VNTB – Cẩn trọng khi tham gia hưởng ứng thành lập chính phủ đối lập

VNTB – Cẩn trọng khi tham gia hưởng ứng thành lập chính phủ đối lập

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Việc ghi danh tham gia, hay ủng hộ tổ chức chính trị đối lập đều dễ bị cáo buộc vào án an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự hiện hành.

 

Thời gian qua ở Sài Gòn có lời kêu gọi ghi danh tham gia tổ chức mang tên “Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa”.

Một chức sắc tôn giáo ở Sài Gòn đưa ra lời kêu gọi bằng một câu hỏi tu từ: “Những vị không ủng hộ tái họp Hiệp định Paris 1973 phục hoạt VNCH – Tổng tuyển cử tự do… là ủng hộ VC cưỡng chiếm MNVN rồi hiến đất biển đảo cho TC”.

Vị chức sắc trên là người ủng hộ tổ chức có tên “Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa”, với chức danh Thủ tướng ghi là luật sư Lê Trọng Quát.

Tự do chính trị là một quyền cơ bản của con người. Hiến pháp của nhà nước Việt Nam cộng sản cũng nhìn nhận đây là quyền hiến định. Tuy nhiên việc ghi danh tham gia, hay dừng ở mức ủng hộ tổ chức nêu trên đều dễ bị cáo buộc vào án an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Một vấn đề khác, mới đây một tài khoản cá nhân facebook của người ủng hộ tổ chức “Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa”, đưa ra lập luận như sau – dẫn nguyên văn, bao gồm từ viết tắt, cách viết hoa:

“CPPĐ liên tục công quyền mới có tính chính danh trên chính trường Quốc Tế, vận động tái họp Hội nghị Quốc Tế, giải quyết các vấn đề Hiệp Định Paris bị vi phạm và đòi hỏi phải có bầu cử cho Miền Nam VN chọn một chính phủ phải do chính người dân bỏ phiếu với sự giám sát của Quốc Tế.

Trong điều 7 (a, b) của Kết Ước Quốc Tế có ghi rõ.

A: Trong trường hợp xảy ra một sự vi phạm Hiệp Định và các nghị định thư, đe dọa hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn  vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam hoặc quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam, các bên ký kết Hiệp Định và các nghị định thư mỗi bên sẽ tự mình, hoặc bằng hành động thống nhất,  trao đổi ý kiến với các bên khác ký kết Định Ước này để xác định những biện pháp cần thiết để giải quyết.

B: Hội nghị quốc tế về Việt Nam sẽ được họp lại khi chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thay mặt các bên ký kết Hiệp Định,  cùng yêu cầu, hoặc khi có sáu hoặc hơn sáu bên ký kết Định Ước này yêu cầu”.

Khoan bàn về vấn đề của công pháp quốc tế, ở đây có một nội dung cho thấy bất khả thi là “chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Theo đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là đại diện của hai nửa Việt Nam về mặt quản lý hành chính (miền Bắc và miền Nam) đã thống nhất về mặt Nhà nước thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua cuộc Tổng tuyển cử, vào ngày 2 tháng 7 năm 1976.

Sách sử ghi, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, đây cũng là ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, sau Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. Hiến pháp thông qua ngày 9 tháng 11. Trong giai đoạn đầu khi thành lập chính quyền toàn quốc, Việt Minh mà Đảng Cộng sản làm nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo.

Trong thời gian ngắn, chính quyền bao gồm nhiều tổ chức, đảng phái chính trị tham gia ở cấp trung ương và địa phương như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Trốtxkit, Cao Đài, Hòa Hảo,…

Sau vài năm hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản ra hoạt động bán công khai trong tổ chức Việt Minh và Liên Việt, và từ năm 1951, hoạt động công khai, chính thức giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước. Tham gia chính quyền sau năm 1954 còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Lao động lãnh đạo.

Năm 1959, Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định tiến hành hỗ trợ các lực lượng ở miền Nam tổ chức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang để thống nhất đất nước và sau đó thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi cuộc chiến này là kháng chiến nhằm bảo vệ các thành quả Cách mạng Tháng Tám, đó là khôi phục và bảo vệ quyền tự quyết dân tộc và giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là đại diện nhân dân Miền Nam để thực hiện cuộc đấu tranh này.

Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem cuộc kháng chiến này là sự nghiệp của hai miền Nam – Bắc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và sau đó là của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nhằm đạt độc lập, và thống nhất đất nước.

Với sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc, miền Bắc dưới sự kiểm soát của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hỗ trợ người và của cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để đối đầu với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa suốt 16 năm (1959-1975), miền Bắc luôn là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam.

Như vậy với lược trích lịch sử được cả hai bên “thắng – thua” ghi nhận như vậy, thử hỏi liệu có thể kỳ vọng gì vào “Kết ước quốc tế” mà tổ chức “Chính phủ pháp định Việt Nam Cộng Hòa” đang đặt ra cho lời kêu gọi ủng hộ?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Việc ghi danh tham gia, hay ủng hộ tổ chức chính trị đối lập đều dễ bị cáo buộc vào án an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự hiện hành”

    Vì thế, đừng có dại mà ghi danh hay ủng hộ những thứ này

    Bài rất hay, ghi rõ những gì chính sử & công luận công nhận . Những dữ liệu này đủ chứng minh Đảng Cộng Sản là lực lượng có tính chính danh duy nhất, & có toàn quyền lãnh đạo đất nước & dân tộc Việt Nam . Và ai chống lại hay phủ định điều này sẽ bị chuyên chính đè bẹp .

  • comment-avatar
    Joseph Nguyễn 2 years

    thôi thôi đọc là biết bọn mày theo Cộng Sản rồi