Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chấm phá đời tôi (25)

 

Ngụy Hữu Tâm

 

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan. 

 

Tôi bắt đầu viết bài này vào một ngày cuối tháng ba…

Ngày 30, ghé thăm bạn QV ở ngôi nhà nhỏ của cố họa sĩ QP lừng danh trong ngõ 14, Hai Bà Trưng, ngay trước cửa nguyên Sứ quán Mỹ nay vẫn bỏ trống (chính xác là cho một công ty làm dịch vụ chi đó thuê thì phải, tuy ngoài cổng vẫn có treo cờ sao sọc, dù hết sức nhỏ) vì bạn có căn hộ cao cấp ở Ecopark, chỉ về đấy từ 10h đến 16h để tiếp bạn bè, tôi vội xách ngay xe đạp đến đấy, vì nói chuyện lâu sợ quá trưa. Dọc đường qua 19 phố Lê Thánh Tông, trước cửa ĐHTHHN nổi tiếng bao năm nay, không ngờ phòng họp (mà ở sảnh có tượng bán thân cha tôi) cho thuê làm lễ tốt nghiệp khóa cử nhân đầu tiên ngành thiết kế sáng tạo, chẳng biết của trường đại học nào, nhưng chỉ thấy lố nhố sinh viên mặc áo thụng đen đứng ngoài tán chuyện, chắc lễ vừa xong. Quá chút nữa thấy một ông ăn mặc hết sức chỉnh tề, chắc chắn là giáo sư trường này.

Nhìn kỹ thì hóa ra ông bạn trẻ PL, cùng VVL khi xưa, thậm chí cùng phòng, rồi cùng chuyển sang ngành mỹ thuật, 5, 7 năm nay không gặp. Trông y vẫn như xưa, rất chỉnh chu, và vẫn rất trẻ, thua tôi đến 16 tuổi cơ mà. Gọi mấy làn y không thèm thưa, tôi bèn quay xe lại, không lẽ tôi già lẫn cẫn nhìn nhầm nên nhìn thẳng vào mắt y: „L à, Tâm đây mà!“. Y gầm gừ nhìn tôi: „Tôi giận anh lắm, anh hành xử không đẹp với tôi“. Tôi thật sự bất ngờ, ngay cả khi 10 năm quyền chức trước đây, nào có ai trách cứ mình đâu, thế mà bây giờ y nói thế? Tôi đáp luôn: „Chuyện cũ mà ông nhớ dai thế, thôi chào nhé!“ và phóng xe đi thẳng, tuổi này nhiều mối liên hệ, chơi với nhau mới khó chứ đoạn tuyệt nhau thì dễ ợt.

Lại chỗ QV nói chuyện, vì cùng dân mỹ thuật quá biết nhau, nhất là Hà Nội nhỏ lắm. V bảo, thằng này dân cơ hội mà, y như TCh con trai nhà văn KL cũng vậy, cùng loài mèo mả gà đồng ấy mà, chấp làm chi. Ông mà thuộc giới quyền chức thì hắn đã xoắn lấy ngay ấy mà. Vốn là chuyện in quyển „Về cái tinh thần trong nghệ thuật“ của Kandinsky, ra từ 2014, 9 năm  nay rồi, mà lỗi đâu phải của tôi, ở trang đầu có 4 người dịch, ngoài tôi và TV dịch từ tiếng Đức, còn có tham khảo bản dịch tiếng Pháp của y. Mà chuyện đề tên chủ yếu NXB Mỹ thuật quyết định chứ đâu phải chúng tôi, nhất là QV là người tổ chức chuyện này. Thôi nhắc lại ở đây để không bao giờ phải nhắc lại nữa. Nói chuyện với QV, tình cờ nhắc chuyện khi ra đi, QV hỏi tôi, anh đã nghĩ chưa, tôi bảo, tất nhiên, tôi nói vợ (thua tôi 14 tuổi cơ mà), rải tro ra sông nhé, vợ tôi không chịu, mình quyết định sao được? QV, cháu gọi nhà vật lý nổi tiếng HP, thầy chủ nhiệm khoa chúng tôi, bằng cậu ruột, bảo, cậu tôi cũng vậy, từng muốn về lại với tro bụi mà nào được, có ông em lấy một chén tro đưa lên nhà thờ tổ rồi. C’est la vie, đời là vậy, khi ra đi là hết                  

Còn hôm nay, ngày 01.04., ngày nói dối đây, các báo tha hồ tung tin vịt chẳng ai ngờ được, như Nga và Ucraina đã thỏa thuận ngừng bắn, hay ở Moscow có chính biến, đảo chính lật đổ Putin, để rồi sau đó ở tít trang cuối có in lời xin lỗi với dòng chữ nhỏ xíu ít ai để ý đến. Nhưng với tôi bạn đọc khỏi lo chuyện ấy, tôi cố viết thực nhất có thể, hồi ký cơ mà, chứ không phải tiểu thuyết tự sự đâu nhé. Còn ở đấy bao nhiêu là sự thật, tôi có sở hữu KGB hay deuxième bureau đâu để mà kiểm chứng?     

Nhắc lại kỷ niệm xưa khi đi thực tập ở Paris cuối năm 1982, khóa đó giới Toán Lý chúng tôi có NVĐ, em trai NVL cùng khóa với tôi sau là quản lý, tức viện phó Viện Toán, còn Đ rất có chí làm Toán, sau đó về nước bảo vệ TSKH rồi làm cán bộ khoa học cốt cán cho viện, Đ ở ký túc xá sinh viên Bure-sur-Yvette cùng với tôi vì thực tập ở École de Haute Etude ngay gần đó, cũng như Laboratoire de Spectroscopie Moléculaire của tôi vì đây là khu vực đồi phủ rừng thông và rất nhiều loại cây tán lá khác rất ngoạn mục, yên tĩnh, bên dưới có dòng Yvette êm đềm chảy, hết sức thích hợp cho nghiên cứu khoa học. Lý thì còn NTTh và NGTh cùng dân VKH chúng tôi .

Còn có NVT vốn học Rumani, dân VKTQS cùng làm laser với tôi, sau ra ngoài làm ở Viện Khoa học Ứng dụng của sếp VĐCự và TĐA, rất hay gặp nhau. Khi ấy cũng có mấy buổi đi chơi với bạn bè là các đồng nghiệp Pháp cộng sản hay cánh tả nói chung vì thời ấy đang thịnh  hành khái niệm „eurocommunism“ mà bạn đọc trẻ có thể tra mạng thì ra ngay. T ở giới quân sự đi nên không quan tâm lắm tới chuyện viết báo, tôi phải nhắc bạn ấy nên khi về cũng có bải báo và bạn ấy rất quý tôi vì lời nhắc ấy. Chúng tôi thường ghé các bungalow ở ngoại vi Paris của đồng nghiệp Pháp này. Trong số ấy tôi nhớ nhất là Reggermother, cũng là bạn thân của cha tôi từ xưa.

Tôi có dịp so sánh 2 thành phố Paris với Berlin. Paris chắc chắn là đẹp hơn Berlin, cảnh quan và kiến trúc, và nhất là…các cô gái, và đấy không phải là ý kiến riêng tôi. Xin bạn đọc thông cảm, lúc ấy tôi mới hơn 30 chút đỉnh. NTTh và NGTh cũng cùng đi theo lời mời của Bộ Giáo dục Pháp như tôi (nên học bổng thấp hơn Bộ Ngoại giao, y như khi trước ở CHDC Đức có khác biệt giữa chế độ đãi ngộ của Bộ Giáo dục và VHLKH, AdW, cũng là điều tất yếu thôi, bây giờ các bạn trẻ còn thấy bao nhiêu khác biệt ở đời, nhưng thời ấy chúng tôi vốn quen với khái niệm „bao cấp“ mà). Hai bạn này được ở một ký túc xá sinh viên phố Rue des Écoles, ngay trung tâm Paris, làm tôi cứ tự hào, mình được sang nơi cha mình từng theo học, thế đã là nửa thế kỷ, và bây giờ nhìn lại, lại nửa thế kỷ nữa trôi qua, ngót nghét trăm năm rồi! Thời gian qua nhanh như thoi đưa! Thế nào mà ngày này làm tôi nhớ trước đây cũng vào thứ bẩy đầu tháng tư là ngày vặn đồng hồ sớm lên một tiếng theo giờ mùa hè, chúng tôi lạc nhau vì hoàn toàn không để ý chuyện đó, 2 thế giới khi ấy cách biệt nhau thế nào, thực là nực cười…ra nước mắt.

Thời gian ở Paris, ville des lumières, quá hạnh phúc với tôi rồi, các week-end tôi chẳng bao giờ biết buồn chán, thường đi chơi suốt thứ bẩy, chủ nhật luôn vì nghỉ đêm luôn với các bạn, đi từ sớm thứ bẩy, tối muộn chủ nhật mới về. Mà các thành phố lớn châu Âu có metro rất thuận tiện, RER của Paris cũng hệt như S-Bahn của Berlin, mà đều là những con đường sắt đô thị có cả trăm năm tuổi đời rồi, tiện nghi miễn chê! Thậm chí tôi còn có ông cậu NĐC khi ấy mợ và 2 con sau đang kẹt lại ở SG chưa đi di tản được nên tôi vẫn luôn ghé qua thăm. Ở ngay gần ga Bobigni mà, cậu có căn hộ nghiêm chỉnh trên tầng 3 một chung cư, dù hơi nhỏ một chút.                     

Điểm báo Đức, tờ Spiegel số 7 ra ngày 11 tháng 02. 2023 với chân dung Tổng thống Ucraina Volodymir Zelensky có tựa đề: Spiegel phỏng vấn Volodymir Zelensky „Putin là con hổ luôn muốn ăn thịt người“. Một năm chiến tranh, cái ngày mà nó bắt đầu. Và 3 kịch bản để kết thúc nó. Cuộc toạ đàm xoay quanh nỗi sợ chết và đòi hỏi vũ khí hạng nặng. Người bảo vệ châu Âu: ngày 24.02. là ngày kỷ niệm một năm Nga tấn công Ucraina. Từ đó mọi sự hoàn toàn chẳng như trước đây nữa. Càng không cho Zelensky, người phải vội vàng từ Tổng thống hòa bình biến thành Tổng thống chiến tranh. Cái gì xảy ra vào ngày đó và làm thế nào để Ucraina thắng? 

Còn có bài hay ở trang 6: Luôn ngoan ngoãn nấp dưới bóng Hoa Kỳ: Thay vì tự mình đứng ra lãnh đạo, ở chính sách quốc phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz bám theo Hoa Kỳ. Điều ấy tốt chừng nào Joe Biden còn tại vị. Nhưng sau đó thì sao? Ngay dưới đấy có bức ảnh bom nguyên tử đang lom khom cúi trông không thể nực cười hơn. Làm báo phải như thế mới đáng gọi là làm báo, mà có như thế mới là có tự do báo chí. Ngay những câu đầu tiên đã lên án chính sách quốc phòng của Scholz. Chờ mãi cho đến khi Mỹ quyết định gửi xe tăng thì Scholz mới dám gửi. Khi Biden chưa ngồi cùng thuyền thì Berlin chưa dám động đậy gì.

Vấn đề chưa phải là bom nguyên tử Đức, nhưng trách nhiệm của Đức với châu Âu là quá ít dẫu là nước lớn nhất và mạnh nhất về mặt kinh tế: Dù theo hiệp ước thì khi một nước NATO bị xâm lược thì nước kia phải tham gia bảo vệ, nhưng khi được hỏi, chỉ có 45% đồng ý, 35%, nghĩa là 1/3 nói không. Khi Nga xâm lược Ucraina, Scholz có bài nói lịch sử về „Zeitenwende-Bước ngoặt thời đại“ và đòi lãnh đạo châu Âu nhưng chẳng làm gì, chỉ chờ Mỹ, làm cho các nước châu Âu chán ngán. Đức không cần bom nguyên tử, chỉ với vũ khí thông thường cũng đã đủ làm Nga sợ. Berlin phải làm phao cứu hộ cho Đông Âu. Scholz phải ngừng đứng sau Biden.

Còn bài phỏng vấn Zelensky, bài dài nên tôi chỉ nêu ấn tượng của mình, tôi thấy trước đây người Việt ta chê ông ta là thằng hề. Cái đó đúng cho ‚phân Bắc’ dù sắp tới phong NSND cho anh ta. Còn Zelensky đã học Luật, và cha ông là giáo sư Toán nên đừng chê ông ta chẳng biết tính toán. Ông bảo không sợ chết vì không có thời gian nghĩ đến nó, nhưng chiến tranh thì sợ. Thế mà dân tộc Việt Nam lao vào hết cuộc chiến tranh này sang cuộc chiến tranh khác suốt từ 1940 đến 1989, đúng nửa thế kỷ. Lãnh đạo Việt Nam quá giỏi đi, đừng đổ hoàn cảnh!

Hay nhất là những câu cuối, xin dịch: cuộc chiến tranh này cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng của xã hội. Ngay cả khi một lãnh đạo chính phủ hay nhà nước còn do dự thì mọi người vẫn làm cái việc của họ (ở các nước dân chủ). Tôi coi điều ấy là kết quả quan trọng nhất của cuộc chiến tranh này. Ở châu Âu có những bản sắc, dân tộc, ngôn ngữ, quốc kỳ cực đẹp và hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng ở các giá trị, khi đó mọi người không chần chừ nữa.

Cá nhân tôi xin coi câu nói này của Zelensky như cột mốc phân biệt nước phát triển và nước đang phát triển. Không vượt qua nó, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN sẽ mãi mãi nằm ở cái bẫy thu nhập trung bình. 

 Còn bài khác về Ucraina: Con quỷ xổ lồng: Cuộc chiến tranh xâm lược nổ ra một năm nay. Nó có thể kết thúc thế nào? Với một chiến thắng của Ucraina hay của Nga, với một cuộc ngừng bắn – hay thậm chí với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? Đấy là những kịch bản.

Việc bắt đầu một cuộc chiến tranh là đơn giản, nhưng kết thúc nó khó khăn hơn nhiều… Ucraina đã trở thành điểm chốt cho chính trị thế giới. Việc cuộc chiến tranh này quyết định ra sao sẽ ảnh hưởng đến các tiến trình thế giới. Nếu Putin nuốt chửng Ucraina, Washington sẽ coi chiến tranh Ucraina-Nga như màn mở đầu cho những bi kịch khác, Bắc Kinh sẽ coi đó là sự khuyến khích để xâm chiếm Đài Loan.  Có 4 kịch bản.

1. Ucraina thắng. Phương Tây đang còn chia rẽ nên Ucraina thắng về mặt quân sự là khó nếu không muốn nói là không thể.

2. Nga thắng. Dù Putin thắng thì cũng đắng cay vì còn chiến tranh du kích. Đáng lưu ý là nếu Trump, vốn yêu Putin hơn NATO, sắp tới thắng ở cuộc bầu cử thì sẽ có nhiều thay đổi.  

3. Ngừng bắn đẫm máu. Kịch bản này không vui cho cả Ucraina lẫn châu Âu như kịch bản 2. Hình mẫu cho một cuộc xung đột được đóng băng là chiến tranh Triều Tiên. Hiện cả Hoa Kỳ lẫn Đức vẫn bảo đấy là việc riêng của Ucraina, thời điểm cho ngoại giao. Nhưng Ucraina sẽ không chấp nhận việc ký lại hiệp ước Minsk, vốn có lợi cho Putin và y vẫn muốn. 

4. Ở bất cứ trường hợp nào: Phải hành xử ra sao với Putin. Các đế quốc cũ Anh và Pháp đã vượt qua được tư tưởng đó, phần lớn xã hội Nga thì không chứ không chỉ riêng Putin. Châu Âu phải định hướng ở cánh Đông lâu dài có một thế lực thù địch. Dù Putin, có tin nói y bị u ác, chết thì chủ nghĩa Putin vẫn còn, hay là một chính phủ chuyên chế sống nhờ những tài nguyên của nước Nga.  

 

******

„Những giấc mơ có giờ dương cầm“, 2021

„Đi tiếp và sống“, 2021

 

Spiegel: Trước đây khá nhiều năm, ngay cả các nhà điều hành phòng tranh cũ CFA của ông trong một cuộc phỏng vấn cũng đã kêu ca về sự phát triển của thị trường nghệ thuật. Họ bảo, „hệ thống chết tiệt“ cũng vì nghệ sĩ tự coi mình là siêu sao và ứng xử tương ứng. Họ chẳng bao giờ biết đủ, liên tục thay đổi phòng tranh. Có đúng không?      

Richter: Tôi phải cảm ơn phòng tranh CFA nhiều. Nó là địa chỉ quan trọng nhất cho hội họa châu Âu trong nhiều năm. Việc tất cả đổ vỡ giữa chúng tôi không phải là lỗi của tôi. Và nó hoàn toàn chẳng liên quan gì tới tính hám tiền. Phòng tranh David Zwirner ở New York và tôi phải chia tay nhau, và lẽ ra chắc chắn ở đấy có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Nhưng đã xảy ra một thứ gì đó như tính chuyên nghiệp mà nó đã cản trở tôi. Cái ấy đúng cho nhiều phòng tranh Mỹ, cho toàn bộ tình trạng nghệ thuật ở đấy. Thậm chí tôi còn thấy là những bữa tiệc ở New York cũng buồn tẻ đến mức không thể tưởng tượng được.  

Spiegel: Lỗi ở đâu?

Richter: Mỗi người ở New York hôm nay còn làm nghề lái xe taxi, ngày mai đã có thể trở thành một họa sĩ hay một rapper nổi tiếng hay bất kỳ một siêu sao khác. Vì thế không bao giờ người ta được đánh giá sai bất cứ ai. Điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tôi cũng đã trở thành họa sĩ bởi lẽ tôi không muốn cùng hợp tác với nhiều người. Tôi cũng chẳng hề có trợ tá.      

Spiegel: Ông có phải là một người không thể hòa giải được chăng?

Richter: Tại sao tôi phải như thế?

Spiegel: Ông đã chia tay với phòng tranh đã từng đưa ông lên vị trí star. Ở Đại học Nghệ thuật Berlin, nơi đã từng bổ nhiệm ông chức vụ giáo sư, ngay sau 2 năm ông lại từ chức. Và cả Hamburg cuối cùng ông cũng thấy chán ngấy và cũng đã công khai tuyên bố ngay trước khi bỏ đi.   

Richter: Tôi cũng muốn có một sự độc lập nhất định, tôi chẳng muốn phải thỏa mãn tất cả các kỳ vọng. Ở Đại học Nghệ thuật đúng là tôi không cảm thấy dễ chịu tý nào, tôi có cảm giác mình hệt như một viên công chức, cái ấy đè nặng ruột gan tôi. Ở đấy còn có những giáo sư khác bỏ đi. Ở Hamburg nổi lên ở tôi tính nhỏ bé của thành phố. Tôi muốn – hoàn toàn không hề chống lại cá nhân ông – không phải là Udo Lindenberg (nhạc sĩ nhạc rock, văn sĩ, họa sĩ Đức, sinh 17.05.1946) của nghệ thuật. Khi mọi người bắt đầu vỗ vai anh       trong metro thì anh muốn bỏ đi ngay.    

Spiegel: Từ vài năm nay ông sở hữu nhãn âm nhạc Buback của Hamburg, thành lập năm 1987 mà trước đây ông có lần tạo cover cho nó và nó đã tạo âm nhạc cho các nhóm như Goldene Zitrone-Chanh Vàng hay nữ danh ca Stella Sommer. Không có ông chắc chắn hãng này chẳng còn tồn tại nữa.  

Richter: Tôi chẳng hề làm một chút gì ở đấy, chỉ có việc thu tiền.

Spiegel: Đấy không phải là dự án bảo trợ, không phải là kinh doanh phụ chứ?

Richter: Không, Buback cũng tổ chức các buổi hòa nhạc, kinh doanh booking này có trợ giúp. Nhưng đại dịch dĩ nhiên quá ư nặng nề, và chưa chiến thắng nó.  

Spiegel: Nhóm nhạc có tặng ông một buổi hòa nhạc nhân sinh nhật lần thứ 60. Người nguyên là fan của Anarcho kỷ niệm sinh nhật thế nào?  

Richter: Tôi bị choáng váng bởi một bữa tiệc. Có 70 người rất khác biệt, từ hầu như tất cả các giai đoạn cuộc đời tôi. Rất hỗn loạn, rất gây cảm động.   

Spiegel: Ông hoàn toàn chẳng linh cảm gì ư? 

Richter: Hoàn toàn không. Buổi chiều thì tôi cùng con trai và anh tôi đến triển lãm Donatello và khi đó tôi bắt gặp bạn gái đầu đời. Tôi hoàn toàn bị bất ngờ và bảo, việc bây giờ chúng tôi gặp cô ta ở đây, đó đã là một cái bất ngờ điên rồ. Khi ấy tôi còn hoàn toàn chưa linh cảm gì. Nhưng bất ngờ tất cả lại trở lại, lại hiện lên, các chuyến xe hơi thời đó, âm nhạc, các kiểu đầu, những mùi vị, các cuộc tranh luận. Đúng là tôi đã bị rối mù. Đến tối tôi còn ghé xưởng vẽ vì tôi muốn giải quyết nhanh việc gì đó. Thế mà có 70 người đến đứng đấy và muốn cùng tôi kỷ niệm sinh nhật. Dĩ nhiên cô bạn gái đầu đời cũng ở số đó, cô đến chỉ vì lý do đó mà.  

Spiegel: Tuy ông chưa bao giờ ở trong một ngôi nhà bị chiếm dụng, nhưng cũng đã hoạt động ở kịch bản chiếm dụng nhà. Nếu như ngày hôm nay ông đang còn trẻ, liệu ông có chiếm dụng nhà ở Lützerath chăng?

Richter: Tất cả những cái đó giữ tôi quá lâu trên bình diện biểu tượng. Đề tài nghiêm túc, không nên luôn xem việc phản đối là nghiêm chỉnh. Có lẽ cũng cho phép bạo lực hơn chút đỉnh. Tôi không đồng ý là ở đấy trên nguyên tắc toàn bộ loài người bị gắn trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng, đó không phải là nhiều người, mà là những cấu trúc do ít người làm ra và đã giữ mãi.     

Spiegel: Điều gì sẽ xảy ra nếu nhân danh chống biến đổi khí hậu người ta ném cà chua lên một trong những bức tranh của ông?   

Richter: Chẳng hề hấn chi! Tranh sơn dầu hấu như không bị phá hủy, y như sơn ô-tô. Khác với các khẳng định đang có hiệu lực là lời tuyên truyền của những người bảo thủ, họ phải nói vậy để làm cho nghề nghiệp của họ có vẻ quan trọng hơn. Cà chua nát trên một trong những bức tranh của tôi thì ông có thể lau đi và thế là xong.    

Spiegel: Vậy bất tuân dân sự là thích hợp chăng?

Richter: Đấy gần như là nghĩa vụ! Đó là minh chứng rằng người ta đang sống trong một nền dân chủ mà không phải là bất kỳ một chế độ nào khác. 

Spiegel: Có nghĩa là, ở những năm tháng Hamburg trước đây của ông, đôi khi ông cũng chuỗm thực phẩm từ các cửa hàng cao cấp. Cái gì từ góc nhìn hôm nay của ông là được phép, ông kéo giới hạn ở đâu?  

Richter: Ở vấn đề này vấn đề xoay quanh, người ta biện luận từ điểm nào. Cái quan trọng cho người ấy là sở hữu tư nhân hay nhân phẩm? Rõ ràng là tôi ủng hộ nhân phẩm. Đặc biệt là quyền được nói. 30% thực phẩm bị vứt đi, đồng thời vẫn có những người quá ít tài năng để làm việc hay như bị số phận bóc lột. Họ cũng được cho vào container.    

Spiegel: Ông bỏ học, rồi cũng không kết thúc khóa học nghề. Nhưng điều đó chẳng hề ảnh hưởng đến con đường hoạn lộ của ông. Trái lại sẽ có khác biệt nào nếu như ông không theo học trường đại học Mỹ thuật?     

Richter: Tôi đã chẳng thành họa sĩ. Việc học ở trường đại học là không gian tâm lý học ở đó tôi chẳng có thể tự bảo đảm một cách đáng tin cậy rằng, bây giờ đấy là nghề của tôi, Tôi luôn coi đó là chuyện rất nghiêm túc.   

Spiegel: Ngày hôm nay ông cũng là nhà phê bình trên công luận. Trong phim có một đoạn của ông ở đó thấy bức ảnh bìa của tờ Spiegel năm 2007, câu chú thích là „Mecca nước Đức“. Ông chỉ lên tờ báo vào bảo: „Đây là một lời nhắc nhở ngắn gọn rằng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đến từ điểm giữa của xã hội“.

Richter: Ở đấy tờ Spiegel chỉ đứng đại diện cho điểm giữa của xã hội, và tôi cũng đã lạ hóa nó đi một chút và còn dán thêm 2 người bạn gái của Goethe vào đó nữa. Đấy là sự thật hiển nhiên rằng tất cả cái xấu đều từ điểm giữa của xã hội đến. Nhưng điều đó có thể thay đổi, với tiến trình thời gian thì tri giác thật sự đã trở nên chính xác hơn. Khi tôi còn là một chiến sĩ chống phát-xít trẻ, ở điểm giữa này người ta nghĩ rằng, chỉ có tinh thần chiến đấu ở lề trái. Sau đó cũng phải sửa lại hình ảnh này, đã xảy ra quá nhiều thứ.      

Spiegel: Nguyên lý phỏng vấn do ông đề ra là: „Bạn hãy luôn nói với người nghệ sĩ chỉ về người nghệ sĩ“. Bởi lẽ hoàn toàn chẳng có gì làm người nghệ sĩ vui hơn.

Richter: Đáng tiếc rằng ngày hôm nay vấn đề không chỉ xoay quanh cá nhân đáng quan tâm đến mức giật gân là tôi.   

Spiegel: Tính hài hước có giúp ông để dễ vượt qua cuộc đời không?

Richter: Bây giờ cái ấy nghe cay đắng quá. Thực ra tôi chẳng phải vượt qua bằng bất cứ cái cách gì đó cả, tôi thường khá lạc quan. Tôi được nhào nặn bởi những người phụ nữ mà dẫu cho cuộc đời của họ có khắc nghiệt, đơn giản là họ vẫn luôn có tâm trạng thỏai mái, đó là mẹ tôi và bà tôi  

Spiegel: Ông Richter, xin cảm ơn ông đã tham gia buổi tọa đàm.

Dịch từ Der Spiegel số 4 ra ngày 21 tháng 01. 2023 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chấm phá đời tôi (17)

Do Van Tien

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 32) 

Phan Thanh Hung

VNTB – Chấm phá đời tôi (02)  

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo