Ngụy Hữu Tâm
Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi bắt đầu viết bài này vào ngày 12 tháng ba, 2 ngày sau ngày 10 vào BVHN tiêm zoladex. Ngày 11 giỗ bà ngoại cháu GN, thế là cũng đã 7 năm trôi qua, cụ ra đi thanh thản, trước đó đã mệt nhiều và vợ tôi, bác sĩ mà nên rất tỉnh, cũng đã lo trước và tối tối lên ngủ với cụ. Tối đó cụ đi ngủ bình thường, nhưng sáng sớm vợ tôi sang thăm thì cụ đã ra đi trong đêm rồi. Cuối đời, ai chẳng mong được lên thiên đàng (hay xuống địa ngục, chắc chắn chỉ có lũ mafia hay tội phạm chiến tranh mới nghĩ thế, nếu như có lúc chúng tình cờ tỉnh lại để suy nghĩ) nhưng chỉ số ít may mắn (hay có lẽ đã làm nhiều điều thiện, nếu người ta tin vào một tôn giáo nào đấy hay na ná vậy) mới được như vậy. Mẹ vợ tôi thì quá rõ, nói không phải khen vợ mình, nhưng cứ suy từ đó ra thì biết. Không chỉ tôi có ý kiến đó, vợ tôi cũng đã 65 tuổi rồi, cả đời theo ngành y và hiện nay vẫn làm việc cơ mà. Nhớ hôm đó tôi đang theo tour ngoài Quảng Ninh, phải bắt ngay xe khách về Hà Nội. Lẽ ra sáng hôm đó phải lên tàu đi 1 ngày 1 đêm thăm vịnh với khách và sáng hôm sau về thẳng SBNB đưa tiễn khách bay vô Nam, nhưng may quá, tôi nhanh nhẹn – cũng không báo công ty mà làm việc thẳng với khách, may quá chỉ qua điện thoại mà làm guide cho khách thôi, rất may là khách thông cảm chấp nhận, cũng đã đi 2 ngày với khách rồi mới dám làm thế!
Cũng nên nhắc, trong tuần chúng tôi lại có buổi gặp nhau tại quán 19C Ngọc Hà, tiễn nhà văn HMT vô Nam mấy tháng thăm vợ ở trong đó, nhân dịp này tôi biếu anh cuốn Hồi ký của tôi vì năm ngoái anh bận không dự buổi lễ ra mắt sách. Cũng nên nói là trong buổi này, chắc chắn phải trên 20 người tham gia, có lẽ có người nổi tiếng nhất, có thể còn hơn HMT là TTĐ, con cụ TDH, nguyên Chủ tịch Hà Nội, người cũng vừa ra Hồi ký, mà đường hoàng ở NXB Hội nhà văn, không như tôi, phải gửi NXB nước ngoài ra sách giúp. Anh Đ, chơi thân với nhà văn VTH, kể ông đang ở Hà Nội và muốn ở lại luôn chứ không sang lại Paris nữa, đang xin nhà nước cho phép, tuổi quá già rồi mà, hy vọng là được. Còn nếu không thì có lẽ quá tệ, ai lại nỡ đối xử với người gần đất, xa trời như thế? VTH tôi không biết cá nhân anh, nhưng cảm tình với nhóm các anh, những người tài giỏi và can đảm như thế, là rất nhiều. Nhưng VVS em gái anh thuộc nhóm 20 người cơ khí chính xác Dresden của tụi Moritzburger thì tôi biết quá rõ, tuy định cư ở Đức nhưng hàng năm vẫn về nước ít nhất 1, 2 lần.
Trở lại kỷ niệm xưa, ngày 16.03. nhân vừa đi dự tang lễ bà ĐTN, chị ruột vợ đầu ĐHS ở Nhà tang lễ Quân đội 05 Trần Thánh Tông, xin kể qua lại về 2 bà này và gia đình họ. Lại nói những mối tình đầu, sau quan hệ với cô T. bạn em gái tôi mà tôi đã có kể ở bài trước, là cô M. ở viện NIKI mà cô này cũng quá dễ nên tôi cũng bỏ ngay thì vừa lúc PĐH bạn Moritzburger của tôi giới thiệu tôi với S. Tôi đã có kể rồi, chỉ nói riêng kỷ niệm với chị N, là chị cả trong nhà (5 anh chị em, cậu B ở SG có ra dự tang lễ) nên cũng chăm lo cho các em. S và tôi khi đó (những năm cuối 60 đầu 70) có mấy lần đạp xe thăm chị theo cơ quan (lúc ấy chị đang dạy Toán ở Trung cấp Địa chất) sơ tán ngay gần ga Như Quỳnh trên đường 5, cách Hà Nội có trên 30 km mà hồi đó thấy xa đến thế. Lúc ấy chị mới có ĐHG, chắc 5, 6 tuổi gì đó, sau đó chị còn có ĐHM. Hai anh em sau lớn lên học giỏi, theo nghề bố là GS ĐND ở Đại học Bách khoa Hà Nội, học điện ở CHDC Đức, đúng vào những năm trước khi bức tường Berlin đổ nên có điều kiện (hay đúng hơn là rất giỏi đi) chạy sang Vienna, rồi đều làm TS ở đó. M hiện đã lập gia đình rồi định cư ở đấy luôn (có kịp về dự tang lễ), G thì đưa vợ con về nước từ lâu rồi, hiện cũng tham gia viết sách báo, khá nổi tiếng đấy! Lại nói anh chị D&N tổ chức cuộc sống rất giỏi, cả cho các em. Nhưng 5 người thì chỉ có 3 là yên ổn cho đến cuối đời (bây giờ tuổi về hưu tất cả rồi nên tạm kết luận như thế). Ngoài tôi còn có cậu em ĐXD cũng giữa chừng đứt gánh. Nhưng cũng nên nói là, nói chung D không may ở đời và cũng không khéo nữa. Sau vợ đầu tôi có 2 tuổi, cũng học Toán ĐHTHHN, ra thì được phân công về dạy ĐH Thương nghiệp. Rồi cũng có đi dạy Algeria, nhưng vì chưa có bằng TS nên chỉ dạy trung học, thế mới khó vì đòi hỏi tiếng Pháp phải rất tốt. Mà lại ngay mấy buổi đầu tiên có giám định viên dự giờ ngay. D không may bị đánh giá kém. Lẽ ra cũng có cách giải định đấy nhưng không biết sao hết năm thứ nhất D. bị hủy hợp đồng. Khá rách việc. Nhưng sau D cũng quyết tâm làm TS trong nước, ở Viện Toán VKHVN. Thế nào mà cuối cùng khi bảo vệ, hội đồng không cho qua. Số rách quá, mà công bằng mà nói thì D. hoàn toàn không kém! Sao đời xử tệ thế? Cậu em út ĐXD bị ngã chấn thương đầu khi trẻ bị ảnh hưởng, học kém nhưng vẫn may, đi bộ đội vét trước 1972 nhưng giỏi ‚B quay’ giữ được mũ cối, về học đại học nông nghiệp, ngành thú y, cứ tưởng chán lắm mà hóa hay, tốt nghiệp sau ‚giải phóng Miền Nam’ trong đó đang thiếu người nên được phân ‚vô Nam’, làm ngay kiểm tra thú y SB Tân Sơn Nhất, phân nhà ngay dưới chân cầu chữ Y ngay trung tâm SG, tôi nhiều lần tới nhà những năm đầu đi tour, rất hay vào đó. Còn kỷ niệm với anh ĐND, ông anh đồng hao ở thời bà vợ đầu thì quá nhiều, nhớ nhất là hồi anh em sang Pháp năm 1983, nhưng anh không ở Paris nhưng cũng có lên thủ đô vài lần, có lần còn mang đài về giúp anh. Rồi sau 1995 về tham gia viết bài cho báo ‚Khoa Học & Tổ Quốc’ mà khi đó anh đã làm Tổng biên tập, làm sao quên? Bây giờ chị N đi, anh vất vả lắm đây!
Tờ Der Spiegel số 5 ra ngày 28 tháng 01. 2022 có tiêu đề: Bây giờ Ucraina có thể thắng chăng? Với chiếc xe tăng to đùng. Rồi ngay dưới: Leopard làm thay đổi chiến tranh như thế nào – và phương Tây mạo hiểm cái gì ở đấy, tưởng tượng ra ngay, ‚vừa đ. vừa run’, ra trận mà thế thì làm sao mà thắng được. Rõ ràng cuộc chiến tranh Ucraina-Nga không thể so sánh cái cuộc chiến tranh Việt -Mỹ trước đây được hơn nửa thế kỷ, nay thì thế giới đã hoàn toàn khác trước, chưa nói vấn đề châu Âu-Mỹ và Nga-Tàu quá ư phức tạp. Nhưng ở bài chốt này mà viết: Cung cấp xe tăng lẽ ra có thể có nghĩa là khởi đầu cho kết thúc cuộc chiến tranh. Quá lạc quan! Vừa thay Bộ trưởng Quốc phòng mới Pistorius cho bà Bộ trưởng chán ngấy cũ. Thủ tướng Scholz thúc Mỹ cũng cùng tham gia cung cấp xe tăng và người Đức nghĩ sao về việc ấy. Bùng nổ mới cho Leopard 2 làm cho các nhà sản xuất Đức vui sướng, đúng là lũ lái súng! Mỹ: Nguyên cố vấn chính phủ Angela Stent nói về những sai lầm của phương Tây trong ứng xử với Nga. Ucraina: Vì sao việc (Đức và NATO) cung cấp xe tăng là quan trọng cho đất nước (Ucraina). Cái làm cho Leopard 2 A6 là rất đặc biệt.
Còn có nhiều bài về nội bộ nước Đức, phức tạp ra trò, thiếu nhà ở, tội phạm,… thậm chí có những nhóm cực hữu tổ chức lật đổ chính phủ bằng vũ trang với sự tham gia của cựu quân nhân, người đã từng làm trong lực lượng công an… tức đang sở hữu và biết cách dùng vũ khí quân dụng.
Về tình hình thế giới, buồn cho Israel quá, nước dân chủ nhưng đang ngả về độc tài với chính phủ mới của Benjamin Netanyahu. Còn nước Gruzia nhỏ bé vốn thuộc Liên Xô cũ, nguyên Tổng thống Saakachvilli chỉ bởi lẽ ngây thơ chính trị mà dân nước đó khổ thế? Thoát con gấu (dữ tơn và nham hiểm) Nga đâu dễ thế, cứ xem bây giờ nước Ucraina to hơn nhiều và mạnh thế mà điêu đứng thế, NATO đâu dễ giúp? Nước nào cũng quan tâm đến lợi ích nước đó thôi! Chính trị thế giới quá ư phức tạp. Cũng vậy cho Nigeria, nước lớn nhất châu Phi, giàu có thế mà dân quá khổ, đang dần trở nên ‚failed state-nhà nước sụp đổ’.
Xin dịch tiếp bài trước trên tờ Spiegel số 52 ra ngày 23 tháng 12. 2022
………
Các thiên hà trưởng thành nhanh hơn là lý thuyết cho phép
Hạt giống của sự tồn tại
Cái làm Bromm đau đầu thì lại gây hưng phấn cho Günther Hasinger. Từ lâu ông đã tiên đoán rằng, ở thời kỳ sớm của vũ trụ thì chỉ có các sao và thiên hà lúc nhúc thôi. Dù cho bây giờ lúc nào có công bố một bức ảnh „Webb“ mới, Hasinger vẫn bắt tay vào việc đếm só các thiên hà dịch chuyển về đỏ. Bằng cách đó ông muốn tìm xem, liệu lý thuyết mà ông cùng vài đồng nghiệp đã tính ra, có đúng không. „Vào thời điểm này tất cả xem như chúng tôi đúng“, ông bảo.
Hasinger tự gọi mình là „nhà nghiên cứu nghiệp dư“, nhưng đấy là, nói một cách thận trọng, một sự nói giảm bớt đi. Ông nguyên là giáo sư ở Potsdam và Munich, ngoài ra viện trưởng ở Đại học Hawaii. Nhưng thời gian dài nhất thì ông làm ở Viện Max-Planck về Vật lý ngoài Trái Đất tại Garching. Bây giờ ông là Giám đốc khoa học của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu Esa, ở đấy ông có nhiều nhiệm vụ hành chính, bởi vậy ông chỉ còn ít thời gian cho nghiên cứu. Nhưng ông vẫn tiếp tục dành niềm đam mê của mình cho vật lý thiên văn, và trước hết là cho ý tưởng lớn mà 10 năm trước ông đã đẻ ra.
Khích lệ cho nó là sự nghiên cứu những thăng giáng kỳ lạ của nền tia X và hồng ngoại, một bức xạ bao trùm toàn bộ vũ trụ. Cho đến nay vẫn tranh cãi, từ đâu ra tín hiệu này. Nhưng Hasinger nảy ra ý tưởng, tiếng ồn tia X có thể xuất phát từ những lỗ đen gốc, còn được gọi là nguyên thủy, mà chúng ta hình thành ngay từ những giây đầu tiên của vụ nổ gốc.
Theo giả thuyết của Hasinger thì ngay từ đầu, những vật thể này đã bay lung tung trong vũ trụ đầy khí và làm xúc tác cho sự tạo thành các thiên thể. Nói cách khác: ở bước khởi đầu không hề có sao và thiên hà; đầu tiên chỉ có các lỗ đen.
Ý tưởng này không hề lệch lạc. Khi các nhà vật lý tái tạo lại những giây đầu tiên của vũ trụ, họ nhanh chóng nhận ra rằng ở những điều kiện khắc nghiệt của vụ nổ gốc thì sự hình thành các lỗ đen là có thể về mặt lý thuyết. Nhiệt độ là hàng triệu triệu độ, năng lượng cực lớn và khối lượng được nén cực kỳ cao. Ở những hoàn cảnh này thì chỉ cần xuất hiện những vón cục nhỏ là ngay lập tức chúng phá hủy bằng áp lực bên ngoài thành các lỗ đen.
Tuy nhiên Hasinger vẫn phải đối diện nhiều hoài nghi. Phần lớn đồng nghiệp cho rằng ít có khả năng tồn tại các lỗ đen nguyên thủy. Họ phản bác rằng, những vật thể nhỏ hơn trong số vật thể vừa hình thành này lại bay hơi ngay. Nếu như có số lớn hơn thì lẽ ra chúng phải để lại dấu vết. Phần lớn các nhà thiên văn cho rằng, vũ trụ được cư trú bởi vô số vật thể khổng lồ vô hình như thế mà chưa bao giờ được phát hiện ra là hoàn toàn không thể được.
Nhưng Hasinger không để điều ấy làm cho bối rối. Ông chỉ ra rằng, các lỗ đen rất khó phát hiện. Lực hấp dẫn của nó lớn tới mức ngay ánh sáng cũng không thoát ra được. Vì thế chúng có màu đen cho nên nhiều nhất cũng chỉ có thể chứng minh được bằng cách gián tiếp.
Hasinger thấy lý luận của mình được xác nhận qua các bức ảnh do kính thiên văn „Webb“ mới đây chụp. Nhiều cuộc thảo luận chuyên sâu bây giờ xoay quanh câu hỏi những thiên hà và thậm chí cả các quasar trưởng thành sớm có thể hình thành như thế nào. Hasinger tin là mình đã biết được câu trả lời: các lỗ đen là cái động cơ, từ các vật thể nói trên sinh ra những ngôi sao và thiên hà đầu tiên.
Theo lý thuyết của ông, ngọn lửa sinh ra các ngôi sao đầu tiên được mồi ngay từ khoảng 50 triệu năm sau vụ nổ gốc – và qua đấy khoảng 100 triệu năm sớm hơn nếu cứ theo đúng kịch bản chuẩn. Hasinger đã tính rằng, theo giả thuyết của ông thì kính thiên văn „Webb“ phải tìm ra ở giai đoạn đầu của vũ trụ các thiên hà sơ sinh 10 lần nhiều hơn giả thiết của những lý thuyết khác.
Còn quá sớm để tin rằng dự báo của ông đúng. Nhưng bây giờ các bức ảnh tiếp theo của siêu kính thiên văn mới lần lượt đến nhanh. Và ông vững tin là chúng sẽ cung cấp các luận chứng ủng hộ mình. Ông vui mừng ghi nhận, số những công trình thảo luận vấn đề các lỗ đen nguyên thủy gần đây tăng nhanh thế nào: „Như tsunami!“.
Các lỗ plasma trong vũ trụ
Các quan sát của kính thiên văn „Webb“ nuôi dưỡng quan điểm rằng có gì đó không đúng ở lý thuyết hiện nay về các sao đầu tiên. Còn thiếu cái gì đó ở bản kê cho khí nguyên thủy. Tại sao lại có những quasar ở nơi mà lẽ ra chúng không được phép tồn tại? Vì sao các thiên hà trưởng thành nhanh hơn là lý thuyết cho phép?
Các nhà vật lý lý thuyết như Bromm, Hasinger… đang vò đầu với các vấn đề ấy…
Bây giờ cái quan trọng nhất là phải tiếp tục thu thập các dữ liệu. Còn lâu mới đánh giá được toàn bộ các bức ảnh „Webb“ ly kỳ vì lúc nhúc chấm, còn rất nhiều cái để phát hiện ra. Mà cũng liên tục từ vũ trụ đến những bức ảnh mới. Chẳng hạn phải nghiên cứu hình thái học của các thiên hà còn trẻ, đặc biệt là phân tích những phổ của chúng. Vì chúng cho ta biết về chuyển động của các sao trong các thiên hà. Và ở chúng cũng đọc ra, các yếu tố mới hình thành bao giờ và nhanh đến đâu.
Cả độ sâu tối đa tầm nhìn của kính thiên văn cũng chưa đạt tới. Chẳng hạn nhóm các nhà thiên văn của Rix được tiếp tục nhận thời gian quan sát. Họ muốn hướng „Webb“ vào vùng trời cũ vì nếu nó ngắm càng lâu vào một địa điểm cực nhỏ, sẽ càng có nhiều thiên hà xa, ánh sáng yếu xuất hiện ở đấy – nếu như có chúng.
Những nỗ lực nghiên cứu tiếp theo hướng vào việc so sánh các kết quả của kính thiên văn „Webb“ với những quan sát của các dụng cụ khác. Thiên văn học hiện đại phần lớn gồm điểm là kết hợp tầm nhìn qua nhiều cửa sổ khác nhau để thành một bức ảnh tổng quát.
Chẳng hạn có những tia sét gamma năng lượng cao, đấy là một hiện tượng hiện nay đang được thảo luận nhiều. Kéo dài vài giây, nhiều nhất vài phút, chúng lấp lánh trên bầu trời và ở thời gian ngắn này phát ra nhiều năng lượng hơn Mặt Trời ở toàn bộ tiến trình tồn tại của nó.
Đang còn tranh cãi về nguồn gốc của sự bùng nổ bức xạ này, nhưng nhiều khả năng là chúng có nguồn gốc ở supernovae, các Mặt Trời nổ tung ở cuối đời chúng. Bây giờ các nhà nghiên cứu tự hỏi, liệu cũng có thể chứng minh được supernovae xuất sắc mà cuộc đời ngắn ngủi của những ngôi sao đầu tiên kết thúc ở đấy, ở tư cách là những tia sét gamma.
Ngay các tín hiệu vô tuyến cũng có thể tỏ ra là những nguồn thông tin quan trọng. Đầu tháng này bắt đầu xây một siêu kính thiên văn mới: ở Tây Australia là sa mạc Outback trên diện tích 3000km2 với 130000 ăng-ten hình cây thông Noel.
Dụng cụ này phải cung cấp những bức ảnh ly kỳ mà từ trước tới nay chưa bao giờ có. Nhờ nó các nhà thiên văn học hy vọng có thể theo dõi xem những ngôi sao đầu tiên ăn những lỗ plasma như thế nào vào khí nguyên thủy.
Một cảnh tượng như ở ngày đầu tiên
Còn có một phương pháp nữa để tìm ra những ý niệm về thời bình minh của vũ trụ. Các nhà nghiên cứu có thể tìm những tàn tích của thời đại này ở những vùng gần Trái Đất. Lĩnh vực liều lĩnh này được gọi là ngành „Khảo cổ học bầu trời“.
Tương tự như các nhà khảo cổ học ở Trái Đất khai quật ở sâu dưới đất để bới ra những vết tích của các nền văn minh đã qua, các nhà khảo cổ học bầu trời tìm ở bầu trời để thấy các nhân chứng cho những thời đại đã trôi qua. Phần lớn các ngôi sao của Giải Ngân Hà đều còn trẻ nếu so với kích cỡ vũ trụ học. Chẳng hạn Mặt Trời hình thành trước đây 4,6 tỷ năm, những ngôi sao khác còn trẻ hơn nhiều. Nhưng cá biệt vẫn có những cụ lão còn sống sót từ thời đầu ở những góc hẻo lánh của các thiên hà.
Đặc biệt là các thiên hà chú lùn mà có nhiều trong số đó đang bay quanh Giải Ngân Hà, là quê hương của nhiều sao cụ lão. Bởi vì ở đấy sự phát triển xảy ra khá là khoan thai. Bởi vậy nên các nhà thiên văn thích nói về tỉnh lẻ của vũ trụ: hoàn cảnh của vũ trụ tương tự như trên Trái Đất. Trong khi ở sự vội vã của các thành phố lớn, tuổi thọ qua nhanh, thì các truyền thống vẫn sống mãi ở nông thôn.
Kích thước tốt nhất cho tuổi thọ của một ngôi sao là hàm lượng các nguyên tố nặng của nó. Mà những thứ này – trước hết là sắt đặc biệt có khả năng khai báo lớn – để lộ mình qua các vạch phổ của chúng. Qua việc nghiên cứu cẩn thận quang phổ ánh sáng, các nhà khảo cổ học bầu trời đã có thể nhận dạng ra những ngôi sao mà chúng chỉ phát biểu hiện một phần ngàn, một phần trăm ngàn hay thậm chí ở trường hợp cho đến nay là tột cùng, ít hơn một phần mười triệu của hàm lượng sắt của Mặt Trời.
Ở những kẻ giữ kỷ lục, các nhà khoa học xuất phát từ điểm là, vấn đề có thể xoay quanh những ngôi sao của thế hệ thứ 2 – và qua đó là các hậu duệ trực tiếp của những kẻ khổng lồ đầu tiên mà chúng đã cháy trong khí hydro ban đầu.
Các nhà khảo cổ học bầu trời hết sức thích nghiên cứu một trong số những ngôi sao đầu tiên này. Thế nhưng hy vọng của họ một lúc nào đó được giáp mặt một sao như thế, là hết sức nhỏ – cho đến đầu năm rồi khi Earendel bỗng xuất hiện trước các nhà thiên văn. Đấy là một khái niệm Anh cổ, có nghĩa là Sao Mai.
Khi ấy Brian Welch, một nhà khoa học trẻ của Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, cúi xuống nhìn một bức ảnh của kính thiên văn vũ trụ „Hubble“. Ông muốn nghiên cứu ảnh của một thiên hà chú lùn bị dịch chuyển rất mạnh về đỏ mà hình dáng phía trước của nó bị méo thành một đường hơi cong một chút do tác động hấp dẫn của một tập hợp lớn khối lượng.
Để xác định độ lớn của thiên hà, Welch muốn tìm xem, thấu kính hấp dẫn đã khuếch đại ảnh của nó đến mức nào. Nhiều điểm sáng được ông dùng để định hướng: các đám sao gồm hàng trăm ngàn ngôi sao.
Welch thất vọng xác định rằng, một trong số các điểm này nằm đúng vào tiêu điểm của thấu kính. Rồi ông cũng rõ là điểm này phải do một nguồn sáng rất nhỏ gây ra – nhỏ đến mức, đó chỉ có thể là một sao hay nhiều nhất là một sao kép. Welch đã cố định một ngôi sao riêng lẻ ở khoảng cách 12,9 tỷ năm ánh sáng, và như thế là rất sớm hơn bất cứ một người nào khác. Được „Ông chủ của các nhẫn“ của của Tolkien, ông đặt tên nó là Earendel.
Nhà vật lý thiên văn trẻ hầu như không thể nhận thức nổi điềm may của mình. Trước đây chưa bao giờ quan sát được một nguồn sáng mà nó nằm đúng vào tiêu điểm của một thấu kính hấp dẫn. Ánh sáng của nó được khuếch đại hơn 4000 lần. Thế nhưng chỉ riêng cái đó chưa đủ để làm cho một ngôi sao là nhìn thấy được với một khoảng cách vũ trụ lớn đến như thế. Welch nhận được sự trợ giúp của một sự ngẫu nhiên thứ hai: Earendel không phải là một ngôi sao bình thường.
Việc phân tích ánh sáng của nó cho thấy rằng, trên bề mặt của nó thì Earendel nóng hơn Mặt Trời 3 lần và nó nặng hơn ít nhất 50 lần. Nói cách khác: Earendel là một Rockstar của bầu trời, nó sống gấp và chết yểu – hệt như những ngôi sao đã từng bùng cháy ở vụ nổ gốc.
Điều đó liệu có nghĩa là ở đây Welch thật sự đã bắt gặp một ngôi sao của thế hệ thứ nhất huyền thoại chăng? Tại một góc hẻo lánh của chốn tỉnh lẻ vũ trụ, ở đây đã có một chất khí nguyên thủy sống sót được cho đến khi cuối cùng nó sinh hạ được một ngôi sao đầu tiên?
Chỉ có kính thiên văn „Webb“ mới có thể hiến câu trả lời cho các câu hỏi này. Dẫu khi còn chưa nhìn thấy Earendel, Welch đã đặt trước lịch quan sát trên đài thiên văn mới mà khi ấy nó vẫn còn đang chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn của mình. Ông đã được đồng ý một lịch thời gian nghiên cứu cho năm này.
Dẫu cho trong ánh sáng của ngôi Sao Mai đầy bí hiểm thật sự chẳng tìm thấy dấu hiệu nào của sắt, thì niềm hy vọng vẫn cứ sống mãi. Có lẽ Earendel, ngôi Sao Mai, đang phát ra một thứ ánh sáng như thứ ánh sáng mà nó vốn được tạo ra vào cái ngày đầu tiên của Sáng Tạo.
Dịch từ tờ Der Spiegel số 5 ra ngày 28 tháng 01. 2022