Đào Đức Thông
(VNTB) – Không thể chỉ với với vài chữ kí, mà lại có thể biến một tài nguyên thiên nhiên lớn của đất nước, của toàn dân, xã hội – về túi một nhóm lợi ích là Tập đoàn Xuân Thành!
Tổng quan
Vừa qua Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt, xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành). Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy hay còn gọi là “bầu” Thuỵ làm Chủ tịch HĐQT), đề xuất trên có nội dung tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Dự án này có mục tiêu là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ Kwh/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Những băn khoăn về hiệu quả đầu tư
Theo ông Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu cho biết, đây là dự án chặn sông Thao với 6 con đập. Một con sông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia, chảy qua thủ đô mà lại làm 6 con đập thì không thể chấp nhận được. Không có lý do kinh tế gì để bao biện cho điều này.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 15 ngày 14.2.2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.
Trong khi đó hồ sơ đề xuất về nguồn vốn dự án, vốn tự có của chủ đầu tư là 10% và vốn huy động từ ngân hàng và các nguồn khác 90% là chưa phù hợp. Do đó, việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định được ngay.
Văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, cho rằng nếu dự án phải vay 70% thì vốn chủ sở hữu mà Xuân Thiện phải có sẽ ở mức trên 7.300 tỉ đồng, trong khi đó vốn điều lệ hiện nay của Xuân Thiện mới có 1.200 tỉ đồng.
Theo đó, Bộ Tài chính nhận định, việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định. Với dự án quy mô lớn như vậy, khả năng tăng vốn đầu tư, chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính là điều có thể xảy ra.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, các đập thủy điện trên sông Hồng hiện chưa có trong quy hoạch điện VII mà Thủ tướng vừa thông qua. Cũng chưa có khảo sát về địa chất, thủy văn, nên tập đoàn này chưa đủ cơ sở để góp ý xem hiệu quả của 6 đập thủy điện mà Xuân Thiện xin đầu tư như thế nào cũng như sản lượng các thủy điện này có thể phát.
Tính kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và pháp lý của dự án
1.- Về bản chất, thì đập dâng hay đập thủy điện, tuy tên gọi khác nhau, nhưng đều có chức năng như nhau: Tích nước (bản thân chữ”dâng” đã nói lên điều này), tạo sự chênh áp của cột nước, để chạy máy phát điện. Với điều kiện địa hình đồi núi cao, lưu vực hẹp, lưu tốc dòng chảy lớn, người ta thường làm đập thủy điện cao và hẹp. Với địa hình gần đồng bằng, không hoặc ít đồi núi, lưu tốc dòng chảy nhỏ, lưu vực rộng, chỉ có thể làm đập dâng để xây thủy điện cột nước thấp. Với đập thủy điện, do độ chênh cao về thế năng, nên có thể lắp đặt máy phát ngay tại đập thủy điện. Còn với đập dâng, phải làm đường ống dẫn nước, để tăng lưu tốc dòng chảy, trước khi vào máy phát.
2.- Lưu tốc dòng chảy tự nhiên càng cao, thì hiệu quả kinh tế làm thủy điện càng cao. Nên đa số các nhà đầu tư, đều nhắm đến thượng nguồn các con sông lớn và “hung dữ”, để làm thủy điện. Hoặc những quốc gia không có điều kiện đồi núi cao, thì phải tính làm thủy điện cột nước thấp, với chi phí tốn kém hơn, chứ không phải thủy điện cột nước thấp (đập dâng) là một công nghệ hiện đại, tiên tiến gì cả. Ở Việt Nam, hiệu quả đầu tư thủy điện của Sông Hồng thấp nhiều, so với sông Đà, sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Đắk Krông, sông Hinh …
3.- Với tổng công suất 228 MW của 6 nhà máy thủy điện, trong dự án của Xuân Thiện, thì mỗi nhà máy cũng đều chỉ nằm trong nhóm thủy điện vừa và nhỏ, thường hiệu quả đầu tư không cao. Đặt giá bán điện 1.900 đ/kw để tính toán, trong khi giá bình quân thực tế (mặc dù có sự độc quyền cao của ngành điện) đang ở mức 1.400 đ/km – Là một rủi ro lớn với nhà đầu tư.
Việc xây dựng giá bán khá cao, để tính toán hiệu quả kinh tế của dự án, là cái bẫy phổ biến, dẫn tới lỗ “khủng” triền miên và sự sụp đổ, đắp chiếu của một chuỗi các dự án đầu tư “khủng”, với hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng vừa qua, như Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Bauxite Tân Rai, Nhân Cơ, 10 nhà máy sản xuất Ethanol làm xăng sinh học (mặc dù đã lobby, để Chính phủ ra nghị định, bắt buộc dùng xăng sinh học trên cả nước từ 2017), gang thép Thái Nguyên mở rộng v.v…
Xuân Thiện chỉ mới tính là nhà sản xuất điện, chưa phải nhà truyền tải, phân phối, để được hưởng giá đó. Thông thường giá sản xuất điện, chỉ chiếm cỡ 1/4, so với giá bán sau truyền tải và phân phối. Chưa kể giá bán năng lượng hóa thạch xuống thấp, trong thời gian dài như vừa qua, cùng với tốc độ phát triển nhanh của điện mặt trời, điện gió, năng lượng sóng biển, điện địa nhiệt – Sẽ là những thách thức không nhỏ với thủy điện. Xuân Thiện sẽ lại đặt vấn đề trông đợi vào sự trợ giá của nhà nước (từ tiền thuế của dân), ngay từ khi lập dự án ? Vậy đất nước và người dân sẽ thu được lợi ích gì ???
4.- Quốc lộ (thủy lộ) Sông Hồng khổng lồ, với chi phí lưu thông chỉ bằng 2-3/10 so với đường bộ, chưa bị thu phí và đề nghị được đầu tư với cơ chế BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh) vĩnh viễn – Mới là đích chính, mà con bạch tuộc khổng lồ Xuân Thành nhắm tới.
Tại sao chi phí thấp như vậy, mà các doanh nghiệp vận tải và các chủ hàng lại thờ ơ với vận tải thủy ? Lí do đầu tiên là đường thủy thường quanh co, thời gian vận chuyển kéo dài – Không đáp ứng tần suất quay vòng phương tiện, thời gian quay vòng vốn và tiến độ sản xuất kinh doanh của các chủ hàng. Chưa kể điều kiện kho cảng và đường kết nối vào cảng đường thủy, thường không mấy thuận tiện. Chi phí bốc dỡ cao, thời gian lâu (đa số hàng rời), phí cảng vụ cao. Càng lên thượng nguồn, do độ chênh cao địa hình, khiến dòng chảy siết, đòi hỏi tầu thủy phải có công suất lớn, chi phí cao – Đây là lí do chính, khiến giao thông thủy trên Sông Hồng, từ hạ lưu lên thượng lưu, hiện chủ yếu dừng lại ở Việt Trì. Với các mặt hàng phổ biến là than, đá, cát, sỏi, được khai thác từ các mỏ gần cảng sông biển, thậm chí ngay trên các lòng sông.
5.- Khi Xuân Thiện đầu tư đại dự án này, với âm mưu chia cắt toàn bộ Sông Hồng, từ chỗ lưu thông miễn phí, đến việc lập được 6 trạm thu vé bắt buộc – Liệu có tính được độc quyền thu phí vận tải và chuyển tải qua 6 chặng đập dâng thủy điện, sẽ đẩy lên mức 6-7/10 chi phí vận tải đường bộ ? Vận tải thủy khi đó, liệu có còn hấp dẫn ? Người, phương tiện tham gia giao thông thủy, từ chỗ gần như không mất tiền hiện nay, liệu có chịu nổi “vé” lưu thông của Cty Xuân Thiện ? Hay chỉ “bóp cổ” được những chủ hàng siêu trường siêu trọng hoặc do tính đặc thù, buộc phải dùng vận tải thủy ?
Chưa kể đến vấn đề, liệu sự chia cắt Sông Hồng thành 7 khúc như vậy, có phá vỡ phòng tuyến Sông Hồng, lưu thông chi viện nhanh chóng, kịp thời, cho các tỉnh phía Bắc – Trong trường hợp có chiến tranh – Như phòng tuyến Sông Cầu, khi xảy ra chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 hay không ???
6.- Nếu làm 6 nhà máy thủy điện trên Sông Hồng, chi phí nạo vét luồng lạch ở hạ lưu Sông Hồng và cửa biển có thể sẽ giảm – Vì hầu như không còn phù sa bồi đắp về xuôi – Liệu có bị Xuân Thiện “hóa giá” thành chi phí nạo vét bồi lắng trước các đập dâng và hạch toán vào phí giao thông thủy, giá điện, để độc quyền thu, mà không cần xin ngân sách nạo vét từ Nhà nước ?
7.- Những nông lâm ngư dân, toàn bộ hai bên lưu vực Sông Hồng, có còn chủ động được sản xuất nông lâm ngư nghiệp ? Có chịu nổi cảnh chạy chọt, van xin Xuân Thiện cấp nước lúc thời vụ cần, mà chưa chắc đã được chấp nhận, ngay cả khi có sự can thiệp từ Thủ tướng chính phủ – Như thực tế đã từng xảy ra ở nhà máy thủy điện miền Nam ? Có chịu nổi phí cấp nước của Xuân Thiện ? Nếu buộc phải giải nghệ, thì hàng chục triệu người sẽ làm gì để kiếm sống ?
8.- Vựa lúa đồng bằng Sông Hồng ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải dương, Hải Phòng, nuôi sống toàn bộ miền Bắc trước đây – Liệu có tồn tại, trước khả năng xâm nhập mặn và hạn hán, không kém gì đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ? An ninh lương thực của Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào ? Việc làm, đời sống của hàng chục triệu nông ngư dân này, sẽ được giải quyết như thế nào ?
9.- Muốn vay được 70 % vốn thương mại, trong tổng số gần 25.000 tỉ đồng đầu tư cho dự án, thì buộc Xuân Thiện phải có vốn điều lệ lên tới 7.300 tỉ đồng, trong khi hiện nay, công ty chỉ có 1.200 tỉ đồng. Lại kêu gọi người khác ? Chưa rõ “người khác” sẽ là ai ? Nếu là nước ngoài, mà lại là láng giềng “hữu nghị, 4 tốt, 16 chữ vàng”, đã được hai Đảng “dầy công vun đắp”; Với sự chiếm lĩnh thầu 90 % các dự án lớn của Việt Nam, phá hỏng nền kinh tế Việt Nam, phá hoại đất nước Việt Nam, thời gian qua – Chưa đủ để chúng ta lo lắng hay sao ?
Nếu trên 80 % vốn điều lệ là Xuân Thiện sẽ đi vay của Trung Quốc, hoặc nhượng cổ phần cho Trung Quốc – Thì khác nào Trung Quốc nhờ Xuân Thiện đứng danh nghĩa, để lập dự án này cho Trung Quốc ?
Cần phải yêu cầu Xuân Thiện chứng minh bằng văn bản, các cam kết của đối tác tham gia vốn điều lệ, xem họ cụ thể là ai ? – Trước khi chấp thuận dự án (nếu có). Chưa kể Trung Quốc luôn có “bài”, nhờ các đối tác Việt Nam hoặc nước thứ ba, đứng tên lập dự án, sau đó chuyển nhượng lại. Đó là chưa kể câu hỏi: 70 % vốn vay thương mại để làm dự án này, sẽ là từ nguồn nào ?
10.- Câu hỏi cuối cùng và lớn nhất là: Căn cứ pháp lý nào, cho phép biến toàn bộ tài nguyên thiên nhiên chung của đất nước, thành độc quyền hưởng thụ của một nhóm lợi ích Xuân Thiện???
Những nguy cơ từ siêu dự án
Mất vựa lúa ĐBSH
Với tổng công suất thiết kế 228 MW các nhà máy thủy điện trên không gọi là thủy điện nhỏ được và tuổi thọ của các thủy điện này phải 100 năm. Mục tiêu đầu tiên của chủ đầu tư là kinh tế nhưng họ chưa nói đến sinh thái môi trường.
Trước hết, dòng sông Hồng sẽ tụt xuống, không phải 1m như hiện nay mà là 2m. Hệ quả là nước biển dâng vào, đất của ĐBSH lún xuống. Khi ấy, các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định sẽ gặp hiểm họa trước tiên, cả vựa lúa ĐBSH sẽ bị mất.
Tiếp theo, hai bờ sông Hồng sẽ bị phá rộng ra vì hết bùn cát, làm cho tất cả diện mạo của ĐBSH, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội bị xâm phạm, thậm chí biến mất.
Thứ ba, các nhà máy thủy điện sẽ không phục vụ gì cho nông nghiệp bởi chúng chỉ mở nước khi phát điện. Miền Tây, Tây Nguyên vừa qua bị hạn, xâm nhập mặn nặng nề, chúng ta đã yêu cầu các thủy điện xả nước nhưng họ không làm được. Ngay cả đập Cảnh Hồng của Trung Quốc cũng thông báo khi nào phát điện họ mới xả nước.
Thứ tư, mục tiêu của Nhà nước Việt Nam hiện nay là nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một khi mất sông Hồng đất nước Việt Nam sẽ mất nền nông nghiệp.
Sông Hồng là mạch máu, là tài sản quốc gia nhưng nó không chỉ có một dòng sông mà cả hệ thống sông Đuống, sông Luộc, sông Thái Bình và nhiều nhánh khác. Nếu sông Hồng bị khống chế nước thì toàn bộ các dòng sông nhánh sẽ chết. Theo nghiên cứu địa chất, khi ấy ĐBSH sẽ bị tụt xuống, cộng với nước biển dâng, Việt Nam sẽ mất hẳn ĐBSH.
Chúng ta tự hào về văn minh lúa nước sông Hồng, mất sông Hồng là mất đi nền văn mình đời Hùng Vương để lại, liệu cháu con đời đời có nhắc đến chuyện này không?
Nguy cơ chuyển nhượng cho nước ngoài
Xét về khía cạnh kinh tế, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Xuân Thiện muốn vay được 70% vốn thương mại thì phải có vốn điều lệ lên tới 7.300 tỷ đồng trong khi vốn pháp định của doanh nghiệp chỉ có khoảng 1.200 tỷ đồng, liệu tổ chức nào cho họ vay? Nếu phá sản, không loại trừ khả năng họ bán dự án nước ngoài. Chủ đầu tư dự án nói sẽ vay bằng nhiều nguồn, nhưng về tiềm lực kinh tế, rõ ràng họ không đủ năng lực.
Chính vì thế, một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất và điều khiến nhân dân Việt Nam lo lắng nhất, chính là nguy cơ chủ đầu tư có thể chuyển giao dự án cho nước ngoài, nếu chuyển về cho một nhà đầu tư khác của Trung Quốc thì thật là đại họa cho dân tộc Việt Nam.
Tỉnh Vân Nam – Trung Quốc được lợi trong dự án
Lợi dụng được sông Hồng với khả năng vận tải thủy cao là một giải pháp kết nối rất hữu hiệu cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra Biển Đông.
Về kinh tế thì tỉnh Vân Nam sẽ được lợi nhất, còn cái lợi từ nhà đầu tư, từ các đơn vị của VN thì chưa có gì chắc chắn.
Ví như về lợi ích giao thông thủy, hiện nay Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai đã có những con đường giao thông đường bộ kết nối khá tốt. Có thể khi có thêm tuyến giao thông thủy, về lợi ích phát triển giao thông có thể thêm một chút, nhưng cũng gây ra thách thức trong việc thu hồi vốn của các dự án giao thông đường bộ.
Tác hại đối với Môi trường sông
Dự án đưa ra thông tin sẽ nạo vét 288km ở sông Hồng. Nếu việc nạo vét mấy trăm kilômet làm thay đổi dòng chảy, thay đổi hiện trạng bên lở, bên bồi hoặc lở nhiều hơn thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Lưu vực sông Hồng chiếm toàn bộ miền Bắc, bao gồm cả sông Đà, sông Thái Bình; dự án nếu có tác động làm thay đổi dòng sông chính thì sẽ làm thay đổi cả lưu vực sông, trực tiếp tác động đến vấn đề sinh thái, sinh hoạt và đời sống dân cư đồng bằng sông Hồng.
Hiện phía hạ nguồn sông Hồng bị tác động rất lớn cho vấn đề phát triển. Dự án của Xuân Thiện nói rõ là nạo vét, lấy cát bán đi để mở rộng luồng tuyến thông thủy, nhưng lại xây đập giữ cát, phù sa lại.
Nếu dựng 6 con đập, thì ở dưới chẳng còn gì về mặt môi trường. Dòng chảy, hệ sinh thái cũng thay đổi. Sông mất nhiều phù sa, trở thành dòng sông đói, gây xói lở, đồng bằng nghèo nàn. Thời làm đập ở Hoà Bình, chúng ta đã đánh đổi, khi một lượng phù sa đã bị giữ lại. Giờ con sông “đỏ nặng phù sa” nhất, mà giữ nốt thì còn lại cái gì. Cái này, sẽ làm ngày càng nghèo kiệt đồng bằng đi. Và cuộc sống các hệ sinh thái cây con, sinh cảnh bị thay đổi.
Mặt khác, khi phù sa, phù du giảm, thức ăn các loại thủy sản cũng nghèo. Số loài thủy hải sản ở vịnh Bắc bộ chắc chắn cũng bị ảnh hưởng lớn. Chưa kể, muốn làm thủy điện, ngăn đập anh chứa nước một thời gian. Và chỉ cần thời gian ngắn thôi, nó cũng rất hại rồi. Đó không chỉ là lý thuyết, mà trên tất cả hệ thống thủy điện ở Việt Nam, từ lớn đến nhỏ thực tế đều tác động đến môi trường nhất định.
Kết
Thời gian qua, ở miền Trung-Tây Nguyên, thủy điện ngăn dòng chảy khiến ở dưới lao đao vì hạn hạn, xâm nhập mặn. Giờ dòng sông Hồng xây đập ngăn dòng, liệu Thái Bình, Nam Định và các vùng biển sẽ thế nào???
Quyết định liên quan tới việc sử dụng dòng sông, một tài sản công liên quan tới nhiều cộng đồng và cả một lưu vực sông, cần được sự đồng thuận của cộng đồng và đặc biệt xem xét về lợi ích lâu dài và quy hoạch phát triển tổng thể.
Không thể chỉ với với vài chữ kí, mà lại có thể biến một tài nguyên thiên nhiên lớn của đất nước, của toàn dân, xã hội – về túi một nhóm lợi ích là Tập đoàn Xuân Thành được!