm A/H5N1 ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là năm 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp, trong đó có 57 ca tử vong.

Sau 8 năm không có ca bệnh thì đến tháng 10-2022 đã ghi nhận trường hợp cúm A/H5 trên người. Đặc biệt, mới đây, vào tháng 3-2024, Việt Nam đã có ca tử vong do cúm A/H5N1 tại Khánh Hoà.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – “thủ phủ” chăn nuôi gia cầm của cả nước, yêu cầu chặn ngay tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam. Bởi, tại Campuchia và một số nước, nhiều người đã nhiễm và tử vong do cúm gia cầm. Công điện khẩn nêu rõ, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là khi mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, đã có nhiều người nhiễm bệnh, tử vong tại Campuchia và một số nước trong khu vực.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)