Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ca sỹ Thủy Tiên và từ thiện luôn hợp pháp!

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của nhân dân. 

Con số 100% đắc cử là do đảng tặng. Con số 100 tỷ đồng là do công chúng giao phó. Người đắc cử 100% do đảng tặng thì không chắc được công chúng giao phó 100 tỷ. Nhưng người được công chúng giao phó 100 tỷ thì chắc chắn sẽ đắc cử 100% nếu ứng cử.

Và xin được chia buồn với bà con Hải Lăng, dự kiến là sự cứu trợ đồng bào ở đây sẽ giảm nếu áp dụng theo yêu cầu số 1 và số 2.

Vì sao lại ngờ vực ‘lòng tốt’ của ông chủ tịch?

Số là ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có ký một công văn đóng dấu “Hỏa tốc”, với yêu cầu đại để là nếu các cá nhân, nhóm hội đoàn xã hội dân sự muốn đến Hải Lăng để cứu trợ, cần thông qua chính quyền địa phương để “có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ”.

Thoạt nghe thì rõ ràng đây là một quyết định không ngoài nhằm bảo vệ tính mạng của những mạnh thường quân. Tuy nhiên nếu đọc nguyên văn điều 3 ở công văn “Hỏa tốc” này thì thấy chút gì đó bất thường: “3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải thông tin về UBND huyện, Thường trực BCH PCTT&TKCN huyện trước khi tiếp nhận để có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ”.

Tại sao ông chủ tịch Lê Đức Thịnh không yêu cầu thư ký soạn điều 3 thế này sẽ tránh được sự nghi ngờ là cấp trên đang có ‘ý đồ’ với hàng cứu trợ: “3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ”.

Cớ sự nào mà người viết ngờ vực thiện ý của ông chủ tịch Lê Đức Thịnh?

Cựu luật sư Phạm Công Út kể: “Lần đó đi phát quà từ thiện, Ủy ban xã nói là cứ để hết tiền ủng hộ và quà cứu trợ ở trụ sở, xã sẽ phát cho từng hộ nghèo theo danh sách đã được lập. Ai cũng phải ngoan ngoãn nghe lời, chỉ có tôi và hai bạn nữa đánh xe vào tận bản làng, gặp nhà nào nghèo thì trao tiền và quà tận tay cho họ. Hỏi ra thì mới biết, lần đầu tiên trong đời họ mới được nhận quà cứu trợ, dù hầu như năm nào họ cũng bị thảm họa lũ lụt”.

Không chỉ vậy, trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến được cho là từ đội ngũ dư luận viên của nhà chức trách, về hàm ý chụp chiếc mũ chính trị đối với những cá nhân, nhóm xã hội dân sự nào dám tự tay đi trao tặng quà cho người dân mà không theo sự dẫn dắt của chính quyền.

Từ thiện luôn hợp pháp

Luật sư Đặng Bá Kỹ, phân tích chi tiết về mặt pháp lý đối với chuyện đe dọa này từ một số dư luận viên:

“Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở miền Trung! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm đồng bào, nhân dân hướng về nhau thật lớn lao! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền tổ quốc, cũng như hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm… giúp người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc ca sỹ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng (tính đến cuối ngày 20-10) đóng góp của nhân dân, giúp bà con vùng lũ.

Tuy nhiên, có một số “Chuyên gia pháp lý”, đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 “Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” của Chính phủ; và đã căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai – để rồi đã đi đến kết luận rằng: Việc ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp!

Xin khẳng định ngay rằng: Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn! Xin luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan.

Xác định quan hệ pháp luật

Bản chất của việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc: Tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến – là một quan hệ pháp luật dân sự.

Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại chủ thể:

Thứ nhất: Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác – được gọi là Bên tặng cho tài sản!

Thứ hai: Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm – được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản.

Thứ ba: Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sỹ Thủy Tiên hay những người khác – được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.

Nó đơn giản như việc ông A tặng cho ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây ông A nhờ ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả.

Như vậy, trong vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự – và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản!

Quy định pháp luật được áp dụng

Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự, do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do luật dân sự điều chỉnh.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như những hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Lluật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.

Cần nhớ rằng Nghị định 64 mà các “Chuyên gia pháp lý” nêu trên, là văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là văn bản dưới luật. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định rõ: “Không vi phạm điều cấm của Luật” – tức phải là Văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.

Do vậy, việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của nhân dân.

Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến! Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau.

Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại!”.

Thay lời kết

Luật sư Đặng Đình Mạnh cảm thán: Nếu có bầu cử tự do, cô ấy – tức ca sỹ Thủy Tiên, muốn ứng cử vào chức vụ gì mà công chúng đầy cảm tính lại không chiều lòng bỏ phiếu cho cô ấy, kể cả vị trí tứ trụ đang chỉ gồm những ông bà cụ lụ khụ, trông buồn bã.

Nhưng xem ra, tôi mong cô ấy không nên làm điều dại dột ấy. Vì ngắm sen giữa đầm, đôi khi cũng là một thị nghiệp không nên khuyến khích…

Tin bài liên quan:

VNTB – Trụ trì chùa Ba Vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Do Van Tien

VNTB – Đặng Phước Dừa – ông trùm ngân hàng một thời vừa được ‘xướng tên’

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao lại phải giải cứu… nhà nước?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo