Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần xem lại vốn liếng tiếng Việt của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Quang Nhựt

(VNTB) – “Văn hay chẳng luận đọc dài – chỉ đọc mở bài đã biết văn hay”

Lớp một là nền tảng của giáo dục. Theo quan niệm dân gian, đứa trẻ như một tờ giấy trắng, dạy chúng như thế nào, chúng sẽ ra thế đấy. Chính vì thế, có thể nói, những bài học được soan để dạy cho học sinh tiểu học là vô cùng quan trọng.

Phải chăng, cũng chính vì lẽ đó mà những “hạt sạn” trong sách giáo khoa tiếng Việt 1 do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cùng cộng sự soạn thảo đã được nhiều người chú ý đến. Bởi, trẻ em là những tương lai của đất nước.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2. Câu hỏi được đặt ra, thay vì ông trách cộng đồng làm vậy, nhìn ở một góc độ khác, tại sao ông không soạn những bài ngắn gọn; đủ ý, gói gọn trong một phần, một bài?

Tạm chấp nhận một lý do là những câu chuyện ông dẫn ra có ý nghĩa, dạy cho các em bài học này bài học kia, chấp nhận luôn cái gọi là phần 1, phần 2 do ông đưa ra. Vậy tại sao khi kết thúc cái gọi là phần 1, ông không ghi hai chữ còn tiếp mà lại ghi phỏng theo LÉP TÔN XTÔI (Hoàng Minh kể)? Ông có nghĩ đến việc các em học sinh lớp 1 không chú ý kỹ đến con số 1 – 2 trên đầu câu chuyện hay không? Hay chăng ông nghĩ với quỹ thời gian hạn hẹp, giáo viên có thể một lúc dạy hai bài cho đầy đủ câu chuyện?

“Văn hay chẳng luận đọc dài – chỉ đọc mở bài đã biết văn hay”. Có thể nói, với sách giáo khoa tiếng Việt 1 do ông Nguyễn Minh Thuyết cùng các cộng sự, chỉ cần đọc cái bìa sách là cũng không rõ ràng về chữ nghĩa.

Bìa 4 quyền sách có viết: “Tổng chủ biên cuốn sách là GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Tác giả là những nhà giáo, nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong giáo dục tiểu học”.

Câu “Tác giả là những nhà giáo, nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong giáo dục tiểu học” tựa như một sự giải thích ngữ nghĩa, thường bắt gặp trong luật. Nó giống như đang giải thích cho từ tác giả là gì? Nếu không mang ý nghĩa đó mà là mang ý nghĩa muốn “quảng cáo” tên tuổi của các vị biên soạn sách thì nên có một sự rõ ràng trong ngôn từ, ví dụ như “Nhóm tác giả biên soạn sách là những nhà giáo, nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong giáo dục tiểu học”.

Biên soạn sách tiếng Việt cho các em học sinh lớp 1, không rõ ràng trong ngôn từ, dễ dẫn đến hiểu lầm, bởi “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

Với suy nghĩ của những học sinh lớp 1, hoàn toàn là non nớt, không thể đòi hỏi các em phải suy nghĩ nhiều rồi suy luận, cuối cùng là đúc kết nên vấn đề như thế nào. Chính vì thế, sách giáo khoa khi biên soạn, cần phải rõ nghĩa lẫn sáng ngôn từ.

Theo giải thích của ông giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, “Ông cho rằng không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên”. Cứ cho rằng điều ông nói là đúng, vậy thì cần chi đến những người như ông Thuyết phải ngồi nghiên cứu để rồi đưa ra cái gọi là sách giáo khoa tiếng Việt 1, cần chi hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Bản thân giáo viên (hoặc từng trường) cũng có thể tự soạn một chương trình học cho riêng mình. Như vậy chẳng phải dễ dàng hơn trong việc truyền đạt lại cho học sinh hay sao? Đó là chưa kể, giáo viên không phải sử dụng một khoảng thời gian cho việc nghiên cứu sách giáo khoa mà ông Thuyết và cộng sự đã viết.

“Tôi nhớ ngày xưa đi học, có nghe nói đến một vấn đề, đó là việc gia đình cùng chung tay với Nhà trường dạy dỗ con em. Thật ra điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi theo quan điểm của tôi, gia đình là một trong những nơi giáo dục đứa trẻ thành người.

Trên lớp đông học sinh, thầy cô giáo cũng khó lòng có thể quản lý hết được. Nói theo kiểu của ông Thuyết, chỉ cần học sách giáo khoa của ông là gia đình khỏi cần bận lòng dạy, hướng dẫn thêm cho con em mình? Giao hết cho giáo viên là xong? Nếu ý ông không phải, vậy thì với chương trình sách giáo khoa do ông và các đồng nghiệp soạn thảo, người lớn còn khó hiểu, có những bài đọc không rõ nghĩa, làm sao có thể chỉ cho các em đây?”, bà Út – một phụ huynh thắc mắc.

Với hàng loạt lùm xùm từ sách giáo khoa tiếng Việt 1, nhiều người lên tiếng phản ứng, xem ra không chỉ cần phải xem lại vấn đề sử dụng tiếng Việt trong vấn đề giảng dạy của nhà “kinh nghiệm và tâm huyết trong giáo dục tiểu học” Nguyễn Minh Thuyết, mà còn là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 21/11/2019.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Bộ Giáo dục lên tiếng về việc học trò lớp 10 được tùy chọn học môn lịch sử

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ GD&ĐT lại đổi quy chế thi: đánh đố học sinh và giáo viên

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.