VNTB – Cần nghiêm hơn với trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại?

VNTB – Cần nghiêm hơn với trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Luật giao thông không cho phép vừa lái xe vừa nghe hay ‘quẹt’ điện thoại…

 

Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn có thể bắt gặp ở các tỉnh, thành khác, nhất là những tỉnh, thành có mật độ dân số tương đối đông, dòng xe di chuyển nhiều, là hình ảnh của nhiều người tham gia giao thông vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại.

“Đây là một hành động, theo tôi, không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân người sử dụng điện thoại mà còn cho những phương tiện lưu thông xung quanh. Trường hợp kẹt, với những người không biết đường, phải dò đường bằng điện thoại, bằng google map, còn có thể thông cảm, bởi dù cầm điện thoại nhưng họ vẫn cố gắng lái xe bằng hai tay, vẫn có thể chú ý đường sá cũng như phương tiện xung quanh. Nhưng với những người sử dụng điện thoại cho mục đích khác, cần phải xem lại.

Không ít lần di chuyển trên đường phố, mình đều gặp những người vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe. Mà họ sử dụng điện thoại để làm gì? Để vừa chạy xe vừa “tám” thông qua video call. Hoặc vừa chạy xe vừa lướt facebook, zalo. Thậm chí có những người vừa chạy vừa chúi mũi vào điện thoại. Bấm kèn inh ỏi, họ cũng không thèm đếm xỉa đến, cứ như đường là của riêng mình họ”, chị Ngọc, một cư dân đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc.

“Video call hay lướt facebook, zalo là chuyện thường gặp. Có những lần, tôi còn bị những trường hợp như dừng xe lại giữa đường nghe điện thoại, dù tín hiệu giao thông đang là đèn xanh. Hoặc vừa chạy xe vừa xem tin tức, mà cái tin tức ở đây không phải dưới dạng podcast hay video, mà nó là bài viết. Lúc đó, tôi tự hỏi, ủa, tin tức có gì hấp dẫn đến cái mức phải vừa đọc vừa chạy xe dữ vậy? Nếu nó hấp dẫn, tại sao không tấp lại một bên đường hay ghé quán cà phê để mà đọc rồi nghiền ngẫm? Vừa chạy xe vừa đọc chi, vừa cực lại vừa nguy hiểm”, anh Minh, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM chia sẻ suy nghĩ.

“Thà gấp, khẩn cấp hay gì thì không nói, nhưng quá rõ ràng, những trường hợp nói trên, họ có thể chọn một giải pháp an toàn hơn cho chính bản thân cũng như cộng đồng khi lưu thông trên đường, mà lại không chọn! Với tôi, khi lưu thông trên đường, an toàn là trên hết, bởi, ở nhà, nơi gia đình, vẫn còn có người đang trông chờ tôi về”, sinh viên Long chia sẻ.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tùy từng trường hợp mà người sử dụng điện thoại khi đang lái xe có thể bị phạt tiền đến 2 triệu đồng, bị tước Giấy phép lái xe 04 tháng.

Nghị định cũng quy định rõ, người lái xe máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị xử phạt từ 600.000 đến 1 triệu đồng. Đối với tài xế ô tô, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, với hành vi vi phạm, theo nghị định, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông.

Còn đối với người điều khiển xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe mô tô và các loại xe tương tự, sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông.

Quy định đã có, mức phạt cũng rõ ràng. Thế nhưng, vẫn còn đó, nhiều trường hợp vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại trong những hoàn cảnh không cấp thiết. Do họ không sợ mức phạt hay do tuyên truyền luật đến cho người dân chưa hiệu quả? 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)