VNTB- Cấm cung cấp dịch vụ cho người bất đồng: Thêm thành tích “tự do Internet” của công an VN

Minh Quân
(VNTB) – Nếu nghị định này được đưa vào triển khai với những nội dung đặc biệt về cấm cản quyền sử dụng dịch vụ của người bất đồng chính kiến, đây lại thêm một “thành tích” nữa của chính quyền và Bộ Công an trong việc thực hiện “tự do Internet” với vai trò Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Freedom House, tổ chức NGO chuyên theo dõi nhân quyền và tự do báo chí toàn cầu, hôm thứ Hai 14 tháng 11 công bố phúc trình thường niên về Tự Do Internet 2016, cho thấy Việt Nam đứng hạng 76 trong số 88 quốc gia trên thế giới. Ảnh RFA.

Một nghị định do Bộ Công An Việt Nam vừa soạn thảo và đang đưa ra để lấy ý kiến dân chúng đe dọa sẽ ngăn cản nhiều người Việt Nam lên mạng internet để bày tỏ chính kiến, trong đó có “kế sách” yêu cầu các nhà mạng tạm dừng hoặc chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc internet cho các tổ chức và cá nhân bất đồng chính kiến.
Bộ Công An cũng đặc biệt yêu cầu Bộ Thông Tin Và Truyền Thông cùng các công ty cung cấp mạng viễn thông phải “chủ động loại bỏ thông tin có nội dung chống nhà nước trên không gian mạng”.
Nếu nghị định trên được đưa vào triển khai với những nội dung đặc biệt về cấm cản quyền sử dụng dịch vụ của người bất đồng chính kiến, đây lại thêm một “thành tích” nữa của chính quyền và Bộ Công an trong việc thực hiện “tự do Internet” với vai trò Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.
Trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã nổi tiếng với “thành tích ngăn chặn Internet” cùng cơ chế bức tường lửa. Rất nhiều tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế đã lên tiếng phản ứng về hiện thực cấm cản ở Việt Nam. 
Gần đây nhất, vào tháng 11/2016, Freedom House – tổ chức NGO chuyên theo dõi nhân quyền và tự do báo chí toàn cầu, đã công bố phúc trình thường niên về Tự Do Internet 2016, cho thấy Việt Nam đứng hạng 76 trong số 88 quốc gia trên thế giới.
Theo đó, duy trì chính sách kiểm soát Internet, theo dõi, đánh sập các trang mạng xã hội, hạn chế thông tin và tiếp tục vi phạm quyền của người sử dụng mạng, bất chấp luật lệ, đàn áp bloggers bằng chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia… là tình trạng đã và đang xảy ra tại Việt Nam mà không có sự cải thiện đáng kể nào từ năm ngoái đến năm nay.
Báo cáo thường niên về Tự Do Mạng 2016 của Freedom House xếp 30 quốc gia đầu với màu xanh lục được coi là có tự do mạng, trong đó những quốc gia gồm Mỹ, Canada, Đức, Australia, Nhật, Anh, Pháp, Italy, Estonia, Georgia, Nam Hàn, Philippines vân vân… Tiếp đến những nước có màu vàng tức chỉ có tự do phần nào; Việt Nam nằm gần cuối bảng trong nhóm các nước màu tím tức không có Tự Do Internet. Như vậy, Việt Nam kém Saudi Arabia một bậc và chỉ hơn Trung Quốc một bậc về Tự Do Internet mà thôi.
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, giám đốc chương trình Tự Do Internet của Freedom House, bà Sanja Kelly nói:
“Tự do mạng là một dự án đặc biệt qua đó cho thấy sự tăng gia hoặc giảm sút những hành động kiểm duyệt mạng, bắt bớ tấn công người sử dụng hoặc những vấn đề khác liên quan đến các mạng xã hội và những người truy cập các trang mạng đó.
Việt Nam nắm quyền kiểm soát hầu như toàn diện Internet trong những năm qua và vẫn tiếp tục là một trong những nước kiểm duyệt mạng nghiêm khắc nhất trên thế giới. Chúng tôi biết có nhiều bloggers bị bắt nhốt hay bị sa thải khỏi công ty vì đã lên tiếng chỉ trích chính phủ. Chúng tôicũng nhìn thấy người dân bị bắt và bị xét xử vì những lời phát biểu của họ trên mạng. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ một trang blog về nhân quyền hay dân chủ mà người viết bị tống giam từ 5 đến 10 năm tù trong lúc cái gọi là ‘tội’ mà chính quyền gán cho họ chỉ là đưa ra một hệ tư duy khác với chính quyền.

Trong năm qua tại Việt Nam, đã có nhiều tổ chức xã hội dân sự không được phép thành lập, nhiều trang facebook bị ngăn chận. Đây là cả một vấn đề đáng quan ngại vì facebook là một kênh thông tin và truyền thông của rất nhiều người sử dụng ở Việt Nam mà nhà cầm quyền thì đã và đang tìm mọi cách để phá hủy đường truyền và đường liên lạc hữu hiệu này”.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)