Ngọc Lan
(VNTB) – Bác sĩ Nguyễn Thanh Long được nhắc tên ở đây chính là Bộ trưởng Y tế đương nhiệm.
“Để giảm thời gian giãn cách, phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Từ đó, nới lỏng dần việc giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, vấn đề xét nghiệm rất quan trọng. Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng có người lây nhiễm” – báo điện tử Chính phủ VGP, đã trích lời phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 10-9-2021.
Bác sĩ ‘tiến thân’ bằng con đường chính trị
Lý lịch trích ngang liên quan đến chuyên môn y khoa của ông Nguyễn Thanh Long, tóm tắt như sau: Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Thái Bình (ngày nay là Đại học Y Dược Thái Bình) năm 1990, sau đó là Thạc sĩ Y khoa chuyên ngành Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội năm 1995; Tiến sĩ Y khoa năm 2003; Phó Giáo sư y học năm 2009, Phó Giáo sư kiêm nhiệm Trường Đại học Griffith, Úc năm 2011; Giáo sư y học năm 2013.
Lý lịch về trình độ chính trị: Tốt nghiệp Chính trị cao cấp 2007; Tốt nghiệp lớp bồi dưỡng dự nguồn cao cấp khóa III tháng 05-2014.
Không thấy ghi ông Nguyễn Thanh Long có theo khóa bác sĩ nội trú hay không. Chỉ biết là ông Nguyễn Thanh Long tham gia công tác quản lý từ năm 1995 – 2003, với chức vụ ban đầu là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng. Từ tháng 3-2008 đến 11-2011, ông Nguyễn Thanh Long là Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bí thư Đảng bộ Cục phòng, chống HIV/AIDS. Trưởng Bộ môn HIV/AIDS Trường Đại học Y tế công cộng.
Ngày 24-12-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 12-2016, ông được bổ nhiệm lại giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế .
Ngày 30-10-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Từ ngày 05-11-2019 đến ngày 03-02-2020, ông Nguyễn Thanh Long tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thời điểm này Hà Nội bắt đầu đối mặt với đe dọa dịch Vũ Hán từ Trung Quốc tràn sang qua đường biên giới.
Khá bất ngờ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Việt Nam, và rồi sau đó là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế…
Với lý lịch như trên cho thấy hoạn lộ của ông Nguyễn Thanh Long dường như không mấy liên quan đến kiến thức y khoa mà ông được đào tạo và không có cơ hội thực hành trong môi trường y khoa dịch tễ lẫn y khoa điều trị. Ông chủ yếu là một ‘y khoa chính trị’, và trong vai trò này cho thấy ông đang lúng túng về kiến thức chuyên môn của cả dịch tễ lẫn điều trị.
Có phải vì ‘bỏ chuyên môn’ quá lâu nên ‘lụt’ kiến thức?
Liên quan đến phát biểu mà báo Chính phủ VGP, đã trích lời phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 10-9-2021, bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh đang tham gia điều trị ở bệnh viện dã chiến tại TP.HCM ý kiến như sau:
Nguyên tắc 4T của chống dịch là: Tracking (Truy vết xuôi). Tracing (Truy vết ngược). Testing (Xét nghiệm-Test). Treating (Điều trị-Thuốc, vắc xin).
Khi chống dịch xâm nhập cộng đồng thì các biện pháp tracking, tracing và testing được ưu tiên. Mục tiêu là sớm phát hiện F0 và các F1, F2 để bóc tách khỏi cộng đồng. Lúc này treating là thứ yếu, do lượng người bị bệnh ít nên cũng không cần tập trung nhiều. Do vậy lúc này: Tracking-Tracing-Testing- Treating là mẫu chống dịch phù hợp.
Tuy nhiên khi dịch đã ở ngoài cộng đồng, F0 đã được để ở nhà, các biện pháp tracking, tracing không làm nổi nữa thì việc cố gắng testing chỉ đơn giản là biện pháp cho biết ai dương tính, ai âm tính và thống kê số ca nhiễm chính xác hơn.
Việc mở rộng testing sẽ làm tăng gánh nặng chi phí mà không có hiệu quả bóc tách F0 nếu F0 vẫn phải ở nhà. Việc mở rộng testing sẽ bào mỏng nhân lực khối phòng dịch khi mà ngành y tế cần tập trung nhân lực khối phòng dịch để tiêm vắc xin.
Khi dịch đã ra cộng đồng thì chỉ nên dồn sức làm xét nghiệm cho nhóm nguy cơ tử vong cao để nhóm này được chú ý và đưa vào viện sớm. Khi dịch đã ra cộng đồng, y tế nên dồn sức vào treating để giảm thiểu tỷ lệ trở nặng và tỷ lệ tử vong. Giai đoạn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, đơn giản là vậy.
Vài dòng trích ngang lý lịch bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh: năm 1998: lấy bằng bác sĩ Đa khoa Đại học Y Hà Nội. Năm 2005: bằng bác sĩ Hồi sức cấp cứu và Điều trị bệnh nhân Nội trú, Đại học Y Hà Nội. Năm 2001: Chứng chỉ hành nghề Chăm sóc Hệ hô hấp – Trung tâm Kỹ thuật T.H Pickens, Colorado, Hoa Kỳ.
Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh chuyển công tác vào TP.HCM vào năm 2011, ông tiếp tục công việc của một bác sĩ hồi sức cấp cứu.