Hiền Vương
(VNTB) – Ở Việt Nam, việc chọn lựa nhân sự lãnh đạo đều do Bộ Chính trị quyết định. Cần thay đổi cung cách quản trị này, bằng việc cạnh tranh bình đẳng của lá phiếu cử tri.
Sau trận thảm họa kinh hoàng với đồng bào miền Trung, rất cần những nhà quản lý phải nhìn nhận lại công tác bảo vệ rừng, và đang ứng xử với rừng như thế nào? Những mặt được, mất của thủy điện ra sao?
Nếu dải Trường Sơn là mái nhà trên cao, thì miền Trung chính là “máng xối” dưới thấp. Khi rừng xanh bị phá hủy, đồi núi trơ trọc, không còn giữ được nước, thì mỗi trận bão lũ, nước sẽ trôi tuột xuống tàn phá “máng xối” miền Trung là điều khó tránh khỏi!
Thủy tận, sơn cùng?
Số liệu của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho biết, hiện trên bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng có khoảng 300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Đây là một trong những quần thể voọc có số lượng lớn nhất trong thế giới tự nhiên, lại sống trong điều kiện dễ quan sát và bảo tồn nhất thế giới.
Trước đây voọc phân bổ đều trên bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, do việc mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường đi xuyên và vòng quanh bán đảo, cùng với việc xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… ở phía đông nam nên voọc bị dồn hết về phía tây bắc.
Theo nhà lâm học Hoàng Đình Bá, nguyên Phó Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng, sau 2 năm thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41-TTg ngày 24-01-1977 gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia, có diện tích khoảng 4.000 ha.
Với lệnh đó, 17 năm sau, ngày 2-10-1992 Bộ Lâm nghiệp ra Quyết định số 447/LN-KL xác định Sơn Trà có tổng diện tích là 4.439 ha để Chính phủ nắm rõ diện tích cụ thể mà điều hành và đổi tên “rừng cấm” thành khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Tuy nhiên, năm 2008, dưới thời của ông Nguyễn Bá Thanh, chính quyền thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20-9-2008 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020. Và từ chỗ Chính phủ gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia có 4.000 ha, Bộ Lâm Nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gọi Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích cụ thể 4.439ha, thì với Quyết định 6758 này của Đà Nẵng, Sơn Trà chỉ còn duy nhất loại rừng là rừng đặc dụng với diện tích toàn bộ là 2.591 ha (!?). Điều này đồng nghĩa với việc Sơn Trà bỗng dưng “mất” 1.847 ha rừng mà Chính phủ và bộ chủ quản đã thừa nhận bằng văn bản nhiều năm trước đây…
Mở ngoặc một chút về ông Hoàng Đình Bá: ông đã bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi ngành lâm nghiệp tỉnh này dưới sự điều khiển của ông, đã căn bản phủ xanh toàn bộ đất trống đồi núi trọc chỉ hơn 2 năm sau giải phóng. Ông bị kết tội là “tù binh của giai cấp tư sản”, do ông đã tận dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế để khôi phục và bảo vệ rừng, gắn việc khôi phục và bảo vệ rừng với lợi ích chính đáng của người dân.
Nhìn từ nội thất ở tư dinh các lãnh đạo
Hình ảnh dễ dàng tìm kiếm trên internet về hình ảnh nội thất tư dinh của các nguyên thủ, quan chức từ cấp bé đến lớn ở các tỉnh từ bờ Bắc Bến Hải trở ra, hầu hết đều là gỗ rừng tự nhiên.
Ở Miền Nam, thì cựu quan chức Lê Thanh Hải cũng có ‘thú đam mê’ tương tự, khi ông chọn nội thất từ lõi của gỗ quý – có nguồn tin là lõi của những cổ thụ bị đốn hạ trên hè phố Sài Gòn là dành riêng cho các vị quan chức kiểu như Lê Thanh Hải.
Một nhà báo kể: Hồi đầu năm tôi có chuyến về miền Trung. Ấn tượng còn nặng nề trong tôi là có quá nhiều nhà mua sắm vật dụng làm bằng gỗ. Một bộ xa lông gỗ cẩm lai choán hết căn phòng gần 20 m2; một bộ phản ngựa gỗ đỏ dày cả gang tay nằm chục người còn rộng. Tới nhà quan chức từ cấp xã thì ôi thôi khỏi nói. Nếu nói thì chỉ một tiếng “ngợp” bởi gỗ!
Gỗ từ đâu? Tất nhiên phá rừng. Nhưng đây là phá rừng hợp pháp! Đó là phá rừng làm thủy điện. Được biết, riêng sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 26 km nhưng đã có tới bốn dự án thủy điện. Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên.
Theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125 ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng. Xem ra đúng là lâu nay đang có “hội chứng làm kinh tế bằng thủy điện”.
Một dẫn chứng cụ thể, ông Lê Việt Trường – cựu đại biểu Quốc hội Khóa XIII, nhận xét: “Nếu đứng từ vai của nhà đầu tư, làm thủy điện nhỏ và vừa để phục vụ cho mục đích kinh doanh chắc chắn không ai muốn làm, nguồn lợi lớn hơn mà nhà đầu tư nào cũng muốn nhòm ngó, chính vì khối lượng gỗ khổng lồ bị phá nát để lấy đất làm thủy điện. Chỉ riêng việc kiếm lợi từ nguồn gỗ này cũng đủ bù đắp cho khoản đầu tư bỏ ra”.
Có ý kiến mách nước là thử bật đèn xanh để các báo được quyền viết từ những sự thật mà họ ghi nhận được, ắt hẳn chỉ cần dạo các nhà máy thủy điện quy mô vừa và nhỏ trải dài từ Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái… sẽ nhận ra nỗi đau về tài nguyên bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại do thủy điện…