Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cấp dưới không phục tùng cấp trên: liệu có dễ bị bãi chức?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch Covid-19 hôm nay 17-10 nhấn mạnh: “Triển khai Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên”.

Tuy nhiên ngay trong cuộc họp này cho thấy ý kiến của vị Phó Ban chỉ đạo Vũ Đức Đam lại mang dáng dấp của ‘bất phục tùng’, khi ông cho rằng chỉ tới khi vắc xin Covid về nhiều, thì Việt Nam mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới.

Trong lúc đó thì phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất cho rằng Việt Nam đã kiểm soát được tình hình và từng bước chuyển sang trạng thái mới.

Thủ tướng cho rằng tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi; sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Vắc xin nào để ngừa căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”?

Có ý kiến: nếu chỉ căn cứ vào văn bản pháp quy hiện hành, liệu có dễ kỷ luật lãnh đạo địa phương khi các vị quan chức đầu tỉnh này “không phục tùng cấp trên”?

Trả lời nhanh: chỉ dễ khi Bộ Chính trị ‘nhúng tay’ bằng lệnh điều động – ví dụ như hôm 20-8-2021, Bộ Chính trị đã có quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chẳng hạn.

Vì sao lại như thế?

Căn cứ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có thể liệt kê các chức vụ do Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu, bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND cùng cấp.

Tùy thuộc vào vị trí của người giữ chức vụ, pháp luật quy định chủ thể có thẩm quyền trình/ giới thiệu là tập thể (Thường trực HĐND) hoặc cá nhân (Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND). Trình tự, thủ tục để HĐND bầu người giữ chức vụ được thực hiện tại kỳ họp HĐND.

Hiện nay, quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề xử lý kỷ luật đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu có thể được chia thành hai nhóm.

Thứ nhất là nhóm văn bản pháp luật về cán bộ, công chức: Các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức có quy định chung về xử lý kỷ luật đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu được kể đến là Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 (Luật Cán bộ, công chức). Luật này quy định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Tuy nhiên, vì liên quan đến các vấn đề chung, có tính bao quát nên Luật Cán bộ, công chức không quy định rõ trình tự thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với từng đối tượng cán bộ cụ thể.

Thứ hai là nhóm văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không đề cập trực tiếp đến vấn đề “xử lý kỷ luật” đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, mà đề cập đến việc bãi nhiệm dưới góc độ là thẩm quyền của HĐND và cách chức với góc độ là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp.

Hình thức kỷ luật cách chức được áp dụng theo trình tự, thủ tục hành chính đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu và làm việc tại khối cơ quan hành chính, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tich UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp trên cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới.

Căn cứ vào thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh (khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ, khoản 7 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trong việc phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới (khoản 7 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương), thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xử lý kỷ luật với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý kỷ luật với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới.

Quy định này xác định đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trong việc xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhưng không đề cập đến thẩm quyền “bãi nhiệm” của HĐND đối với các chức danh do HĐND bầu đang làm việc tại cơ quan hành chính.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 112 về nguyên tắc xử lý kỷ luật thì đối với trường hợp cán bộ đã bị xử lý kỷ luật đảng, thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Quy định số 102/QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị, chỉ có 04 hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Vắc xin hiệu quả nhất: lệnh của Bộ Chính trị

Rối rắm ở trên xuất phát từ việc dân chủ hình thức, bởi giữa cơ chế dân cử và cơ chế hành chính luôn có sự khác biệt.

Muốn không còn sự mâu thuẫn, chồng chéo, cần xác định những người giữ chức vụ do HĐND bầu không phải là đối tượng áp dụng trách nhiệm kỷ luật hành chính, các quy định về xử lý kỷ luật nói riêng và các vấn đề về công tác quản lý cán bộ nói chung.

Và ở đây với những tiền lệ, cho thấy việc xử trí nhanh nhất là Bộ Chính trị đưa ra một quyết định hành chính về điều động nhân sự nào đó ở cấp lãnh đạo địa phương cho tới bộ ngành – kể cả cấp cao chót vót như phó thủ tướng, chuyển về làm ‘sếp phó’ ở những cơ quan như Tuyên giáo, Ban Kinh tế trung ương.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tạm đình chỉ ông Nguyễn Đức Chung giữa dịch Covid- 19 bùng phát mạnh

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhường huy chương vàng karate – chỉ có ở Việt Nam!

Do Van Tien

VNTB – Công trạng gì cái gã ấy…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.